CafeLand – VietinBank Tower, siêu dự án đình đám tại Khu đô thị Ciputra với tổng vốn đầu tư lên đến 400 triệu USD (khoảng 9.200 tỉ đồng), đang gặp khó khăn về vốn nên VietinBank muốn chuyển nhượng toàn bộ, tái cơ cấu dự án này.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường vào tháng 12/2018, lãnh đạo Ngân hàng VietinBank cho biết do khó khăn về vốn và không có khả năng khai thác hết tòa nhà trụ sở chính Vietinbank tại Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội (VietinBank Tower), HĐQT ngân hàng này đã đề xuất ba phương án cơ cấu lại dự án.

Phương án 1 là chuyển nhượng toàn bộ tài sản của dự án. Sau khi dự án hoàn thành, VietinBank sẽ thuê tại tháp 68 tầng để làm trụ sở làm việc. Đến hết hạn thuê, ngân hàng sẽ mua lại tài sản trên với giá tượng trưng hoặc phương thức xác định giá được thỏa thuận cụ thể.

Với phương án 2, nhà băng này sẽ chuyển nhượng một phần tài sản của dự án gồm tòa tháp 48 tầng, khối đế và các tài sản khác (nếu có thỏa thuận). VietinBank sẽ giữ tại tòa tháp 68 tầng để làm trụ sở làm việc. Ngân hàng cũng sẽ xin chủ trương của Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh để tự hoàn thành tòa nhà trụ sở chính tháp 68 tầng.

Phương án thứ 3 là trong thời gian chưa chuyển nhượng được toàn bộ dự án hoặc một phần dự án như phương án 2, VietinBank sẽ tiếp tục triển khai đầu tư dự án, xử lý phù hợp những công việc phát sinh, thúc đẩy nhanh tiến độ, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của ngân hàng.

Trong bản tin phát đi ngày 25/3/2019 trên trang web của ngân hàng, VietinBank cho biết trong ba phương án đề cập trên, VietinBank đang ưu tiên thực hiện phương án 1.

Phối cảnh dự án VietinBank Tower

Dự án VietinBank Tower tọa lạc tại Khu đô thị Ciputra trên đường Phạm Văn Đồng dẫn ra cầu Thăng Long. Đây được cho là là tổ hợp tài chính, ngân hàng, khách sạn đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 400 triệu USD, đối tác tư vấn thiết kế là Foster & Partners và đối tác giám sát thiết kế là Công ty Turner đến từ Mỹ.

Theo quy hoạch, siêu dự án này được xây dựng trên khu đất rộng 3ha, bao gồm hai tòa tháp. Tháp thứ nhất cao 68 tầng, được thiết kế để tiết kiệm tối đa năng lượng tiêu thụ, sẽ là trụ sở làm việc chính của VietinBank. Tháp thứ hai cao 48 tầng, nơi đặt khách sạn 5 sao, khu chăm sóc sức khỏe, dịch vụ spa và căn hộ cao cấp cho thuê.

Hai tòa tháp được liên kết với nhau bằng khối đế 7 tầng dành cho các mục đích sử dụng chung như phòng hội nghị, hội thảo, trung tâm thương mại cao cấp, quán cafe và nhà hàng ăn uống. Tổng diện tích sử dụng của toàn công trình là 300.000m2.

Tổ hợp tòa nhà được định hướng thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng với thiết kế giảm thiểu các tác động của môi trường xung quanh. Điểm nhấn của công trình là quán bar kim cương trên nóc tòa nhà và thiết kế các tầng phía trên theo hình chữ V - biểu trưng của VietinBank.

Từ năm 2007, VietinBank đã ký biên bản ghi nhớ với đối tác PAP (Singapore) thực hiện dự án xây dựng tòa nhà tại Ciputra. Theo đó, tỷ lệ vốn của VietinBank là 28% (bằng quyền sử dụng đất) và PAP là 72%.

Tuy nhiên, trong quá trình thương thảo, mặt bằng giá thị trường lên cao kéo theo giá trị quyền sử dụng đất thuê mà Vietinbank dự định góp vốn vào liên doanh tăng lên 50% tổng giá trị dự án. Nhà băng này đã có văn bản trình lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và được chấp thuận mức góp vốn 50%. Ngày 2/2/2008, Vietinbank đã ký hợp đồng thuê đất trị giá 849 tỉ đồng với Công ty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra).

Nhưng do không thống nhất được về vấn đề phân chia quyền lợi nên việc thỏa thuận để ký hợp đồng liên doanh không thành. Đồng thời cuối năm 2008 xảy ra khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, đối tác Singapore cũng bị ảnh hưởng, nên ngày 7/2/2008 đối tác này đã có thư ngừng hoàn toàn không trao đổi tiếp về liên doanh. VietinBank nỗ lực tìm đối tác mới nhưng không thành công, vì thế, ngân hàng này quyết định rót 100% vốn.

Có một số thông tin cho rằng, nhà băng này đang kinh doanh bất động sản. Với hơn 2 năm lô đất lại bị bỏ hoang, số lãi từ khoản tiền thanh toán cho Ciputra gần 200 tỉ đồng cùng với số tiền thuê đất 849 tỉ đồng, nhiều thông tin cho biết Vietinbank mất trắng hơn 1.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đại diện VietinBank đã lên tiếng phản bác thông tin này, cho biết mới trả cho Ciputra 102 tỉ đồng, còn phần lớn số tiền thuê đất (749 tỉ đồng) vẫn đang được VietinBank giữ tại tài khoản phong tỏa ở chi nhánh Hà Nội, chưa trả cho Ciputra vì chưa bàn giao mặt bằng.

VietinBank cũng khẳng định, không chủ trương đầu tư kinh doanh bất động sản và quyết tâm sử dụng mảnh đất này để xây dựng trụ sở chính.

Ảnh chụp Google Maps

Mặc dù vậy, phải đến tháng 10/2010, dự án mới được khởi công. VietinBank dự kiến sẽ hoàn thành dự án vào năm 2014 và trở thành tòa nhà cao thứ hai Hà Nội, sau Keangnam.

Thế nhưng đến nay, công trình vẫn còn ngổn ngang, dang dở. Khối thép hình chữ V dự kiến xây tòa tháp trụ sở chính đã bị hoen rỉ sau nhiều năm bỏ không. Dự án được triển khai nhưng tốc độ vẫn rất chậm.

Hoàng An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
  • Dự án Ngân Hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank)