Nợ xấu có xu hướng gia tăng tại nhiều ngân hàng
NCB dẫn đầu về tỷ lệ nợ xấu
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025 của Ngân hàng NCB cho thấy sự cải thiện đáng kể về chất lượng tín dụng, thể hiện qua việc tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2024. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đã giảm từ 19,54% về mức 14,04%. Tuy nhiên, số rất cao so với mặt bằng chung toàn ngành (dao động quanh 2–3%), cho thấy áp lực lớn trong công tác xử lý và kiểm soát rủi ro tín dụng tại ngân hàng.
Tại ngày 31/3/2025, tổng giá trị nợ xấu (gồm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn) của NCB giảm từ 13.907 tỷ đồng xuống còn 10.955 tỷ đồng, tương đương mức giảm hơn 2.950 tỷ đồng, tương ứng 21,25%. Trong đó, nhóm nợ có khả năng mất vốn – chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nợ xấu – đã giảm từ hơn 13.187 tỷ xuống còn 10.419 tỷ đồng, tức giảm hơn 2.768 tỷ đồng chỉ trong ba tháng đầu năm. Ngoài ra, nhóm nợ cần chú ý cũng ghi nhận sự cải thiện đáng kể, giảm từ 1.331 tỷ xuống 821 tỷ đồng, cho thấy tín hiệu tốt từ việc xử lý nợ và kiểm soát rủi ro tín dụng.
BIDV, VPBank, VietinBank: Số dư nợ xấu cao
Ngân hàng BIDV công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025, ghi nhận bức tranh nợ xấu đáng lo ngại: tổng nợ xấu lên tới gần 39.909 tỷ đồng, tăng gần 10.873 tỷ đồng, tương đương tăng 37,45% chỉ sau ba tháng đầu năm. Với quy mô này, BIDV là ngân hàng có tổng nợ xấu cao nhất trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đặc biệt đáng chú ý là khoản nợ có khả năng mất vốn của BIDV đã tăng thêm hơn 8.133 tỷ đồng, chiếm tới 70% tổng nợ xấu hiện tại. Trong khi đó, nợ nghi ngờ có dấu hiệu cải thiện, giảm gần 10%.
Tỷ lệ nợ xấu của BIDV tăng từ 1,41% năm trước lên mức 1,89% tại ngày 31/12/2025.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025 của VPBank cho thấy, dù tổng dư nợ cho vay khách hàng tiếp tục tăng trưởng, chất lượng tín dụng lại diễn biến theo chiều hướng tiêu cực khi nợ xấu tăng mạnh, đặc biệt là nhóm nợ có khả năng mất vốn.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng nợ xấu của VPBank tăng lên mức 34.610,6 tỷ đồng, tăng 19,06% so với cuối năm trước. So với mức nợ xấu 29.070,17 tỷ đồng tại ngày 31/12/2024, VPBank ghi nhận mức tăng thêm hơn 5.540 tỷ đồng nợ xấu chỉ sau một quý. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ từ đó cũng tăng từ 4,20% lên 4,74% – một mức tăng đáng lo ngại. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn VPBank tăng tới 37% chỉ trong vòng ba tháng.
Tổng dư nợ cho vay khách hàng tại ngày 31/3/2025 của VietinBank đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2024. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cũng gia tăng, cho thấy dấu hiệu cần lưu ý về chất lượng tín dụng.
Cụ thể, tại thời điểm 31/03/2025, VietinBank ghi nhận tổng dư nợ xấu là 27.971 tỷ đồng, tăng hơn 6.600 tỷ đồng so với cuối năm trước. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vì thế tăng từ 1,24% lên 1,55%. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn đã tăng gấp hơn 2 lần chỉ trong một quý, từ 2.817 tỷ lên 6.431 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn cũng tăng thêm hơn 2.300 tỷ đồng, lên mức 16.079 tỷ đồng.
OCB, VIB, MBBank, SHB, TPBank:
Bức tranh tài chính quý 1/2025 của OCB cho thấy tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng vọt lên gần 4%. Cụ thể, tính đến ngày 31/3/2025, tổng dư nợ xấu của OCB đã tăng hơn 1.400 tỷ đồng chỉ sau ba tháng đầu năm, tương đương mức tăng tới 27% so với cuối năm 2024, nâng tổng nợ xấu lên 6.850 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vì vậy đã vọt lên 3,91%, cao hơn nhiều so với mức 3,17% hồi đầu năm.
Giữa lúc hoạt động kinh doanh đang có dấu hiệu chững lại, VIB tiếp tục đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ chất lượng tài sản. Báo cáo tài chính quý 1/2025 cho thấy nợ xấu tại nhà băng này không chỉ gia tăng mạnh, mà tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) - một chỉ số phản ánh khả năng “đệm đỡ” rủi ro - lại đang rơi xuống 38,6% – mức thấp nhất trong vòng 5 năm và thuộc nhóm thấp nhất trong toàn hệ thống ngân hàng.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng nợ xấu của VIB đã tăng hơn 11% so với đầu năm, lên tới 12.700 tỷ đồng. Tình trạng xấu hóa diễn ra trên diện rộng với cả ba nhóm nợ đều tăng. Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn tăng tới 27%, nợ nghi ngờ tăng 12%. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn - nhóm nợ rủi ro cao nhất - hiện chiếm hơn 50% tổng nợ xấu và ghi nhận mức tăng 6%.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của VIB vì vậy đã tăng từ 3,5% lên hơn 3,8%, phản ánh áp lực tín dụng đang gia tăng rõ rệt.
