02/02/2020 7:52 AM
CafeLand - Bất động sản nghỉ dưỡng ven đô đang nổi lên như một xu hướng đầu tư mới. Đây là địa hạt được đánh giá giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác xứng tầm và còn rất nhiều dư địa phát triển.

Phát triển chưa xứng tiềm năng

Nếu như bất động sản nghỉ dưỡng ven biển bùng nổ mạnh mẽ trong những năm qua, thì thị trường nghỉ dưỡng ven đô lại có tốc độ phát triển chậm hơn hẳn. Trên thực tế, trước năm 2010, trong cơn sốt đất nền vùng ven Hà Nội, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô đã có đợt bùng nổ với hàng loạt dự án biệt thự nghỉ dưỡng ở Tam Đảo, Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Lương Sơn (Hòa Bình), Sơn Tây, Ba Vì (Hà Nội).

Tuy nhiên, việc bùng nổ nương theo một cơn sốt được hình thành từ những thông tin ảo. Chiêu trò không căn cứ trên giá trị thực là hạ tầng giao thông và xã hội đã khiến những dự án này rơi vào trạng thái “đóng băng” khi cơn sốt chóng vánh đi qua.

Phải đến năm 2015, bất động sản ven đô mới bắt đầu có sự khởi sắc trở lại cùng với sự ấm lên của thị trường. Quá trình hồi sinh, sản phẩm giai đoạn này dù có chuyển biến mạnh về chất khi chú trọng phát triển đồng bộ cả tiện ích và dịch vụ đi kèm như sân tập golf, sân tennis, khu vui chơi giải trí, bể bơi, quầy bar ngoài trời, bến thuyền... Tuy nhiên, số lượng sản phẩm nhỏ giọt, chỉ là những điểm sáng hiu hắt trên thị trường.

Nói về thực trạng này, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, cho biết dù có “lịch sử” phát triển lâu đời, nhưng bất động sản nghỉ dưỡng ven đô giai đoạn này vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, tản mạn và tự phát.

Theo ông Thản, thực tế phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng bởi địa hình miền Bắc với 3/4 là đồi núi thấp, rừng cây, khe suối, vịnh, đảo, bán đảo với hệ động thực vật phong phú, khí hậu đặc trưng là tiền đề để bất động sản nghỉ dưỡng phía Bắc phát triển mạnh thị trường biệt thự nghỉ dưỡng trên đồi, núi.

Sức nóng của bất động sản nghỉ dưỡng, theo ông Thản, hiện chỉ mới chỉ tập trung ở các khu vực ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Phú Quốc, Hải Phòng... với sự bùng nổ mạnh mẽ nguồn cung, các loại hình sản phẩm trong suốt thời gian qua. Trong khi đó, giới chuyên gia đều chung nhận định bất động sản nghỉ dưỡng ven đô là xu hướng phát triển tất yếu của tương lai.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô, cho biết bất động sản nghỉ dưỡng ven đô đang nhận một lực đẩy lớn từ nội đô khi nội tại các thành phố đang phải đối mặt với hàng loạt vấn nạn ô nhiễm môi trường, ngập lụt, tắc đường... Người dân có xu hướng tìm đến không gian gần thủ đô để nghỉ dưỡng, nơi quãng đường và thời gian di chuyển không quá dài, đảm bảo tái tạo được sức lao động và nghỉ ngơi. Người dân thành thị cần thời gian ngắn và chi phí thấp để giải tỏa những áp lực đó và du lịch nghỉ dưỡng ven đô đáp ứng được điều này.

20 năm trước, du lịch nghỉ dưỡng ven đô còn là câu chuyện xa xôi. Nhưng đến nay, nghỉ dưỡng ven đô đã trở thành một nhu cầu thiết yếu. Để bắt kịp xu hướng, các nhà đầu tư, phát triển dự án cần tầm nhìn chiến lược dài hạn, đi trước đón đầu phù hợp với quy luật của thời thế và tiến hành các công việc cụ thể.

Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội

Cùng với đó, hạ tầng giao thông giữa thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành lân cận ngày càng được hoàn thiện, khiến khoảng cách từ nội đô ra vùng ven được rút ngắn, thuận lợi cho việc di chuyển. Đặc biệt, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô có lợi thế ở nguồn cầu lớn đến từ khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội và người dân sinh sống trong chính nội đô.

Số liệu của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, năm 2016, nếu Nha Trang - một trong những thị trường trọng điểm của du lịch biển - chỉ có 4,6 triệu lượt khách thì riêng thủ đô Hà Nội đón 21,8 triệu lượt khách. Trong khi Nha Trang chứng kiến sự bùng nổ liên tiếp của hàng loạt dự án nghỉ dưỡng thì từ 2012 - 2017, trong năm năm, do quỹ đất hạn hẹp, Hà Nội chỉ cung thêm vào nguồn cung hiện tại 1.200 phòng khách sạn 3-5 sao.

