“Nghị quyết 42 có hiệu lực chỉ hơn 1 quí trong năm 2017 nhưng kết quả thu hồi nợ xấu về mặt thực chất của 2017 đã tăng hơn rất nhiều so với năm 2016 và những năm trước đây”, Chủ tịch VAMC cho biết.

Sáng nay, đã tổ chức diễn đàn ngân hàng năm 2018: Hướng tới phát triển bền vững. Một trong những nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận tại diễn đàn là kết quả xử lý nợ xấu thời gian vừa qua và định hướng toàn ngành trong những năm tới.

Trả lời các câu hỏi liên quan tới công tác thu hồi, xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC cho biết: Nghị quyết 42 được quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 đã tạo ra một bước chuyển biến lớn trong công tác xử lý và thu hồi nợ xấu. Việc đầu tiên mà nghị quyết này làm được, tạo ra đột biến là tạo thay đổi tích cực trong quan niệm, tư duy về nợ xấu. Chuyển từ quan niệm nợ xấu của ngành ngân hàng, sang nợ xấu của nền kinh tế. Vì thế, các tổ chức tín dụng chủ động và tự tin hơn trong xử lý nợ xấu và thể hiện được quyền chủ nợ trong quan hệ vay trả.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC

Cũng từ nhận thức này, các bộ ngành thời gian qua đã cùng vào cuộc giải quyết nợ xấu cho ngân hàng, nhằm giải phóng, tái tạo nguồn lực mới, tái đầu tư vào nền kinh tế.

Theo đó, ông Đông cho biết, Nghị quyết 42 mới có hiệu lực hơn nửa năm nay, nhưng riêng trong năm 2017 kết quả thu hồi nợ đã tăng mạnh so với 2016 và những năm trước đó. Hiệu quả xử lý nợ đã tăng gấp rưỡi so với thời điểm chưa có nghị quyết 42.

Về định hướng năm 2018, ông Đông cho biết VAMC sẽ hạn chế việc mua nợ xấu và phát hành bằng trái phiếu đặc biệt. Thay vào đó, “siêu doanh nghiệp này” sẽ tổ chức phân tích, phân loại các loại khoản nợ 10 tỷ đồng trở lên, gắn với đó là tiến hành mua đứt bán đoạn, mua theo cơ chế thị trường.

“Năm vừa rồi, trong quý IV, VAMC đã được Chính phủ cấp cho 2.000 tỷ đồng thì chúng tôi đã mua nợ xấu trên thị trường được hơn 3.000 tỷ đồng. Đến nay, chúng tôi đã xử lý thu hồi được 3/4 trong số hơn 3.000 tỷ đồng đó. Năm nay, trong kế hoạch của VAMC, với 2.000 tỷ đồng đó, chúng tôi sẽ mua 3.500 tỷ đồng nợ xấu”, Chủ tịch VAMC tiết lộ.

Vẫn theo lãnh đạo VAMC, tổ chức này đang xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu của công ty để tiến tới mua bán nợ xấu chuyển hướng hết theo cơ chế thị trường, trong bối cảnh VAMC sắp được tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng.

Ông Đông chia sẻ thêm, vừa qua, VAMC có làm việc với ban soạn thảo hướng dẫn Nghị định 42 đối với Tòa án Nhân dân Tối cao. Dự thảo này quy định trong quá trình xử lý theo thủ tục rút gọn của Tòa án tối cao mà phát hiện các tình tiết mới thì quay trở lại xử theo thông thường.

“Chúng tôi có đề nghị là trong quá trình thụ lý mà xử lý theo thủ tục rút gọn, nếu có tình tiết mới mà thay đổi bản chất của vụ án, của vụ việc thì mới quay trở lại xử thông thường. Ngay như lãi suất mấp mô như thế này, trong quá trình tài sản thế nọ thế kia mà lại có tư vấn của luật sư, có tình tiết mới lại quay lại xử thông thường thì tất cả Nghị quyết 42 sẽ không có ý nghĩa”, Chủ tịch VAMC nhìn nhận.

Thu Hà (ANTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.