Chương trình Kỳ hợp thứ 3, Quốc hội khoá XV ngày 24.5 đã đề cập đến những bất cập trong công tác phối hợp, hướng dẫn của các bộ, ngành và địa phương liên quan đến triển khai Nghị quyết 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Ảnh minh hoạ

Cách vận dụng khác nhau

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, trải qua gần 5 năm triển khai trong thực tiễn, các mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 42 về cơ bản đã đạt được.

Nghị quyết số 42 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý các khoản nợ xấu, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc xử lý nợ xấu và duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%; từng bước đảm bảo quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị quyết số 42 xuất phát từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương; từ chính quy định tại Nghị quyết số 42.

Cụ thể, trong công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ xấu, các phương pháp hướng dẫn tại Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam được áp dụng chung để thẩm định giá các loại tài sản mà chưa có quy định cụ thể về thẩm định giá các khoản nợ.

Do vậy, khi thẩm định giá các khoản nợ xấu, các doanh nghiệp thẩm định giá vận dụng khác nhau, gây khó khăn cho các bên trong việc lựa chọn mức giá tham khảo làm cơ sở xác định mức giá khởi điểm trong giao dịch mua bán nợ.

Liên quan đến việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm, khi khách hàng không hợp tác bàn giao tài sản bảo đảm, chống đối khi tiến hành thu giữ nhưng sự phối hợp các cơ quan chức năng trong một số trường hợp chưa kịp thời dẫn đến việc thu giữ thường không đạt được kết quả.

Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp còn có cách hiểu khác nhau về tài sản tranh chấp, tài sản đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, gây khó khăn cho TCTD khi áp dụng quy định về thu giữ tài sản theo Nghị quyết số 42.

Về thỏa thuận về thu giữ trong hợp đồng bảo đảm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng nêu rõ, để đủ điều kiện áp dụng quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Nghị quyết số 42, các TCTD phải đàm phán lại với bên vay/bên bảo đảm để ký lại hợp đồng bảo đảm có điều khoản thu giữ. Tuy nhiên, khách hàng thường không hợp tác, vì vậy, các TCTD rất khó để thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm.

Bà Hồng cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế trên là bởi kinh tế Việt Nam và hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp đang chịu những tác động bất lợi, tiêu cực từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 xuất hiện dẫn đến nguy cơ nợ xấu gia tăng.

Trong khi đó, Nghị quyết số 42 mang tính thí điểm các chính sách mới, nên trong quá trình áp dụng không tránh khỏi những lúng túng, chưa thống nhất.

Một số TCTD chưa chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan công an, tòa án các cấp để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất khi áp dụng các chính sách quy định tại Nghị quyết số 42.

Việc áp dụng một số quy định của Nghị quyết số 42 và quy định của pháp luật chuyên ngành còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến việc áp dụng đôi khi chưa thống nhất, hiệu quả thực thi chưa cao.

Kết quả xử lý nợ xấu chưa vững chắc

Đánh giá việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro. Một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết số 42 chưa phát huy hiệu quả (như áp dụng thủ tục rút gọn tại tòa án...).

Đối với nợ xấu nói chung, xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỷ lệ cao. Một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỷ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống.

Ủy ban Kinh tế đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng. Các giải pháp đã triển khai thực hiện để nhận diện cũng như kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay, nhất là các khoản thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ, một số nội dung tại Nghị quyết chưa được hướng dẫn đầy đủ như phương pháp thẩm định giá với các khoản nợ, trường hợp trên/trong tài sản bị thu giữ có các tài sản khác của bên bảo đảm hoặc bên thứ ba, nội hàm quy định về “tài sản tranh chấp trong vụ án” tại Điều 7 hoặc “không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án” tại Điều 14 của Nghị quyết); khó triển khai (như điều kiện, hồ sơ áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án); hoặc chưa thống nhất (như thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm)…

Ủy ban Kinh tế đề nghị cần có giải pháp tích cực, quyết liệt hơn để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc gắn với trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cụ thể.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng cần thống nhất cách hiểu, cách áp dụng của các bộ, ngành, địa phương đối với các quy định của Nghị quyết số 42.

Đẩy mạnh công tác truyền thông đến các địa phương, đặc biệt là vùng xa, nông thôn để các cơ quan, đơn vị biết, hiểu đúng, đầy đủ và áp dụng thống nhất các quy định của Nghị quyết số 42.

Ngoài ra, khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa trong thời gian tới để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ nhằm hỗ trợ các TCTD xử lý nợ xấu hiệu quả.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, về nguyên tắc, chính sách thí điểm chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian, do đó Chính phủ phải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất định hướng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu.

Theo ông Huệ, không nên đặt vấn đề xây dựng một luật về xử lý nợ xấu mà cần hoàn thiện quy định của Luật Các TCTD, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42, xác định nội dung nào kế thừa, đưa vào luật.

Ngành ngân hàng, Chính phủ phải tự đặt ra áp lực để vượt lên, phải giao một số nhiệm vụ trọng tâm cho thời gian thực hiện kéo dài Nghị quyết 42, nhất là nhiệm vụ hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để đưa trở về trạng thái bình thường.

Chủ đề: Nợ xấu ngân hàng,
Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.