Định hình tương lai thành phố thông minh ở Việt NamĐịnh hình tương lai thành phố thông minh ở Việt Nam
CafeLand - Thành phố thông minh (smart city) đang là một trong những chủ đề lớn của thế giới. Đây là nơi sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.

Với hơn 10 triệu dân, TP.HCM là một trong những thành phố đầu tiên đưa ra nghị quyết đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Trong đó, đề án xác định “TP.HCM sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị”.

Trong kế hoạch xây dựng thành phố thông minh của mình, TP.HCM định vị đô thị thông minh gồm bốn trung tâm: Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, Trung tâm an toàn thông tin. Trong đó, Trung tâm điều hành của thành phố thông minh (giai đoạn 1) đã được đưa vào hoạt động thử nghiệm từ tháng 1/2019.

Với xu thế phát triển của khoa học công nghệ, nhiều thành phố lớn trên thế giới đang có những dịch chuyển hướng tới trở thành thành phố thông minh. Chúng ta có thể nghe được nó ở mọi nơi, từ Mỹ đến Indonesia, Singapore và cả Việt Nam.

Trong một tọa đàm trực tuyến với chủ đề về phát triển thành phố thông minh diễn ra vào tháng 12/2020, ba khách mời khi được hỏi về định nghĩa thành phố thông minh thì mỗi người đưa ra một khái niệm.

Vị khách thứ nhất cho rằng thành phố thông minh là nơi giải quyết những vấn đề của đô thị bằng cách ứng dụng công nghệ, qua đó sử dụng hiệu quả nguồn lực mình có để hướng tới phát triển bền vững.

Vị khách thứ hai cho rằng thành phố thông minh là nơi ứng dụng một cách đổi mới sáng tạo công nghệ thông tin và các công nghệ khác để làm sao nâng cao được chất lượng cuộc sống, sự hiệu quả trong vận hành và phát triển đô thị và cung cấp dịch vụ đô thị. Smart city đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của hiện tại và tương lai cho các thế hệ và tương lai ở góc độ kinh tế xã hội, môi trường và văn hóa.

Vị khách thứ ba cho rằng thành phố thông minh là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tích hợp kết nối với nhau chặt chẽ, trong đó các thành tố không ngừng đổi mới sáng tạo.

TP.HCM là một trong những thành phố đầu tiên đưa ra nghị quyết đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.

Liên minh viễn thông thế giới (ITU- International Telecomunications Union) định nghĩa: “Thành phố thông minh bền vững là đô thị sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả của hoạt động và dịch vụ đô thị và khả năng cạnh tranh, đồng thời đảm bảo đáp ứng nhu cầu của hiện tại và các thế hệ tương lai liên quan đến các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường cũng như văn hóa”.

Theo tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, có thể khái quát một thành phố thông minh hay đô thị thông minh là một đô thị sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông và mạng lưới đô thị kết nối qua internet để làm nền tảng xây dựng đô thị đáng sống. Trong đó, các yếu tố quy hoạch bền vững, phát triển bền vững, quản lý hiệu quả minh bạch với tính cạnh tranh đô thị cao về mọi mặt.

Điều này có nghĩa công nghệ chỉ mang tính cộng thêm, cái gốc vẫn là đô thị đáng sống, đô thị bền vững, quản lý hiệu quả và mang tính cạnh tranh đô thị tốt. Nếu không có những điều này thì công nghệ sẽ không phát huy được hiệu quả.

“Giống như ai cũng sở hữu một chiếc điện thoại thông minh nhưng không phải ai cũng biết sử dụng nó hiệu quả. Vì vậy, với việc phát triển đô thị thông minh cần sự phối hợp của các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý đô thị, nhà đầu tư, kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị và thậm chí là những người sử dụng”, ông Sơn cho biết.

Còn theo bà Trịnh Tú Anh, Viện trưởng Viện Đô thị thông minh và Quản lý (ISCM) thuộc Đại học Kinh tế TP HCM, đô thị thông minh hiện nay đang là “hot trend” có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề cho các đô thị trên thế giới hiện nay. Nhưng trong tương lai 5-10 năm nữa, một mô hình đô thị khác sẽ được biết đến và người ta sẽ đi theo nó. Vì vậy, định hướng cuối cùng của mô hình đô thị vẫn là phát triển bền vững, vẫn là câu chuyện về con người và chất lượng cuộc sống.

