CafeLand - Do Lượng khách và doanh thu sụt giảm vì đại dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư đã phải chọn cách bán khách sạn tại Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nỗ lực kích thích ngành du lịch của Việt Nam trong năm 2020 gặp phải rất nhiều khó khăn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt, giảm 66,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu từ ngành du lịch trong kỳ ước tính đạt mức 13,1 nghìn tỷ đồng, giảm 54,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhiều khách sạn đã được các nhà đầu tư rao báo, ví dụ như khách sạn 5 sao Grand Vista Hanoi được chủ đầu tư chào bán với giá 950 tỷ đồng (41 triệu USD) hay khách sạn Pullman Saigon Centre ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng được rao bán do chủ đầu tư không đủ khả năng trang trải chi phí vận hành nếu không có khách hàng.

Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thương mại Nam Đăng, ông Lê Xuân Vinh cho biết công ty đã gặp những khó khăn nghiêm trọng do Covid-19. Từ đầu quý III năm nay, công ty của ông đã dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh lưu trú do không có doanh thu.

Ông cho biết đang tìm kiếm đối tác để bán cổ phần của một số khách sạn do không đủ vốn và nếu các đơn vị quản lý không giảm giá thuê khách sạn, công ty của ông có thể đứng trước nguy cơ phá sản.

Bán khách sạn được coi là giải pháp cuối cùng để thu hồi vốn, nhưng các nhà đầu tư cũng thừa nhận rất khó để bán khách sạn trong tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay vì rất ít nhà đầu tư có thể chấp nhận rủi ro với các khoản nợ trong một môi trường mà ngành du lịch gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết bất động sản du lịch và lưu trú là những phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Hiện nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng khó khăn này sẽ được cải thiện.

Nếu đại dịch sớm được kiểm soát, thị trường có thể bắt đầu phục hồi vào cuối năm nay. Ngược lại, trong trường hợp đại dịch kéo dài thì phân khúc bất động sản du lịch và lưu trú có thể phải chờ tới cuối năm 2021 mới cho thấy sự phục hồi, ông Định cho biết.

Theo Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam, ông Trần Trọng Kiên, điều cần thiết bây giờ là nâng cao chất lượng dịch vụ, cắt giảm chi phí để đối phó với khó khăn mà đại dịch đã gây ra.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cần cam kết không cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thiếu an toàn, kém chất lượng. Ngoài ra, cần tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với địa phương để đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng dịch vụ.

Trong khi đó, nhiều đơn vị quản lý các tòa nhà văn phòng cũng đang tìm cách bán tài sản. Thậm chí trong thời gian gần đây, một tòa nhà 10 tầng với diện tích mặt tiền gần 350m2 nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 đã được chủ đầu tư rao bán với giá hơn 180 tỷ đồng.

Chủ đầu tư của đã báo cáo lại rằng trong những tháng gần đây, lượng khách thuê chỉ đạt khoảng 30% và họ đang phải tìm cách để trả những khoảng nợ lớn cho ngân hàng.

Theo khảo sát của CBRE Việt Nam, 72% yêu cầu từ khách hàng trong quý 2 là chuyển văn phòng. Đã có một số lượng lớn khách hàng chuyển từ việc thuê các tòa nhà hạng A (cao cấp) sang hạng B (trung cấp) hoặc thậm chí thấp hơn để tiết kiệm chi phí.

CBRE Việt Nam cũng lưu ý rằng điều này khác xa so với lúc trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thời điểm giá thuê văn phòng ở các thành phố lớn vẫn cao và tỷ lệ văn phòng bị bỏ trống trống không vượt quá 7%.

Ông Nguyễn Đức Lâm, chủ một tòa cao ốc văn phòng hạng A tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết lượng khách thuê mới đã giảm 50% mặc dù đơn vị của ông đã giảm giá thuê nhà. Ngoài ra, khách thuê chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài và đại dịch Covid-19 đã khiến một số doanh nghiệp chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, trong khi một số khác thậm chí ngừng hoạt động.

Giám đốc cấp cao bộ phận đầu tư của Savills Việt Nam, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương cho biết các ngành bán lẻ, khách sạn và văn phòng cho thuê đang bị ảnh hưởng nặng nề. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm đáng kể, đặc biệt là khách du lịch từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ông Khương cho biết, các tòa nhà phải bán chủ yếu do chủ sở hữu có khả năng hạn chế về mặt tài chính. Ngoài ra, họ sử dụng đòn bẩy tài chính cao, có nghĩa là họ sẽ gặp khó nếu đối mặt với những khoản nợ cao.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhà đầu tư có nguồn tài chính tốt và kinh nghiệm thị trường để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Họ thậm chí hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm tìm kiếm các dự án tiềm năng trên thị trường.

Các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam và nhắm mục tiêu đến các tòa cao ốc văn phòng, khách sạn và khu dân cư, trải rộng trên cả 3 miền, trong đó tập trung nhiều nhất vào Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Khương dự kiến trong quý 3 hoặc quý 4 năm nay, sẽ có thêm nhiều thương vụ cũng như giao dịch hợp tác thành công giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Anh Nguyễn (Phnompenhpost)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.