Lãi 3.350 tỉ đồng trong quý 1/2025
Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) được thành lập vào năm 1992, hoạt động trong lĩnh vực buôn bán các loại máy xây dựng, sau đó mở rộng sang các lĩnh vực nội thất, ống thép, thép xây dựng, điện lạnh, bất động sản và nông nghiệp. Gần đây nhất là sản xuất hàng điện máy gia dụng và vỏ container rỗng.
Năm 2007, doanh nghiệp này niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán HPG.
Hiện Hòa Phát đang có 7 lò cao luyện thép, gồm 4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương với công suất sản xuất thép thô đạt 8,5 triệu tấn/năm. Ngoài ra, còn một lò điện tại Hưng Yên để sản xuất thép từ phế liệu, công suất 400.000 tấn thép/năm.
Mới đây, Hòa Phát đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025 với nhiều thông tin đáng chú ý.
Trong quý đầu năm 2025, Hòa Phát ghi nhận doanh thu đạt 37.951 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ở mức 3.350 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.
Trong quý 1/2025, Hòa Phát ghi nhận doanh thu đạt 37.951 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.350 tỉ đồng. Nguồn: BCTC HPG
Về cơ cấu, với vai trò nhóm ngành sản xuất cốt lõi, nhóm thép đóng góp lần lượt 94% và 85% vào doanh thu và lợi nhuận hợp nhất của doanh nghiệp này. Cụ thể, trong quý 1, Hòa Phát sản xuất 2,66 triệu tấn thép thô, tăng 25% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng thép cuộn cán nóng (HRC), thép chất lượng cao, thép xây dựng và phôi thép đạt 2,38 triệu tấn, tăng 29% so với cùng kỳ.
Sản lượng tiêu thụ ống thép và tôn mạ đạt lần lượt 185.700 tấn và 89.000 tấn. Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng đã tăng 236.000 tấn, tương ứng tăng 25%. Trong đó, tiêu thụ trong nước tăng 51% và xuất khẩu giảm 26%. Thị phần thép xây dựng trong nước được nâng lên 39%.
Ban lãnh đạo Hòa Phát cho biết, sau giai đoạn trầm lắng của năm 2023 và sự phục hồi chậm trong năm 2024, thị trường thép nội địa ghi nhận những cải thiện đáng kể về sản xuất và tiêu thụ thép.
Sự hồi phục chung của thị trường thép Việt Nam đến từ nhiều yếu tố bao gồm đầu tư công tăng tốc trở lại sau Tết, nhu cầu xây dựng dân dụng phục hồi tại các đô thị lớn, cùng với động lực từ các khu công nghiệp mới tại miền Trung và phía Nam. Đây là chỉ báo tích cực cho thấy thị trường nội địa đang trở thành điểm tựa cho toàn ngành.
Tại nhóm ngành nông nghiệp, nhóm này vẫn đạt kết quả kinh doanh tích cực khi ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.987 tỉ đồng, tăng 31%, lợi nhuận đạt 407 tỉ đồng, đóng góp tỉ trọng lớn thứ hai với 5% doanh thu và 12% lãi ròng.
Trong khi đó, nhóm ngành bất động sản chiếm tỉ trọng nhỏ nhất, đóng góp 1% doanh thu và 3% lãi ròng.
Vay nợ 89.000 tỉ đồng
Theo báo cáo tài chính, tính đến cuối quý 1/2025, tổng tài sản của Hòa Phát là 228.861 tỉ đồng, tăng thêm khoảng 4.400 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm.
Trong đó, tài sản cố định chiếm tỉ trọng 37%, tương ứng với giá trị 85.858 tỉ đồng và là khoản mục lớn nhất trong cơ cấu tài sản của nhà sản xuất thép này.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang và hàng tồn kho là những khoản mục chiếm tỉ trọng lớn thứ 2 và thứ 3 trong cơ cấu tài sản của Hòa Phát. So với ngày đầu năm 2025, chi phí xây dựng cơ bản tăng giảm khoảng 25%, xuống còn 47.500 tỉ đồng. Trong khi đó, hàng tồn kho ở mức 46.600 tỉ đồng
Báo cáo cho thấy tài sản cố định đã ghi nhận 20.154 tỉ đồng đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành và bắt đầu trích khấu hao. Phần chi phí xây dựng dở dang của dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2 chỉ còn 43.240 tỉ đồng, so với con số 60.108 tỉ đồng thời điểm đầu năm.
Ngoài ra, Hòa Phát đang nắm giữ lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng lên tới 23.672 tỉ đồng. Lượng tiền gửi lớn giúp doanh nghiệp của tỉ phú Trần Đình Long "bỏ túi" những khoản lãi không nhỏ, qua đó bù đắp phần nào chi phí lãi vay phải gánh.
Tổng giá trị nợ vay của Hòa Phát ở mức 89.000 tỉ đồng, tăng 6.000 tỉ đồng so với đầu năm 2025
Bên phía nguồn vốn, nợ phải trả của Hòa Phát tăng nhẹ trong năm 2025, lên mức 110.864 tỉ đồng.
