CafeLand - Trong khi các chính sách của Chính phủ đang tập trung dồn lực để hỗ trợ thị trường thì mới đây Tiến sĩ Alan Phan đã phát biểu trên báo chí rằng “nên để thị trường bất động sản rơi tự do”. Ý kiến này của ông đã vấp phải sự phản đối của nhiều người, trong đó có cả các doanh nghiệp và hiệp hội bất động sản. Vậy nếu để thị trường bất động sản rơi tự do như ý kiến nêu trên thì ai sẽ là người “chết” ?

Liệu ai sẽ "chết" khi bất động sản "rơi tự do". Ảnh MN

Hệ lụy khi doanh nghiệp bất động sản phá sản

Theo Tiến sĩ Alan Phan, nếu để thị trường bất động sản rơi tự do thì giá nhà sẽ giảm thêm từ 30 đến 50% nữa, giá nhà này sẽ bắt kịp thu nhập của những người thu nhập thấp và sẽ tạo ra một đối tượng trung lưu có đủ điều kiện để mua nhà. Đây cũng là cú hích cho tạo ra sự kích cầu lớn cho thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, nếu để giá nhà rơi tự do thì không chỉ các chủ đầu tư sẽ “chết” hơn phân nửa mà sẽ kéo các ngành nghề khác như ngân hàng, ngành vật liệu xây dựng và cả người mua nhà “chết chùm”.

Bởi vì nếu doanh nghiệp phá sản thì nợ xấu của ngân hàng sẽ tăng, vì phần lớn sản phẩm của doanh nghiệp đều được thế chấp tại ngân hàng (tính đến hết tháng 9/2012, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản và hoạt động dịch vụ đang chiếm khoảng 19,25% tổng số nợ xấu của hệ thống ngân hàng). Để có thể thu hồi nguồn tiền chỉ có cách phát mại tài sản mà doanh nghiệp thế chấp. Tuy nhiên, ở thời điểm bất động sản đang ế ẩm như hiện nay thì việc phát mãi bất động sản cũng rơi vào tình trạng “đỏ mắt” tìm người mua vì các nhà đầu cơ không dám mạo hiểm, còn người có nhu cầu nhà ở thực sự khó vay tiền để mua nhà.

Nghiêm trọng nhất là về phía người dân khi đã đóng tiền nhưng không đến ở được vì căn hộ đang dở dang chưa thể sử dụng được. Như vậy, khiếu kiện sẽ ngày càng nhiều và gây ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường trong khi một bộ phận doanh nghiệp bất động sản đang cố gắng để lấy lại niềm tin từ phía người mua.

Trong bản tin kinh tế vĩ mô do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì thực hiện hồi đầu tháng 3/2013, đơn vị này đã khẳng định, nợ xấu bất động sản kéo theo sự trì trệ của hai ngành quan trọng đối với việc làm cũng như an sinh xã hội là xây dựng và vật liệu xây dựng. Ngành xây dựng tạo việc làm cho khoảng 3,3 triệu lao động, tương ứng với 6,4% tổng lao động của nền kinh tế. Trong khi đó ngành vật liệu xây dựng có khoảng trên 500.000 lao động, chiếm trên 1% tổng số lao động của nền kinh tế. Như vậy, nếu bất động sản “chết” thì chắc chắn số lượng người thất nghiệp sẽ tăng lên và việc an sinh xã hội sẽ gặp khó.

Tiến sĩ Alan Phan còn khẳng định, để cung và cầu gặp nhau Chính phủ phải làm sao để giá nhà xuống và thu nhập người dân lên. Để làm được điều này phải cần đến khoảng thời gian 10 năm. Tuy nhiên, nếu không hỗ trợ bây giờ liệu 10 năm sau bao nhiêu doanh nghiệp tồn tại được khi mà thị trường mới chỉ rơi vào khó khăn từ năm 2009 đến nay nhưng số doanh nghiệp bất động sản giải thể và ngưng hoạt động đều tăng lên hàng năm. Nếu trong năm 2011, toàn quốc có hơn 576 doanh nghiệp bất động sản giải thể và ngưng hoạt động thì con số này trong năm 2012 lại tăng 20%, lên 680 doanh nghiệp.

Làm sao để doanh nghiệp không “chết trắng”

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản là đem của đi cho người giàu, trong khi có rất nhiều ngành nghề khác đang cần sự hỗ trợ. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khách quan hơn. Việc hỗ trợ của Chính phủ ở đây có thể hiểu là “cởi trói” và cải tiến vấn đề thủ tục để giảm thiểu thời gian thực hiện dự án nhằm giảm giá thành căn hộ. Bên cạnh đó, chỉ đạo và điều tiết thị trường để có được những sản phẩm có giá thành phù hợp với thu nhập của người dân. Đồng thời, triển khai các gói tín dụng để người dân có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà với lãi suất vừa phải. Từ đó, kích cầu thị trường để giải quyết hàng tồn kho cho doanh nghiệp bất động sản.

Theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kế hoạch thị trường giá cả (Bộ Tài chính) thì, chuyển biến rõ ràng nhất của thị trường bất động sản đó là sự chuyển dịch về tư duy trong cách nhìn nhận thị trường. Bất động sản chuyển từ vị thế của một ngành bị siết chặt sang ngành được tập trung hỗ trợ. Đây là hy vọng rất lớn đối với thị trường bất động sản không chỉ trong năm 2013 và mà cả trong thời gian tới. Dù những thông tin giải cứu thị trường vẫn còn trên lý thuyết chứ chưa biến thành thực tiễn nhưng các nguồn tín dụng hứa hẹn sẽ đổ vào bất động sản và thị trường sẽ tận dụng được nguồn tài chính này.

Trong lúc dư luận vẫn còn tranh cãi về việc cứu hay không cứu thì nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tự cứu mình bằng cách điều chỉnh cơ cấu căn hộ hoặc giảm giá bán. Tuy nhiên, chỉ hạ giá bất động sản thì không thể mang lại hiệu quả trong lúc này mà phải cần đến sự phối hợp giữa các bên. Trong đó, doanh nghiệp chấp nhận giảm giá hoặc chịu lỗ, nhà nước điều phối về chính sách và ngân hàng hỗ trợ cho vay mua nhà để ở. Trong đó, doanh nghiệp phải nỗ lực rất nhiều tạo ra sự minh bạch để lấy lại niềm tin từ người mua. Đồng thời, chủ động cơ cấu sản phẩm vào phân khúc có giá mềm để phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân hiện nay.

* Bạn đọc có thể trao đổi bình luận thêm ở trang Bạn đọc viết của CafeLand

  • 'Nên để thị trường bất động sản rơi tự do'

    'Nên để thị trường bất động sản rơi tự do'

    Lo ngại rót 30.000 tỷ đồng chỉ cứu được một số đối tượng, địa ốc có thể cầm máu nhưng vết thương khó lành, tiến sĩ Alan Phan cho rằng nên để thị trường tự điều chỉnh để sau 4-5 năm có thể quay về thời hoàng kim. <br/br>

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.