Những vi phạm tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô vẫn chưa được giải quyết. Ảnh: Bùi Tuấn
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, quý I-2018, các đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 3.898 công trình và phát hiện, lập hồ sơ vi phạm 351 trường hợp. Trong đó, có 147 công trình xây dựng không phép, 66 công trình sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; đặc biệt có 126 trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp. Đến nay, UBND các cấp đã xử lý được 252 vụ việc, gồm thực hiện cưỡng chế phá dỡ 92 trường hợp, 122 trường hợp tự khắc phục và 99 trường hợp đang được giải quyết theo thẩm quyền...
Trong đó, các quận như Hai Bà Trưng (79 vụ), Hoàng Mai (30 vụ), Nam Từ Liêm (24 vụ), là những địa phương có số lượng công trình vi phạm nhiều nhất, tập trung vào việc xây dựng không phép, sai phép và xây dựng trên đất nông nghiệp... Trong quý I-2018, không có những vụ việc vi phạm lớn, nổi cộm; số vụ vi phạm so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm mạnh (quý I-2017 có 503 vụ), trong khi đó số lượng công trình xây dựng mới lại tăng (hơn 1.000 công trình). "Để có được kết quả đó là sự cố gắng không nhỏ của lực lượng thanh tra các cấp và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Về cơ bản, các trường hợp vi phạm đã được lực lượng thanh tra xây dựng cơ sở thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định” - ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.
Công trình sai phạm ở số 93 Lò Đúc chưa được xử lý dứt điểm. Ảnh: Bùi Tuấn
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Sở Xây dựng, dù đã cơ bản ngăn được việc lấn chiếm đất, xây dựng không phép, nhưng vẫn còn nhiều công trình xây dựng sai quy hoạch, sai phép... chưa được xử lý kiên quyết, kịp thời. Tại các quận, huyện như: Sóc Sơn, Thanh Oai, Đông Anh, Hoàng Mai, Mỹ Đức, Thanh Trì đã để xảy ra nhiều vụ việc vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công. Khi xử lý vi phạm, chính quyền địa phương còn lúng túng, thậm chí còn đùn đẩy trách nhiệm, chưa giải quyết kịp thời. Một số nơi buông lỏng về quản lý để xảy ra tình trạng đổ đất lấn chiếm, xây dựng móng, tường bao, công trình khác trên đất không được phép xây dựng.
Kể từ giai đoạn 2015-2016 trở về trước, Hà Nội còn tồn đọng kéo dài hàng trăm vụ vi phạm về trật tự xây dựng chưa được xử lý dứt điểm. Cũng từ đó đến nay, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố và quyết tâm của chính quyền địa phương, các vụ việc này từng bước được xử lý dứt điểm. Nếu như tính đến hết tháng 2-2018 vẫn còn 66 trường hợp tồn đọng kéo dài thuộc trách nhiệm quản lý của 19 quận, huyện, thì trong tháng 3-2018, lực lượng chức năng đã xử lý được 8 trường hợp. Quý I-2018, UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 329 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, với tổng số tiền phạt là hơn 2,8 tỷ đồng. Cũng trong quý I-2018, Thanh tra Sở Xây dựng đã thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng (do các đơn vị thuộc Sở là chủ đầu tư; các dự án nhà ở, khu đô thị, hạ tầng kỹ thuật; dự án thuộc vốn ngân sách quận, huyện, thị xã) trên địa bàn. Kết quả, đã ban hành 60 quyết định xử phạt, với tổng số tiền phạt hơn 1,9 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, hiện còn 58 trường hợp trên địa bàn 17 quận, huyện đang tiếp tục xử lý. Trong số này, có một số vụ việc nổi cộm như 8B Lê Trực (quận Ba Đình) đang được tập trung xử lý; vụ vi phạm ở số 3 ngõ 8 Lý Nam Đế, 128-130 Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm); vi phạm ở 93 Lò Đúc, Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng) là những vi phạm kéo dài chưa được giải quyết vì tính chất phức tạp.
Về hướng giải quyết các vụ việc nổi cộm nêu trên, trong nội dung Công văn ban hành ngày 4-4-2018, UBND thành phố yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Kế hoạch số 125/KH-UBND, ngày 1-6-2017 của UBND TP Hà Nội. Theo đó, UBND thành phố giao Sở Xây dựng theo dõi, đôn đốc các đơn vị có trách nhiệm gửi báo cáo đúng hạn, tổng hợp danh sách các đơn vị chậm thực hiện, báo cáo tại giao ban UBND thành phố hằng tháng; khẩn trương trình UBND thành phố ban hành quyết định điều chỉnh quy định quản lý cấp phép xây dựng trên địa bàn trong tháng 4-2018... Ngoài ra, Sở Xây dựng chủ động đôn đốc, chủ trì phối hợp với các sở, ngành chức năng và UBND các quận, huyện, thị xã giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo thẩm quyền; đề xuất báo cáo UBND thành phố chỉ đạo cụ thể những trường hợp chưa giải quyết được do vượt thẩm quyền...