04/08/2023 11:15 AM
Báo cáo thị trường bất động sản Hà Nội quý 2.2023 của Bộ Xây dựng ghi nhận nghịch lý về giá khi bất động sản nội đô lại giảm, bất động sản ven đô lại tăng.

Ảnh minh hoạ

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý 2.2023, nguồn cung bất động sản, nhà ở vẫn hạn chế, khi chỉ hoàn thành 7 dự án với 2.424 căn (852 căn hộ; 1.572 căn nhà ở riêng lẻ), số lượng dự án chỉ bằng khoảng 50% so với quý 1.2023 và bằng khoảng 29.17% so với quý 2.2022.

Việc triển khai bị chậm hoặc bị dừng hẳn do nhiều dự án gặp khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn…

Đáng chú ý trong bức tranh bất động sản Hà Nội quý 2 là sự ngược chiều về giá giữa hai khu vực ven đô và nội đô.

Theo đó, bất động sản cao cấp nội đô ghi nhận giảm giá, trong khi ven đô lại tăng. Đơn cử, đối với nhà ở riêng lẻ trong dự án có mức độ giảm giá bình quân trong 2 quý đầu năm như: Tây Hồ Residence (Tây Hồ) giảm khoảng 2,3%, xuống mức 233,4 triệu đồng/m2; dự án Sunshine Riverside (Tây Hồ) giảm khoảng 4,8%, xuống mức 222,5 triệu đồng/m2; dự án Park City Hà Nội (Hà Đông) giảm khoảng 2,8%, xuống mức 165,9 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, các dự án tại một số quận, huyện ngoại thành lại có xu hướng tăng như: dự án Bình Minh Garden (Long Biên) tăng khoảng 2,8%, lên mức 175,1 triệu đồng/m2; dự án Splendora An Khánh (Hoài Đức) tăng khoảng 3,4%, lên mức 157,3 triệu đồng/m2; Khu đô thị Đặng Xá 2 (Gia Lâm) tăng khoảng 2,3%, lên mức 87,8 triệu đồng/m2, dự án HUD Me Linh Central (Mê Linh) tăng khoảng 2,9%, lên mức 57,9 triệu đồng/m2.

Đối với phân khúc đất nền tại Hà Nội có xu hướng tăng giá với các dự án mới, gần nội đô, các dự án xa trung tâm hoặc cũ có xu hướng giảm. Cụ thể, Khu đô thị Kim Hoa (Mê Linh) tăng khoảng 2,9%, lên mức 36 triệu đồng/m2; Khu đô thị Dương Nội (Hà Đông) tăng khoảng 3,7%, lên mức 129,9 triệu đồng/m2.

Ngược lại, Khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức) giảm khoảng 2,7%, xuống mức 63,3 triệu đồng/m2), Khu đô thị Hòa Lạc Premier Residence (Sơn Tây) giảm khoảng 2,7%, xuống mức 15,6 triệu đồng/m2; Khu đô thị Thanh Hà Mường Thanh (Hà Đông) giảm khoảng 2,5%, xuống mức 42,8 triệu đồng/m2...

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, nếu bài toán cung cầu được giải quyết hợp lý, thị trường sẽ có thể có những dấu hiệu tích cực bởi nền tảng của thị trường là rất tốt. Cụ thể, các yếu tố như dân số đông, tốc độ đô thị hoá nhanh, hơn nữa Hà Nội là nơi thu hút nhu cầu di cư từ nhiều địa phương sẽ là động lực đối với nhu cầu ở thực.

Nhìn về triển vọng của thị trường bất động sản Hà Nội trong tương lai, bà Hằng đánh giá, Nghị quyết 33/2023 được ban hành là cơ chế tháo gỡ khó khăn, tạo tiền đề cho phát triển của thị trường bất động sản có sự thay đổi tích cực hơn về yếu tố pháp lý cũng như nguồn vốn.

Riêng với phân khúc thấp tầng, từ nay tới cuối năm có khoảng 1.865 căn từ 16 dự án sẽ dự kiến tung ra và huyện Mê Linh vẫn chiếm thị phần lớn nhất đến 18%, tiếp theo là Hoài Đức với 17% và Thanh Trì với 14%. Các dòng sản phẩm này chủ yếu nằm ngoài Vành đai 3.

“Với nguồn cung hạn chế, giá của các dòng sản phẩm nằm trong các khu vực Vành đai 3 khó có thể giảm mạnh”, bà Hằng nhận định.

Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng cũng phản ánh về triển vọng của thị trường trong thời gian tới. Mặc dù thị trường tăng trưởng chậm nhưng vẫn có những thay đổi tích cực.

Các dự án phát triển hạ tầng của thành phố có thể kể đến như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn – Cầu Giấy), đường Vành đai 3,5 và Vành đai 4. Các khu vực lân cận các dự án này như Hoài Đức, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Trì sẽ được hưởng lợi.

Gia Khiêm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.