Đến cuối quý 1/2025, tổng nợ xấu của MBBank đã lên tới 14.681 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2024 (khoảng 12.586 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ theo đó đã tăng từ 1,62% lên 1,84%. Xét theo từng nhóm nợ, nợ nghi ngờ ghi nhận mức tăng mạnh nhất, vọt 34,7% từ 3.380 tỷ đồng lên 4.552 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng nhẹ từ 4.599 tỷ đồng lên 4.942 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ có khả năng mất vốn - nhóm nợ rủi ro cao nhất - cũng tăng 12,6%, đạt 5.187 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý 1/2025 cho thấy SHB đang đối diện với áp lực nợ xấu gia tăng rõ rệt, dù vẫn thận trọng trong việc trích lập dự phòng nhằm bảo toàn lợi nhuận.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng nợ xấu của SHB đạt 18.935 tỷ đồng, tăng 21,37% so với đầu năm. Ba nhóm nợ xấu - gồm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn - đều ghi nhận mức tăng, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ từ 3% cuối năm 2024 lên 3,33%.
Dù nợ xấu tăng mạnh, SHB chỉ trích lập 875 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 1 – mức thấp hơn bình quân các quý năm trước. Điều này cho thấy nhà băng đang chủ động kiểm soát chi phí để tối ưu hóa lợi nhuận.
Tính đến cuối tháng 3/2025, tổng nợ xấu của TPBank đã tăng mạnh lên gần 5.971 tỷ đồng, tương đương mức tăng 57% so với đầu năm. Cơ cấu nợ xấu cho thấy sự gia tăng ở cả ba nhóm: nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 25% lên 1.881 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 58% lên 1.878 tỷ đồng, và đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) gần như gấp đôi, đạt 2.211 tỷ đồng.
Diễn biến này khiến tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của TPBank tăng đáng kể, từ mức 1,52% đầu năm lên 2,27%, phản ánh áp lực ngày càng lớn lên chất lượng tài sản của ngân hàng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.
VieABank, Vietcombank, ACB, Techcombank: Kiểm soát tương đối ổn định
Theo báo cáo tài chính quý 1/2025 của VietABank, tính đến ngày 31/3/2025, tổng dư nợ cho vay của ngân hàng đạt 84.910 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với thời điểm cuối năm 2024. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh từ 1,37% xuống chỉ còn 0,63%.
Cụ thể, tổng nợ xấu của VietABank tại thời điểm cuối quý 1/2025 là 536 tỷ đồng, giảm hơn 555 tỷ đồng so với con số hơn 1.091 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2024.
Trong đó, khoản nợ nghi ngờ – thường là dấu hiệu cảnh báo về khả năng mất vốn – đã giảm đột biến từ 558 tỷ đồng xuống còn gần 49 tỷ đồng, tương đương mức giảm hơn 90%. Nợ có khả năng mất vốn cũng giảm nhẹ từ 519 tỷ xuống 477 tỷ đồng. Riêng nợ dưới tiêu chuẩn ghi nhận ở mức 9,7 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025 của VietcomBank cho thấy tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 1,466 triệu tỷ đồng, tăng gần 17.200 tỷ đồng so với cuối năm 2024.
Trong đó, tổng nợ xấu của Vietcombank ghi nhận 15.036 tỷ đồng tính đến ngày 31/3/2025, tăng nhẹ so với mức 13.964 tỷ đồng hồi cuối năm 2024. Tỷ lệ nợ xấu của VietcomBank trong quý 1/2025 là 1,025%, nhỉnh hơn so với mức 0,964% tại thời điểm cuối năm 2024.
Mặc dù nợ xấu có xu hướng tăng nhẹ, VietcomBank vẫn duy trì vị thế là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong nhóm “Big 4” và toàn hệ thống. Điều này cho thấy năng lực quản trị rủi ro tín dụng hiệu quả và chất lượng tài sản vẫn được kiểm soát tốt.
Ngoài ra, dư nợ "nợ cần chú ý" (nhóm 2 – tiềm ẩn rủi ro) của VietcomBank cũng tăng từ 3.935 tỷ đồng lên 4.270 tỷ đồng.
Tính đến 31/3/2025, TechcomBank ghi nhận tổng nợ xấu là 7.783,9 tỷ đồng, tăng 1,34% so với mức 7.681,1 tỷ đồng tại ngày 31/12/2024. Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ 1,22% lên 1,23%.
