21/11/2019 2:20 PM
CafeLand - Các chuyên gia cho rằng, du lịch tăng trưởng sẽ tạo động lực thúc đẩy bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Mặc dù giai đoạn hiện nay phân khúc này có phần chững lại, nhưng nhu cầu thực tế vẫn còn nhiều.

Tháng 10/2019, ngành du lịch Việt Nam đón lượng khách quốc tế cao kỷ lục từ trước đến nay, đạt gần 1,62 triệu lượt, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2018. Sự tăng trưởng ấn tượng của ngành công nghiệp không khói đã thúc đẩy nguồn cung bất động sản du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Từ nửa cuối năm 2018 cho đến nay, thị trường bất động sản du lịch đã xuất hiện xu hướng các doanh nghiệp tập trung phát triển các dự án theo mô hình phức hợp, gắn đầy đủ các dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú, mua sắm, thể thao, giải trí trải nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu một điểm đến cho tất cả (All - in - one) của du khách.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), mặc dù giai đoạn này thị trường bất động sản du lịch có một chút khó khăn, nhưng nhu cầu thực tế đầu tư vẫn còn nhiều.

“Có thể trước đây làn sóng đầu tư ồ ạt vào bất động sản nghỉ dưỡng vì các nhà đầu tư bỏ vốn theo phong trào. Nhưng hiện tại, thị trường có nhịp chững lại để nhìn lại các yếu tố pháp lý, tăng tính bền vững”, ông Đính nhận định.

Đầu tư là để sinh lời. Song vấn đề đặt ra là sinh lời có bền vững hay không? Các nhà phát triển bất động sản giờ đây quan tâm đến khả năng vận hành dự án sau khi đi vào hoạt động.

“Trong giai đoạn này, việc xuất hiện nhiều mô hình cải tiến theo xu thế của thế giới, theo ngành du lịch, theo các nhà đầu tư đòi hỏi là tất yếu”, ông Đính nhận định.

Du lịch tăng trưởng sẽ tạo động lực thúc đẩy bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Về lưu ý đầu tư, ông Đính cho rằng mỗi dự án có một cam kết lợi nhuận khác nhau. Tuy nhiên, những dự án cam kết mang lại lợi nhuận bằng VNĐ hiện nay chưa nhiều.

Lãnh đạo VARS cho biết, gần đây, trên thị trường xuất hiện dự án bất động sản du lịch cam kết thuê lại trọn đời, tiền thuê tăng đều 2% mỗi năm. Đây là lời mời đầu tư hấp dẫn, bởi hiện nay ít dự án bất động sản du lịch có thể đưa ra chính sách tương tự. Cam kết trả lợi nhuận bằng USD đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

“Tôi đánh giá đây là lợi thế lớn của dự án mà các nhà đầu tư có thể lựa chọn tham gia”, lãnh đạo VARS nói.

Lời khuyên cho các khách hàng muốn đầu tư vào bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, ông Đính cho rằng, thứ nhất phải xem xét tính hợp lý của dự án bất động sản, có khai thác tốt hay không, đặc biệt là vị trí.

Thứ hai là tính bền vững, phải xác định mục tiêu của nhà phát triển bất động sản du lịch là gì? Bán để thu lợi hay đầu tư để kinh doanh dài hạn, phát triển bền vững.

Thứ ba là khả năng vận hành của chủ đầu tư hay đối tác của chủ đầu tư. Nhiều nhà phát triển bất động sản trong nước thiếu, yếu kinh nghiệm nên phải hợp tác với thương hiệu quốc tế. Nếu phải hợp tác thì sẽ mất chi phí, như vậy rõ ràng lợi nhuận sẽ giảm đi. Thế nhưng, nếu là doanh nghiệp nội địa có thể tự quản lý thì sẽ tiết kiệm được khoản chi phí đó. Đó là cơ hội cho nhà đầu tư khi tham gia vào dự án.

Ông Đính lấy ví dụ như khi đầu tư vào Vingroup, Sun Group... là các chủ đầu tư có kinh nghiệm, không mất chi phí thuê doanh nghiệp nước ngoài quản lý. Theo ông, yếu tố cam kết về chính sách, lợi nhuận của chủ đầu tư cũng là một lợi thế. Nhưng quan trọng vẫn là hiệu quả kinh doanh.

Cuối cùng là giá bán. Nếu có giá bán hợp lý thì nhà đầu tư sẽ tạo ra sản phẩm có tính thanh khoản tốt hơn trên thị trường.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Trường của Tập đoàn Crystal Bay cho rằng, cam kết 12-14% có ảo hay không ảo thì phải nhìn vào yếu tố cốt lõi là quản lý và khai thác bền vững lâu dài, không phải xây xong rồi bán luôn trong ngắn hạn.

“Điều này cực kỳ quan trọng, không phải cứ xây lên bán, hứa lợi nhuận đầu vào, trả cho khách xong xuôi là xong. Đó là chỉ nhìn về lợi ích ngắn hạn. Còn bản chất của bất động sản du lịch là phải khai thác lâu dài và bền vững. Dự án nào không đảm bảo được yếu tố lâu dài, bền vững thì dù cam kết lợi nhuận bao nhiêu cũng không có đủ khả năng để trả”, ông Trường cho biết.

Theo vị này, bất động sản du lịch cần có một số yếu tố cần thiết để khai thác lâu dài, bền vững. Đầu tiên là yếu tố thiết kế. Thiết kế sản phẩm có phù hợp với việc khai thác du lịch hay không? Nhu cầu du lịch dẫn đến thiết kế sản phẩm thế nào? Thiết kế các chuỗi tiện ích phong phú trong tổ hợp nhằm mục đích khai thác lâu dài, bền vững ra sao?

Thứ hai là khả năng vận hành. Nhiều đơn vị không có kinh nghiệm vận hành khách sạn resort sẽ phải thuê đơn vị nước ngoài vận hành làm chi phí bị đẩy lên. Như vậy dẫn tới hiệu quả không cao.

Thứ ba là dòng khách. Đây là điều kiện để dự án bất động sản du lịch vận hành tốt.

“Việc quản lý, vận hành kinh doanh một dự án bất động sản du lịch không đơn thuần là xây để bán. Nhà đầu tư cũng như chủ đầu tư phải cùng nhau đi một con đường rất dài. Chủ đầu tư có nghề, có dòng khách ổn định, am hiểu thị trường mới thuyết phục được nhà đầu tư đi theo cùng”, ông Trường nhấn mạnh.

  • Việt Nam cần xây dựng các tổ hợp kinh doanh bất động sản du lịch

    Việt Nam cần xây dựng các tổ hợp kinh doanh bất động sản du lịch

    CafeLand - Để phát huy hết tiềm năng du lịch, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần xây dựng các tổ hợp kinh doanh bất động sản du lịch và nên mời chuyên gia nước ngoài tham gia cùng. Những dự án quy mô lớn, tích hợp nhiều trải nghiệm sẽ giúp thu hút được nhiều khách du lịch hạng sang ở trong và ngoài nước.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.