Trong lần thứ 3 điều chỉnh giá bán trong năm, nhiều doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá bán lên thêm 60.000-90.000 đồng/tấn trước áp lực nguyên liệu đầu vào.

Trong tháng 6, một loạt nhà sản xuất xi măng lớn trên thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán xi măng. Lý do tăng giá bán sản phẩm đợt này là do giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất xi măng tăng cao, đặc biệt là than và xăng dầu.

Đợt tăng giá lần này cũng là lần tăng giá thứ 3 liên tiếp trong năm nay và chỉ cách lần tăng giá lần trước chưa đầy 1 tháng. So với hồi tháng 5, đợt này ít hơn về số lượng doanh nghiệp và biên độ điều chỉnh.

Xi măng tiếp tục tăng giá trong tháng 6 thêm 60.000 đồng/tấn

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Xi măng Trung Sơn đã gửi thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm Xi măng Trung Sơn thêm 90.000 đồng/tấn từ ngày 10/6 đối với các sản phẩm xi măng PCB30 và PCB40 loại bao và rời.

Doanh nghiệp này cũng cho biết, trong thời gian từ 10-20/6, mức giá bán hỗ trợ chỉ tăng 50.000. Sau giảm giá, giá bán mới của thương hiệu xi măng là dao động từ 1-1,2 triệu đồng/tấn (giá đã bao gồm 8% VAT).

Với lần tăng giá từ đầu tháng 6, khối các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam, gồm Vicem Hoàng Mai, Vicem Bỉm Sơn cũng quyết định điều chỉnh tăng giá bán.

Theo đó, từ ngày 15-20/6, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai cũng thực hiện điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm xi măng bao và rời thêm 60.000-80.000 đồng/tấn.

Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn thông báo điều chỉnh tăng giá bán với sản phẩm xi măng bao và rời thêm 70.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT), mức giá mới được áp dụng từ ngày 22/6.

Tương tự, Tập đoàn Xi măng The Vissai đã quyết định tăng giá đối với các sản phẩm xi măng bao và rời thêm 60.000 đồng/tấn từ ngày 25/6. Cùng mức tăng giá bán với Xi măng Vissai, Công ty Xi măng Long Sơn cũng thông báo điều chỉnh với tất cả nhãn hiệu xi măng rời.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng và than đá có xu hướng tăng mạnh. Đây là những nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất trong sản xuất xi măng, chiếm khoảng 35-40%.

Theo VnDirect, có đến gần hai phần ba lượng than phải nhập khẩu, do đó giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá than trên thị trường quốc tế. Do gánh nặng giá nguyên liệu đầu vào đã khiến lợi nhuận nhiều doanh nghiệp bị bào mòn.

Trong năm 2022, áp lực cạnh tranh trong nước có thể tăng khi nhiều nhà máy dự kiến đi vào hoạt động. Cùng với sự giảm tốc của kênh xuất khẩu, điều này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường nội địa.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.