Theo Ủy ban châu Âu, có 6 lĩnh vực quan trọng trong thành phố thông minh:

1. Chính quyền điện tử bao gồm các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả và tối ưu chức năng của các đơn vị hành chính;

2. Kinh tế thông minh gồm các giải pháp đầu tư – sản xuất hiệu quả và thị trường lao động linh hoạt;

3. Giao thông thông minh gồm các giải pháp hướng đến xanh và sạch, tiết kiệm chi phí và giảm khí thải, môi trường thông minh bao gồm các giải pháp về năng lượng sạch, toà nhà thông minh, tiêu thụ ít năng lượng;

4. Môi trường thông minh bao gồm các giải pháp về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, quản lý mạng lưới điện tiêu thụ, giám sát ô nhiễm, giám sát chất thải, cấp thoát nước, các công trình, toà nhà thông minh, tiêu thụ ít năng lượng;

5. Cư dân thông minh hướng đến một xã hội mở về thông tin;

6. Cuộc sống thông minh bao gồm các giải pháp giúp nâng cao chất lượng sống của người dân về tiêu dùng – lối sống – an ninh – y tế.

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc ban kinh doanh chiến lược Tập đoàn FPT, cho biết Việt Nam đang có gần 800 đô thị, đã trải qua các làn sóng đô thị thông minh, làn sóng thứ nhất vào những năm 1999-2000, làn sóng thứ hai vào năm 2005 và làn sóng thứ ba bắt đầu rộ lên là từ năm 2010 đến nay. Qua các làn sóng đó, có hơn 40 thành phố lớn nhỏ đang có chương trình đô thị thông minh.

Hiện đã có 10 tỉnh, thành phố ở Việt Nam xây dựng và phê duyệt phát triển đề án đô thị thông minh. Tuy nhiên, các đề án chỉ mới chỉ tập trung việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, chưa chú trọng vào việc đầu tư hạ tầng công nghệ.

Một số dự án điển hình có thể kể đến là năm 2012, Đà Nẵng là đô thị đầu tiên được Tập đoàn công nghệ IBM chọn là 1 trong 33 thành phố thông minh trên thế giới. Đà Nẵng khi đó được nhận tài trợ hơn 50 triệu USD từ chương trình thành phố thông minh. Chương trình này tập trung vào việc sử dụng giải pháp điều hành trung tâm thông minh để đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ người dân, cung cấp giao thông công cộng tốt nhất và giảm thiểu ách tắc giao thông.

TP HCM và Hà Nội cũng đã có những bước triển khai cụ thể về những khía cạnh khác nhau của thành phố thông minh như thử nghiệm sử dụng thẻ thay vì bán vé xe bus truyền thống. Việc triển khai thành phố wifi ở một số nơi, những đề xuất về việc sử dụng điện thoại di động để truyền tải thông tin tình trạng giao thông hay những ý tưởng số hoá những sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của một số doanh nghiệp.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, đánh giá: “Ở cấp độ thành phố, chính quyền nhiều địa phương đã và đang có những nỗ lực nhất định trong việc xây dựng thành phố thông minh như nâng cao hiệu quả sử dụng điện nước và các cơ sở hạ tầng tiện ích xã hội. Ở cấp độ dự án và tòa nhà, các chủ đầu tư và người mua đều đang hướng đến việc thông minh hóa hoạt động quản lý và vận hành: từ hệ thống an ninh, đến kết nối internent, từ sử dụng điện đến các yếu tố giảm thiểu tác động đến môi trường. Ở cấp độ căn hộ, đã dần xuất hiện trên thị trường các sản phẩm được tích hợp những hệ thống hỗ trợ thông minh và kết nối đồng bộ với internet (internet of things) do các bên thứ 3 cung cấp.”

Trong khi đó, bà Tú Anh của ISCM cho biết, câu chuyện phát triển thành phố thông minh thách thức đặt ra cho từng đơn vị tham gia. Các bên tham gia vào thành phố thông minh như chính quyền, doanh nghiệp, trường học, địa phương, mỗi bên sẽ gặp những thách thức khác nhau.

“Phát triển thành phố thông minh không chỉ là tiền và nguồn lực”, bà Tú Anh nói và dẫn ví dụ các đô thị trên thế giới bắt đầu bằng cách dựa trên vấn đề đô thị và giải quyết vấn đề của đô thị đó để đưa ra định hướng phát triển của đô thị thông minh.

Chẳng hạn như đảo Jeju của Hàn Quốc. Khi hòn đảo này có vấn đề sau chiến tranh thì Hàn Quốc xác định mình cần tập trung vào du lịch, dù họ có rất nhiều thành phố nhưng vẫn tập trung các chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng để Jeju phát triển du lịch. Sau khi phát triển du lịch được như kỳ vọng và cần phát triển đô thị thông minh, Jeju tiến thêm một nấc thang nữa là đẩy mạnh du lịch thông minh, nông nghiệp phát triển thông minh tích hợp vào đó.

Hay như Singapore, một trong những thành phố thông minh hàng đầu thế giới. Họ đạt được thành phố thông minh với “Identity” là đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Xác định được định hướng họ tập trung hoàn toàn cho vấn đề này. Trong đó, cơ sở hạ tầng giao thông công cộng dành cho các bạn khởi nghiệp đi lại dễ dàng, nhà ở làm sao phải kết nối tốt. Khi làm được hệ sinh thái như vậy thì những người dân khác cũng được hưởng lợi từ giao thông.

