Các tổ chức đầu tư, công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư chính phủ đang đẩy nhanh tốc độ rót vốn vào các bất động sản hậu cần ở Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung, do nhu cầu mở rộng kho vận để đáp ứng sự bùng nổ của các dịch vụ thương mại điện tử cũng như vận chuyển hàng hóa và thực phẩm.
Jeffrey Shen, đồng sáng lập và đồng Giám đốc điều hành của công ty ESR, cho biết: “Nguồn vốn đã đổ dồn vào thị trường trước đại dịch, và các nhà đầu tư hiện còn tăng tốc hơn nữa bởi Covid-19 đang giúp thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới này phát triển ngày càng nhanh”.
ESR là công ty chuyên cung cấp các bất động sản logistics tại châu Á với khoảng 17 triệu mét vuông không gian kho vận và tổng tài sản quản lý trị giá hơn 22 tỷ USD.
“Các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư chính phủ và đơn vị quản lý quỹ hưu trí đang rất quan tâm đến bất động sản hậu cần cũng như bản thân công ty ESR, trong bối cảnh các lĩnh vực khác như bán lẻ đang chịu áp lực nặng nề do dịch bệnh bùng phát”, ông Shen nói.
Trong năm nay, ESR đã công bố các khoản đầu tư mới trị giá khoảng 2 tỷ USD hợp tác với các nhà đầu tư khác trên toàn cầu, bao gồm việc liên doanh với Manulife, tập đoàn bảo hiểm đang quản lý danh mục tài sản trị giá khoảng 900 tỷ USD.
Đầu tháng này, ESR thông báo liên doanh này đã mua bốn bất động sản hậu cần từ Redwood China Logistics Fund có giá khoảng 1,7 tỷ Nhân dân tệ (tương đương với 240 triệu USD).
Và ESR không phải công ty duy nhất trong lĩnh vực này đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
China Logistics Property Holdings, doanh nghiệp đang sở hữu danh mục đầu tư trong lĩnh vực hậu cần với 4,3 triệu mét vuông không gian kho vận tại 18 tỉnh của Trung Quốc đại lục, cho biết vào cuối tháng Sáu rằng họ đã đạt được sự đồng thuận để phát hành 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho quỹ đầu tư Bain Capital có trụ sở tại Boston.
Ông Shen cho biết thêm, nhu cầu kho vận từ các ngành kinh doanh liên quan tới thực phẩm đã tăng cao do người tiêu dùng đổ xô đi mua sắm thực phẩm trực tuyến trong giai đoạn phong tỏa kéo dài để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Điều này phù hợp với báo cáo của JLL cho thấy doanh số bán hàng của các dịch vụ kinh doanh thực phẩm và hàng hóa trực tuyến đã tăng tới 400% trong tháng Hai vừa qua, cũng là thời kỳ đỉnh dịch tại Trung Quốc. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu về kho vận, đặc biệt là tại những địa điểm thuận lợi cho hoạt động giao hàng.
Trong khi đó, báo cáo của Knight Frank đưa ra vào đầu tháng này chỉ ra rằng, khối lượng giao dịch trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại khu vực này chỉ giảm 11% so với quý 2/2019, thấp hơn rất nhiều so với mức giảm 44% của các lĩnh vực khác.
“Hầu hết các hợp đồng thuê mới đều tới từ dịch vụ vận chuyển thực phẩm và các đơn vị kinh doanh theo mô hình nhà bếp trung tâm. Chúng chiếm tới 60% diện tích cho thuê mới”, ông Shen nói thêm.
ESR đã có thêm nhiều khách hàng mới trong giai đoạn này, bao gồm cả Havi Group - nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển lạnh cho McDonald - khi ông lớn đồ ăn nhanh này mở rộng kinh doanh tại Trung Quốc.
Theo Brian Oravec, đối tác quản lý của IndoSpace Capital Asia - một nhà phát triển bất động sản công nghiệp và kho vận tại Ấn Độ, thì các nhà đầu tư đã mở rộng danh mục tài sản liên quan đến bất động sản công nghiệp trong suốt 4-5 năm vừa qua nhằm đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ cũng như tốc độ tăng trưởng cho thuê ổn định của lĩnh vực này.
“Tốc độ đầu tư nói trên cũng đang tăng lên nhanh chóng khi thương mại điện tử bùng nổ do đại dịch”, Oravec phát biểu trong một hội thảo trực tuyến do Hiệp hội Bất động sản châu Á - Thái Bình Dương tổ chức.
Lĩnh vực bất động sản hậu cần và công nghiệp tại châu Á - Thái Bình Dương đã chứng minh khả năng phục hồi mạnh mẽ trong quý 2 vừa qua. Theo báo cáo của JLL vào ngày 20/7, tăng trưởng cho thuê vẫn tích cực ở Thượng Hải và Sydney và đa phần ổn định ở Singapore, Bắc Kinh và Melbourne. Riêng cho thuê văn phòng và bán lẻ lại vẫn trầm lắng với giá thuê giảm trong quý 2.
Bất động sản hậu cần tại châu Á hiện được đánh giá là điểm sáng trong bối cảnh đầu tư vào bất động sản trên toàn cầu giảm đến 33% trong nửa đầu năm 2020, theo báo cáo của Savills. Trong đó, châu Á – Thái Bình Dương, khu vực đầu tiên bùng phát dịch bệnh, hứng chịu mức giảm lớn nhất (45%) trong nửa đầu năm nay, nhưng lại đang nhận được những tín hiệu phục hồi mạnh mẽ nhất khi dịch bệnh có chiều hướng được kiểm soát và nhiều quốc gia đang thúc đẩy đầu tư công vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng để làm đòn bẩy phát triển kinh tế.
-
Cổ phiếu châu Á, nhu cầu nhà ở tăng trở lại
CafeLand - Cổ phiếu châu Á đã tăng hôm thứ ba, 30-6, phản ánh sự lạc quan về dữ liệu kinh tế mạnh mẽ hơn dự kiến.
-
Nửa cuối năm 2024 là cơ hội để thu mua bất động sản
Theo khảo sát của CBRE, đầu tư bất động sản thương mại tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC) có thể phục hồi vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.
-
Nhà đầu tư châu Á tăng cường vốn vào bất động sản trong trung hạn
Bất động sản, một danh mục phụ lớn thuộc tài sản tư nhân, đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư châu Á, với 64% kỳ vọng sẽ tăng lượng nắm giữ trong trung hạn.
-
Sóng đầu tư Trung Quốc thoái trào, để lại 500 “tòa nhà ma” ở Campuchia
Các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc rút đi đã khiến Sihanoukville, điểm nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng của Campuchia, phải đối mặt với hàng trăm dự án còn dang dở.