Nguồn cung quá khiêm tốn này đang gây áp lực lớn lên cơ sở lưu trú thủ đô, tác động trực tiếp đến thời gian lưu trú, chi trả của khách. Kết nối du lịch nội đô với khu vực ngoại vi là một biện pháp giảm áp lực hữu hiệu.

Những tín hiệu mới

Dù đã có những tín hiệu ấm lên của thị trường từ năm 2015 nhưng phải đến năm 2019, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô mới có những chuyển biến mạnh mẽ nhất. Khoảng một năm qua, một loạt “ông lớn” đã đổ vốn về khu vực ven đô như FLC với kế hoạch đầu tư phát triển dự án tại phía Bắc và phía Tây Hòa Bình; Phú Mỹ Hưng “Bắc tiến” với mục tiêu xây dựng một khu đô thị sinh thái và du lịch hấp dẫn. Cũng tại Hòa Bình, Geleximco khai trương sân golf 27 lỗ tại huyện Kỳ Sơn...

Các ông lớn đã và đang thổi một luồng sinh khí mới vào các thị trường ven đô khiến các thị trường này trở nên sôi động. Động thái đổ vốn đồng loạt của các ông lớn cũng sẽ mở rộng chiều kích của thị trường nghỉ dưỡng ven đô vốn chỉ đang chiếm một dung lượng nhỏ trên bản đồ nghỉ dưỡng.

Ông Nguyễn Thành Trung cho rằng, năm 2019 đang đánh dấu bước tiến của thị trường ngoại ô không chỉ ở khía cạnh vào cuộc của các ông lớn với các siêu dự án. Đặc biệt, thị trường ngoại ô không còn đứng bên lề của sân chơi nghỉ dưỡng mà được đánh giá như một mảng thị trường chính thức khi các khu nghỉ dưỡng liên tục hoàn thiện về sản phẩm và vận hành chuyên nghiệp theo mô hình ủy thác quản lý.

Nhìn nhận về những chuyển biến của nghỉ dưỡng ven đô, ông Lương Ngọc Khánh, Tổng giám đốc Công ty H&K Hospitality, cho biết để thị trường nghỉ dưỡng ven đô phát triển mạnh, các chủ đầu tư, nhà phát triển hãy tạo nên những sản phẩm khác biệt.

“Sự khác biệt mang đến những trải nghiệm mới lạ cho du khách, quyết định đến cảm xúc của họ. Cảm xúc của khách hàng phải đến từ tiện ích, dịch vụ, kiến trúc công trình, các hoạt động trải nghiệm vùng miền”, ông Khánh nói.

Vị này cũng nêu một minh chứng cụ thể về sự phát triển ngoạn mục của du lịch Thái Lan là do tạo nên được những trải nghiệm riêng biệt cho du khách. Một đặc điểm chung của khách du lịch nước ngoài là đề cao trải nghiệm văn hóa, khám phá văn hóa của khu vực địa phương. Thái Lan đã làm tốt điều này.

Cũng theo ông Khánh, nhiều địa điểm của Việt Nam có lợi thế để phát triển du lịch theo hướng đa dạng trải nghiệm nhưng lại chưa chú trọng phát triển. Đây là hướng đi mà bất động sản nghỉ dưỡng ven đô nói riêng và bất động sản nghỉ dưỡng nói chung cần chú ý.

Ông Nguyễn Mạnh Thản cho rằng, 20 năm trước, du lịch nghỉ dưỡng ven đô còn là câu chuyện xa xôi. Nhưng đến nay, nghỉ dưỡng ven đô đã trở thành một nhu cầu thiết yếu. Để bắt kịp xu hướng, các nhà đầu tư, phát triển dự án cần tầm nhìn chiến lược dài hạn, đi trước đón đầu phù hợp với quy luật của thời thế và tiến hành các công việc cụ thể.

Bất động sản nghỉ dưỡng ven đô đang nhận một lực đẩy lớn từ nội đô khi nội tại các thành phố đang phải đối mặt với hàng loạt vấn nạn ô nhiễm môi trường, ngập lụt, tắc đường… Đặc biệt, thị trường ngoại ô không còn đứng bên lề của sân chơi nghỉ dưỡng mà được đánh giá như một mảng thị trường chính thức khi các khu nghỉ dưỡng liên tục hoàn thiện về sản phẩm và vận hành chuyên nghiệp theo mô hình uỷ thác quản lý.

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng ngoại ô

An Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.