Savills đánh giá, thành công của Singapore một phần là nhờ nỗ lực của chính phủ nước này. Họ không phải vật lộn với sự quan liêu của bộ máy chính quyền cấp nhà nước. Mặt khác, qua việc triển khai dứt điểm và thành công nhiều sáng kiến, họ cũng đã xây dựng được lòng tin và sự uy tín. Cùng với mặt bằng trình độ công nghệ cao và cơ sở hạ tầng vững chắc, thành phố này có thể tập trung toàn lực vào việc biến giấc mơ thành phố công nghệ thành hiện thực.

Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ, việc phát triển thành phố thông minh là một nhu cầu thiết yếu. Những giá trị mà thành phố thông minh mang lại cho cuộc sống người dân và nền kinh tế là vô cùng to lớn. Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực thúc đẩy quá trình này.

Chẳng hạn, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg để triển khai Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.

Ở cấp độ vi mô, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đẩy mạnh việc phát triển các dự án đô thị thông minh cho các dự án bất động sản của mình. Điển hình trong số đó là khu đô thị “Thành phố thông minh” ở xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội do chủ đầu tư Liên doanh Sumimoto (Nhật Bản và Tập đoàn BRG).

Dự án được khởi công vào ngày 06/10/2019 trên khu đất rộng 272 hécta. Đây là một trong những dự án khu đô thị đầu tiên về thành phố thông minh tại Việt Nam. “Thành phố thông minh” này được quy hoạch theo hướng thân thiện với thiên nhiên, phát triển các hệ thống quản lý ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực năng lượng, sức khỏe, giáo dục.

Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam là Vingroup cũng không bỏ qua xu thế này. Vingroup đang phát triển một đô thị thông minh là Vinhome Smart City. Với diện tích 280 hécta, Vinhomes Smart City đã học hỏi và tổ chức vận hành ứng dụng theo mô hình đô thị thông minh trên thế giới như Singapore, Songdo của Hàn Quốc, Fujisawa của Nhật Bản. Mô hình khu đô thị mới với hệ sinh thái thông minh dựa trên 4 trục cốt lõi, gồm Smart Security (an ninh thông minh), Smart Management (vận hành thông minh), Smart Community (cộng đồng thông minh) và Smart Home.

Một dự án khu đô thị được phát triển với định hướng đô thị thông minh tại Hà Nội.

Đánh giá về chiến lược phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng “Trên thế giới đã có các tiêu chí đánh giá đô thị thông minh như tiêu chí về công trình, năng lượng, giao thông, logistic, sức khỏe, giáo dục, chính quyền, hạ tầng, hệ thống luật pháp,… Tuy nhiên, ngay cả các đô thị hiện đại trên thế giới hiện nay cũng không có đô thị nào có đầy đủ các tiêu chí đó và họ chỉ mạnh vài yếu tố. Do đó, Việt Nam phát triển đô thị thông minh chỉ nên chọn những lĩnh vực cần thiết, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất”.

Ở cấp độ thành phố, chuyên gia này gợi ý những yếu tố cần chú trọng khi phát triển đô thị thông minh. Thứ nhất là về năng lượng môi trường nước. Trong bối cảnh dân số ngày càng đông, việc tiết kiệm năng lượng là yếu tố quan trọng. Tiếp đến là giao thông khi tình trạng kẹt xe trong đô thị ngày càng quan trọng và tác động xấu đến kinh tế. Ứng dụng thông minh là làm sao để quản lý giao thông tốt hơn, điều tra để nghiên cứu phát triển hệ thống giao thông công cộng tốt hơn nó sẽ giúp cho đô thị bền vững.

Về vấn đề tổ chức chính quyền, với một đô thị như TP.HCM, quy mô dân số lên đến hàng chục triệu dân thì tổ chức chính quyền với các dịch vụ công phải nhanh chóng, hiệu quả cho người dân. Để làm được điều này cần sự hỗ trợ rất lớn của công nghệ thông tin. Nếu kết nối thông minh sẽ liên kết được các ban ngành, tránh tình trạng một tuyến đường liên tục bị đào lên, lắp lại nhiều lần để thi công các hệ thống như điện nước, thông tin liên lạc gây lãng phí.

Những lợi ích của thành phố thông minh đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, môi trường và xã hội là điều khá rõ ràng. Dù còn nhiều rào cản nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển các thành phố thông minh. Do đó, việc xây dựng thành phố thông minh hướng đến nền kinh tế chia sẻ ở ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nhà Trang và một số thành phố lớn khác sẽ mở ra một tương lai mới cho các đô thị này.

Thanh Thịnh
Chủ đề: Đô thị thông minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.