Áp lực cạnh tranh lớn từ các địa phương lân cận đặt ra yêu cầu đầu tư, phát triển các khu công nghiệp thông minh tại TP.HCM.
.
Việc xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất thông minh đã trở thành xu thế chung trên toàn thế giới.

Ứng dụng thông minh cho khu công nghiệp

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) chia sẻ, cách đây khoảng 5 năm, QTSC đã có những ý tưởng và triển khai xây dựng khu công nghiệp thông minh, với 3 mục tiêu chính: nâng cao chất lượng quản trị, điều hành; gia tăng sự hài lòng của cộng đồng nội khu và phát triển thương hiệu.

Xác định cần đi từ những bước nhỏ, dự án đầu tiên của QTSC là xây dựng hệ thống SMS. Đến nay, hệ thống này giúp giảm thời gian cung cấp thông tin đến khách hàng từ trung bình 2 ngày còn 2 phút. Chi phí chuyển thông tin cho khách hàng cũng giảm đến 80%...

Việc ứng dụng công nghệ thông tin còn giúp quản lý, truy xuất dữ liệu của từng mảng hạ tầng riêng biệt trên cùng một ứng dụng một cách dễ dàng, tăng hiệu quả phối hợp công việc giữa các bộ phận và thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ thống kê, báo cáo số liệu một cách tức thời… “Những hoạt động này đã góp phần nâng tầm QTSC lên một bước ngoặt mới, trở thành một khu đô thị phần mềm ngày một thông minh hơn”, ông Long chia sẻ.

Ông Trần Thiên Long, Phó chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Các doanh nghiệp khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cho biết, việc xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất thông minh đã trở thành xu thế chung trên toàn thế giới và được Thành phố chú trọng thực hiện. Công nghệ thông tin có sức mạnh thay đổi cục diện của một nền sản xuất khi mọi thứ đều tự động hóa, đồng thời giúp lãnh đạo các doanh nghiệp dễ dàng kiểm soát toàn bộ hệ thống thông qua các thiết bị thông minh.

Xây dựng mô hình khu công nghiệp thông minh

Theo nhìn nhận, các khu công nghiệp ở TP.HCM hoạt động đa dạng, nhưng thiếu kết nối, vì thế không tận dụng được thế mạnh của các doanh nghiệp để tạo ra chuỗi cung ứng bền vững. Các khu này thường được đầu tư, xây dựng dựa trên các lợi thế như lao động giá rẻ, đất đai. Nhưng trong tương lai, TP.HCM không còn những lợi thế đó vì có sự cạnh tranh từ nhiều địa phương khác, nên các chủ đầu tư phải tìm giải pháp để tăng năng suất và hiệu quả đầu tư.

“QTSC xuất phát là một công ty hạ tầng, hoạt động đơn giản bằng cách cho thuê đất. Nhưng với tác động của các công nghệ thông minh, chúng tôi đã chuyển đổi thành doanh nghiệp khoa học công nghệ, hướng đến mô hình một đô thị xanh và thông minh”, ông Long chia sẻ.

Gần đây, chính quyền Thành phố đã có văn bản giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát các khu công nghiệp, khu chế xuất để tìm ra giải pháp tạo quỹ đất thu hút đầu tư; phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Thành phố xây dựng khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao có chất lượng và có tính cạnh tranh cao, phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…

Thông tin từ Hepza cho biết, đề xuất đầu tư khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao có diện tích khoảng 390 ha tại huyện Bình Chánh đang được cấp có thẩm quyền xét duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư. Tháng 9/2020, Hội đồng Quản lý chuỗi QTSC đã có buổi làm việc với tỉnh Tây Ninh về kế hoạch xây dựng Khu công nghệ sáng tạo Tây Ninh và tham gia chuỗi QTSC.

Chủ đề: Đô thị thông minh,
  • Cơ hội và thách thức khi phát triển đô thị thông minh

    Cơ hội và thách thức khi phát triển đô thị thông minh

    CafeLand - Phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) là một “cuộc chơi lớn”, trong đó cần có những “người cùng chơi” có tầm nhìn và tiềm lực. Đó là một trong những ý được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về ĐTTM ASEAN năm 2020 diễn ra ngày 22/10 tại Hà Nội.

Hồng Sơn (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.