Tổng giá trị nợ vay là hơn 89.000 tỉ đồng, tăng 6.000 tỉ đồng so với đầu năm 2025 và cao hơn gần 11.000 tỉ đồng so với một năm trước. Đây là mức dư nợ vay tài chính cao kỷ lục của doanh nghiệp thép này kể từ khi hoạt động.
Trong đó, vay ngắn hạn là 61.784 tỉ đồng, chiếm 69% tổng nợ vay và còn lại là 27.256 tỉ đồng vay dài hạn. Nợ vay lớn khiến nhà sản xuất thép này phải gánh chi phí lãi vay rất lớn lên đến hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỉ đồng mỗi quý.
Trong quý 1/2025, Hòa Phát chịu chi phí lãi vay 627 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp này phải trả khoảng 7 tỉ đồng tiền lãi vay.
Ban lãnh đạo Hòa Phát cho biết, dư nợ vay tăng mạnh so với thời điểm đầu năm 2025 do dự án Dung Quất 2 bước vào giai đoạn nước rút, hoàn thành lắp đặt thiết bị phân kỳ 1.
Theo báo cáo cập nhật các dự án trọng điểm, Hòa Phát cho biết đã chi thêm hơn 6.140 tỉ đồng cho hoạt động đầu tư trong quý 1, trọng số lớn nhất vẫn là dự án Dung Quất 2.
Cụ thể, hạn mức tín dụng dài hạn 35.000 tỉ đồng với 8 ngân hàng trong nước, đã được sử dụng hết cho việc mở LC và giải ngân thanh toán cho dự án.
Theo kế hoạch, phân kỳ 1 dự án Dung Quất 2 sẽ đi vào vận hành năm 2025. Phân kỳ 2 dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2026. Sản phẩm chính của dự án là thép cuộn cán nóng, thép chất lượng cao, thép đặc biệt phục vụ ngành công nghiệp ô tô, đường sắt, đóng tàu, gia công, kết cấu...
Cuối tháng 3/2024, lò cao đầu tiên của dự án đã hoàn thành chạy thử và bắt đầu đóng góp vào kết quả kinh doanh. Dây chuyền cán cũng được gấp rút hoàn thiện để đáp ứng cho sản lượng nước gang sản xuất ra từ lò cao này. Sản lượng thép sản xuất của phân kỳ thứ nhất sẽ được ghi nhận chủ yếu từ quý 2.
Sau khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động, dự án sẽ tạo thêm việc làm cho trên 8.000 lao động, thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp cơ khí, phụ trợ của Việt Nam.
Doanh nghiệp này cũng cho biết đang gấp rút triển khai dự án đúc cán thép chất lượng cao, phục vụ ngành công nghiệp đường sắt, trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc theo đặt hàng của Chính phủ cũng như các loại thép chất lượng cao phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia.
Trong tháng 4 vừa qua, Hòa Phát và Tập đoàn Primetals ký hợp đồng cung cấp dây chuyền đúc và cán thép chất lượng cao công suất 500.000 tấn/năm với sản phẩm đầu ra là thép làm bố lốp, tanh lốp ô tô (steel cord và beadwire), thép dập nguội, thép dự ứng lực, thép lò xo không hợp kim, thép làm cáp cẩu, thép làm đinh vít chính xác...
-
Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long nói về việc trả nợ vay ngân hàng, có sẵn 25.000 tỷ tiền mặt
Chia sẻ về khả năng chi trả lãi vay và gốc vay, ông Trần Đình Long cho biết Hòa Phát luôn giữ sẵn khoảng 25.000 tỷ tiền mặt, có thể thanh toán bất kỳ lúc nào để đảm bảo thanh khoản và an toàn tài chính.
-
Thép chất lượng cao là các loại thép nguyên liệu phục vụ ngành cơ khí, chế biến chế tạo như cáp thang máy, làm lõi que hàn, lò xo, đinh ốc vít, thép dự ứng lực, tanh lốp ô tô… Với việc lắp đặt dây chuyền đúc và cán thép chất lượng cao công suất 500.000 tấn/năm, Hòa Phát sẽ đẩy mạnh sản xuất các dòng thép này.
-
Tại thời điểm cuối năm 2024, nợ phải trả của Tập đoàn Hòa Phát hơn 109.800 tỉ đồng, trong đó nợ đi vay là 83.000 tỉ đồng, cao nhất lịch sử. Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp này phải trả hơn 6 tỉ đồng tiền lãi vay.








-
Một công ty xi măng báo lỗ quý thứ 10 liên tiếp
Với việc tiếp tục thua lỗ trong quý 1/2025, Vicem Bút Sơn ghi nhận chuỗi 10 quý kinh doanh thua lỗ liên tiếp, nâng lỗ lũy kế hơn 320 tỷ đồng.
-
Novaland giảm lỗ trong quý đầu năm, tồn kho gần 150.000 tỷ đồng
Trong 3 tháng đầu năm nay, Novaland ghi nhận doanh thu hợp nhất tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ nhưng vẫn lỗ sau thuế hợp nhất 476 tỷ đồng.
-
Vingroup làm gì để thu về hơn 3 tỷ USD chỉ trong một quý?
Trong quý 1/2025, Tập đoàn của Tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận hơn 84.000 tỷ đồng (hơn 3,2 tỷ USD) doanh thu hợp nhất và hơn 2.200 tỷ đồng lãi sau thuế.