Cho đến nay, Trung Quốc là một trong những quốc gia kỳ lạ nhất. Trên thực tế, chỉ số giá tiêu dùng của nước này đã giảm 0,3% so với cùng kỳ vào tháng 7, ghi nhận mức tiêu cực lần đầu tiên kể từ tháng 2 năm 2021. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc đang rơi vào tình trạng giảm phát, nhưng xem xét kỹ hơn dữ liệu lạm phát cho thấy một câu chuyện phức tạp hơn và những thách thức mà nền kinh tế nước này đang phải đối mặt.
Nếu nghĩ đơn giản, CPI giảm là do nhu cầu tiêu dùng yếu và chính phủ cùng ngân hàng trung ương cần có nhiều biện pháp kích thích hơn. Tuy nhiên, đây lại không phải tất cả những gì mà dữ liệu lạm phát mới nhất phản ánh.
Giá cả giảm trong tháng 7 vừa qua phần lớn là do giá thực phẩm và năng lượng giảm. Giá thịt lợn giảm 26% so với cùng kỳ vào tháng 7 và nhiên liệu ô tô giảm 13,2%.
Nếu loại bỏ lương thực và năng lượng khỏi cách tính, thì lạm phát cơ bản thực tế đã tăng 0,8% so với một năm trước đó, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 1 này. Dịch vụ du lịch cũng có mức giá tăng mạnh, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong dịp nghỉ lễ.
Dữ liệu doanh số bán lẻ trong tháng 7 cho thấy người tiêu dùng vẫn chi tiêu trong các lĩnh vực như ăn uống, nhưng họ đang cắt giảm chi tiêu liên quan đến nhà ở. Nếu mọi người không chuyển đến nhà mới, họ sẽ không chi tiêu cho đồ nội thất hoặc thiết bị điện mới. Ngoài chi tiêu hộ gia đình, doanh số bán nhà chậm chạp có nghĩa là các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn trong việc bán hàng, tạo doanh thu và lợi nhuận, và đối mặt với áp lực thanh khoản.
Ví dụ gần đây nhất là việc Country Garden không đáp ứng được các khoản thanh toán lãi cho trái phiếu. Doanh số bán đất giảm cũng có nghĩa là doanh thu của chính quyền địa phương thấp hơn, làm suy yếu khả năng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng nhằm kích thích nền kinh tế. Thị trường nhà ở Trung Quốc, vì vậy, đòi hỏi phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ hơn từ phía cơ quan chức năng.
Nhiều chính quyền địa phương đã nới lỏng các hạn chế trong việc mua nhà. Các ngân hàng đã giảm lãi suất thế chấp và khiến việc vay mua nhà trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, doanh số bán nhà tiếp tục giảm. Thị trường việc làm sụt giảm có nghĩa là những khách hàng tiềm năng không cảm thấy đủ tự tin để đưa ra quyết định lớn như mua nhà.
Quan trọng hơn, giá nhà đã giảm trong 2 năm qua và cam kết của chính phủ trong việc duy trì khả năng chi trả nhà ở có nghĩa là giá bất động sản dự kiến sẽ không tăng nhiều. Điều này khiến bất động sản ít hấp dẫn dưới góc độ tài sản đầu tư, từ đó giảm bớt một phần nhu cầu của thị trường.
Số lượng khoản vay ngân hàng mới trong tháng 7 tại Trung Quốc ở mức chậm nhất kể từ năm 2009. Điều này phản ánh cả nhu cầu thế chấp yếu và niềm tin thận trọng của doanh nghiệp đối với nền kinh tế vĩ mô.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã phản ứng trước các dữ liệu kinh tế yếu kém mới nhất này bằng việc cắt giảm 15 điểm cơ bản đối với lãi suất cơ sở cho vay trung hạn một năm vào ngày 15 tháng 8. Vì lạm phát thấp nên lãi suất thực ở Trung Quốc vẫn ở mức cao so với các nền kinh tế lớn khác, nghĩa là sẽ có nhiều dư địa hơn để nới lỏng chính sách tiền tệ.
Việc cắt giảm lãi suất, ít nhất về mặt lý thuyết, sẽ khuyến khích các công ty và hộ gia đình tiết kiệm ít hơn và chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên, các biện pháp bổ sung nhằm nâng cao niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ khiến việc kích thích tiền tệ như vậy trở nên hiệu quả hơn.
Việc cho phép giá bất động sản có nhiều dư địa tăng hơn có thể giúp thúc đẩy doanh số bán hàng và đồng thời giải quyết một số vấn đề. Vấn đề nan giải mà chính quyền phải đối mặt là làm thế nào để nới lỏng các hạn chế về giá trong khi vẫn duy trì được uy tín của họ trong việc đảm bảo khả năng chi trả cho nhà ở của người dân?
Bắc Kinh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các công ty thuộc khu vực tư nhân và mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng. Khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, là chìa khóa để thúc đẩy thị trường việc làm và đầu tư.
Sau vài năm thay đổi quy định đối với lĩnh vực công nghệ, các chính sách dễ dự đoán hơn và hỗ trợ nhiều hơn cho các công ty khởi nghiệp sẽ được hoan nghênh. Thông báo mới nhất của Trung Quốc về chính sách thu hút đầu tư kinh doanh nước ngoài là một bước đi đúng hướng.
Trung Quốc có thể hiện chưa xem xét một chương trình kích thích kinh tế quy mô lớn. Tuy nhiên, khi nhiều lĩnh vực gặp áp lực hơn, nhu cầu thúc đẩy toàn diện hơn sẽ xuất hiện. Đây có thể là cú sốc khiến các nhà đầu tư cổ phiếu cần có cái nhìn khác về các công ty Trung Quốc.
-
Suy thoái bất động sản Trung Quốc là gốc rễ của bất ổn kinh tế
Chris Beddor, Phó giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại tổ chức Gavekal Dragonomics, cho biết: “Không phải là cường điệu khi nói rằng bất động sản đang gây nguy hiểm cho toàn bộ quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc”.
-
Nhà đầu tư huyền thoại Ray Dalio: Trung Quốc cần tái cơ cấu nợ xấu, tạo ra nhiều tiền hơn để tránh khủng hoảng nợ
Nhà sáng lập Bridgewater Associates Ray Dalio cho biết tại một hội nghị vào thứ Sáu 18/10 rằng, Trung Quốc phải áp dụng điều mà ông gọi là "giảm đòn bẩy đẹp đẽ" (beautiful deleveraging), ngoài các biện pháp kích thích mới nhất của mình để tránh khủng...
-
Giá nhà Trung Quốc vẫn giảm bất chấp hàng loạt nỗ lực kích cầu
Giá nhà tại Trung Quốc trong tháng 9 giảm gần như cùng tốc độ với tháng trước, bất chấp những nỗ lực ổn định ngành bất động sản của nước này.
-
Trung Quốc tăng ngân sách chương trình hỗ trợ các dự án bất động sản lên 562 tỷ USD
Trung Quốc cho biết họ sẽ mở rộng chương trình hỗ trợ các dự án bất động sản "danh sách trắng" lên 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 562 tỷ đô la) từ khoảng 2,23 nghìn tỷ nhân dân tệ đã triển khai, bổ sung thêm để ngăn chặn sự suy giảm của lĩnh vực...