10/05/2022 2:59 PM
Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường bất động sản khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đón nhận những tín hiệu tích cực mới, báo hiệu triển vọng phục hồi trong năm 2022.

Trung Quốc

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% của Trung Quốc cho năm 2022 dường như ngày càng khó đạt được do các đợt bùng phát dịch bệnh gần đây dẫn đến việc nhiều thành phố phải phong tỏa. Dự kiến ​​chính phủ sẽ có nhiều biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ hơn khi hoạt động kinh tế chậm lại, nhưng sự không chắc chắn hiện tại có thể kìm hãm các khoản đầu tư và mở rộng kinh doanh trong ngắn hạn.

Hong Kong

Các biện pháp giãn cách xã hội tại Hong Kong kết hợp với việc Trung Quốc phong tỏa nhiều thành phố đã hạn chế sự giao thương giữa hai khu vực. Sự gián đoạn kinh tế và tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc sẽ có tác động cục bộ và có thể cản trở sự phục hồi trong thị trường khách sạn, bán lẻ và văn phòng tại Hong Kong.

Ấn Độ

Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng chống Covid-19 tại Ấn Độ được cải thiện sau đợt bùng dịch thứ 3 đã giúp lĩnh vực bất động sản tại quốc gia này tăng trưởng trong quý I. Dòng vốn đầu tư tư nhân vào thị trường bất động sản Ấn Độ trong quý I đạt mức 1 tỷ USD, cao gấp 4 lần quý IV/2021.

Indonesia

Các chuyên gia cho rằng giai đoạn đen tối của thị trường bất động sản Indonesia đã qua khi nhu cầu bị dồn nén trong 2 năm qua đã thúc đẩy thị trường nhà ở, tạo ra doanh số bán hàng lớn, đặc biệt là đối với các dự án ở khu vực Greater Jakarta.

Nhật Bản

Nhật Bản tiếp tục là một trong những thị trường bất động sản ổn định bậc nhất châu Á trong quý đầu năm nay, là điểm đến hấp dẫn với giới đầu tư, đặc biệt là khi xét đến các yếu tố như đồng yên suy yếu, lãi suất thấp và tình hình căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu.

Pakistan

Dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp và logistics Pakistan đã tăng lên sau 3 tháng đầu năm. Ngành công nghiệp mới thành lập gần đây cũng đã thành công, với các vòng gọi vốn kỷ lục trong 2 năm qua, điều này đã dẫn đến nhu cầu về kho bãi tại quốc gia này tăng cao. Ngoài ra, nhu cầu về không gian làm việc chung tại Pakistan cũng tăng lên.

Malaysia

Tổng giá trị các giao dịch lớn tại Malaysia trong quý I tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 61% so với quý IV/2021, do niềm tin mà các nhà đầu tư dành cho các tập đoàn bất động sản ngày càng tăng, đặc biệt là ở những dự án được xây dựng quanh khu vực Greater Kuala Lumpur.

Singapore

Bất chấp thông tin lãi suất tăng, lãi suất thực vẫn âm. Điều này kết hợp với việc tình hình bất ổn trên toàn cầu đã khiến các khoản đầu tư vào thị trường bất động sản Singapore tăng mạnh.

Hàn Quốc

Các Trung tâm Công nghiệp Tri thức đang hình thành các thị trường riêng biệt theo khu vực khi nguồn cung mới cho các khu công nghiệp tại Hàn Quốc mở rộng.

Đài Loan (Trung Quốc)

Ngân hàng Trung ương Đài Loan đã nâng lãi suất chuẩn lên 0,25 điểm phần trăm lần đầu tiên kể từ tháng 7/2011. Mức tăng lãi suất vừa phải này sẽ không ảnh hưởng đến niềm tin của người mua, trong khi các công ty bảo hiểm địa phương có thể tìm kiếm cơ hội ở các thị trường thứ cấp với mức lợi suất cao hơn.

Thái Lan

Các nhà điều hành khách sạn Thái Lan đã chuẩn bị những kế hoạch thay thế để thu hút và quản lý nhu cầu trong nước khi các chủ khách sạn cố gắng đánh giá liệu ngành du lịch năm 2022 có thể phục hồi như mức trước khi đại dịch bùng phát hay không.

Việt Nam

Sự quan tâm của người mua nước ngoài kết hợp cùng nền kinh tế trong nước mạnh mẽ củng cố cho sự phục hồi nhanh chóng trong ngắn hạn trên hầu hết các loại tài sản. Với việc đã mở cửa lại các chặng bay quốc tế, nhiều giao dịch mới có thể được thực hiện. Thị trường bất động sản Việt Nam hiện là ưu tiên của nhiều nhà đầu tư lớn, thúc đẩy sự quan tâm và phát triển.

Anh Nguyễn (Savills)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.