Từ cuối năm 2010 đến nay có thể được xem là thời điểm “ra quân” chống đô la hóa mạnh nhất trên thị trường bất động sản (BĐS) nhưng việc mua bán nhà bằng USD vẫn chưa chấm dứt.

Thiệt hại tiền tỉ

TAND quận Hà Đông, TP Hà Nội đang thụ lý đơn kiện của người dân đã nộp tiền đặt cọc căn hộ chung cư cao cấp tại khu đất Cổ Ngựa, khu đô thị mới Mỗ Lao, Hà Nội. Trong đơn khởi kiện, ông Dương Trần Đức cho biết đã ký thỏa thuận đặt cọc với Công ty Hoàng Thành để mua căn hộ tại địa chỉ nêu trên, giá trị căn hộ là 270.820 USD, phương thức thanh toán bằng VNĐ hoặc USD.

Ông Đức đã nộp đủ tiền đợt 1 là 27.082 USD, tương đương 483.791.000 đồng. Đến hạn nộp tiền đợt 2, tỉ giá VNĐ/USD tăng cao, nếu tiếp tục thực hiện, số tiền thiệt hại có thể lên đến cả tỉ đồng.

Ông Đức quyết định không nộp tiền theo thỏa thuận và khởi kiện Công ty Hoàng Thành để đòi lại tiền đặt cọc. Ngoài ra, công ty này còn bán nhà trên giấy, huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong khi chưa triển khai xây dựng xong phần hạ tầng kỹ thuật của dự án và chưa khởi công xây móng tòa nhà.

Chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” giữa người bán, người mua trên thị trường BĐS không phải là hiếm nhưng có thể coi đây là một trong những trường hợp đầu tiên người mua quyết định đưa vụ việc ra tòa. Sự việc này cho thấy trong bối cảnh thị trường BĐS đang “ngủ đông”, khách hàng đã có những biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ quyền lợi của mình.

Không phải cá biệt

Lâu nay, việc mua bán nhà bằng USD hoặc bằng VNĐ quy đổi ra USD diễn ra khá phổ biến, cả bên mua và bên bán đều ngầm công nhận hình thức giao dịch này mặc dù rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, khả năng đồng nội tệ mất giá bao giờ cũng mạnh hơn xu hướng ngược lại nên khi chấp thuận phương thức mua bán nhà bằng USD, người mua luôn ở thế nắm dao đằng lưỡi.

Theo TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ, Chính phủ đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng có những biện pháp cần thiết để chấm dứt tình trạng đô la hóa nhưng việc thực thi chưa được kiên quyết.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng khó có thể dẹp được việc mua bán nhà tính giá trị bằng VNĐ nhưng bảo đảm bằng USD hoặc vàng. Trong thời điểm đồng tiền yếu, những giao dịch trên thị trường cần dùng một đồng tiền khác an toàn hơn.

Nếu nhà đầu tư niêm yết giá bằng USD thì vi phạm pháp luật nhưng nếu niêm yết bằng VNĐ và trong phụ lục có đề cập việc bảo đảm bằng đồng tiền khác do thời hạn thanh toán kéo dài cũng có thể xem là hợp lý, vì gửi tiết kiệm không thời hạn còn có lãi, chủ đầu tư phải có hình thức bảo đảm lợi ích của mình. Do đó, chỉ có thể thu hẹp và hạn chế hình thức thanh toán này.

Bản thân hiện tượng đô la hóa trong giao dịch nhà đất sẽ giảm khi có đủ các điều kiện như kinh tế ổn định, đồng nội tệ mạnh lên, cung - cầu nhà đất khá cân bằng.

Nếu một trong các điều kiện trên không được bảo đảm, ngay cả khi có hành lang pháp lý đầy đủ cũng không hạn chế được tình trạng đô la hóa trong giao dịch BĐS vì chủ đầu tư sẽ tìm đủ cách để lách luật.

Theo Người Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0