So với thời điểm cuối năm 2024, nợ có khả năng mất vốn tăng 637,5 tỷ đồng, tương đương tăng 19,5%. Nợ nghi ngờ giảm nhẹ, cho thấy có khả năng một số khoản nợ được xử lý hoặc chuyển nhóm. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng gần 9%, cảnh báo khả năng suy giảm chất lượng tín dụng trong giai đoạn đầu.
Tỷ lệ nợ xấu hiện tại của TechcomBank vẫn nằm trong ngưỡng an toàn theo chuẩn quốc tế (<3%) và thấp hơn mặt bằng chung ngành. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng nợ có khả năng mất vốn – nhóm nợ rủi ro cao nhất – là tín hiệu đáng lo ngại.
BacABank ghi nhận tổng dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm 31/3/2025 là 111.173,8 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ xấu tăng từ 1.359 tỷ đồng lên 1.406 tỷ đồng, tương đương mức tăng 3,42%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 1,24% lên 1,26%. Dù có sự gia tăng nhẹ, tỷ lệ này vẫn nằm sâu dưới ngưỡng cảnh báo 3% do Ngân hàng Nhà nước quy định, phản ánh BacABank vẫn đang giữ được mức độ rủi ro tín dụng ở mức kiểm soát được.
Một điểm sáng đáng ghi nhận là việc BacABank đã giảm được đáng kể các khoản nợ thuộc nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn) và nhóm 4 (nghi ngờ). Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) giảm từ 194,4 tỷ đồng xuống còn 132,6 tỷ đồng (giảm ~31,8%). Nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm từ 270,9 tỷ đồng xuống 201,5 tỷ đồng (giảm ~25,6%). Dù vậy, báo cáo của BacABank cho thấy nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đã tăng mạnh 19,8%, từ 893,9 tỷ đồng lên 1.071,5 tỷ đồng.
Trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang chịu áp lực gia tăng nợ xấu, Ngân hàng ACB tiếp tục cho thấy sự thận trọng trong chiến lược tín dụng và kiểm soát rủi ro.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng dư nợ cho vay khách hàng của ACB đạt 589.382 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 571.996 tỷ đồng cuối năm 2024. Trong đó, tổng nợ xấu là 8.844 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tương ứng là 1,50%, gần như không đổi so với mức 1,48% cuối năm 2024 – một kết quả cho thấy sự kiểm soát chặt chẽ trong việc đánh giá và phân loại rủi ro tín dụng tại ACB.
Mức tăng nhẹ của nợ cần chú ý (từ 2.779 tỷ đồng lên 4.229 tỷ đồng) của ACB không gây nhiều lo ngại khi xét đến quy mô và tỷ trọng tổng dư nợ.
Trong khi đó, nhóm nợ có khả năng mất vốn – loại rủi ro cao nhất – đã giảm nhẹ từ 6.748 tỷ đồng về 6.594 tỷ đồng, cho thấy ngân hàng đang xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu tồn đọng.
-
Sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng: Tháo gỡ nợ xấu, khơi thông nguồn vốn
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng luật hóa các quy định xử lý nợ xấu, phân cấp thẩm quyền cho vay đặc biệt và tăng cường minh bạch hệ thống ngân hàng. Những thay đổi này nhằm tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, khơi thông nguồn vốn và đảm bảo an toàn tài chính, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trong năm 2025.
-
Danh sách nợ xấu nghìn tỷ của hãng thép 37 năm tuổi có những doanh nghiệp nào?
Tính đến hết quý 1/2025, báo cáo tài chính thể hiện SMC đã trích lập dự phòng hơn 365 tỷ đồng cho hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu. Danh sách nợ xấu của hãng thép này xuất hiện nhiều cái tên doanh nghiệp bất động sản quen thuộc như Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận, Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley, Công ty TNHH The Forest City…
-
Luật hóa Nghị quyết 42: Tạo khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu, giảm lãi suất cho vay
Ngày 18/4/2025, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ nhất, tiến hành thẩm tra tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.







-
Doanh nghiệp bất động sản niêm yết quý 1/2025: Bức tranh phân hóa sâu sắc, “có hàng” mới có lợi nhuận
Quý 1/2025 chứng kiến bức tranh lợi nhuận đầy tương phản trong nhóm doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Trong khi một số “ông lớn” như Vinhomes, Kinh Bắc hay Becamex IDC ghi nhận lãi lớn nhờ đẩy mạnh bàn giao dự án và tối ưu chi phí, một số doanh ngh...
-
Gỗ An Cường nói về việc thu hồi khoản tiền cọc hàng trăm tỷ tại dự án NovaWorld Phan Thiết
Lãnh đạo Gỗ An Cường cho biết khoản nợ của Novareal cơ bản đã được xử lý xong. Trong đó, phần lãi dự kiến trả bằng 13 shophouse và tiền gốc sẽ trả dần 2-3 năm.
-
Bức tranh tài chính đối nghịch của doanh nghiệp ngành thép
Nhiều doanh nghiệp thép đã vượt khó, đạt lợi nhuận khá tốt trong quý 1/2025. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn đang chìm trong thua lỗ.