Ngoài việc lo lắng sẽ bắt đầu kinh doanh tại địa điểm mới ra sao, nhiều tiểu thương muốn giữ lại vị trí chợ Sắt hiện tại vì đây là ngôi chợ đã gần 100 năm tuổi, gắn liền với lịch sử của Hải Phòng từ khi thành lập đến nay.
Ba đời gắn bó với chợ Sắt
Cuối thế kỷ 19, chợ Sắt (Q. Hồng Bàng) của TP. Hải Phòng nổi tiếng khắp miền Bắc vì độ sầm uất bậc nhất, với nhiều mặt hàng đa dạng liên quan đến sắt thép như thiết bị điện tử, loa đài, điện,...
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (60 tuổi, bán các loại giấy dán xây dựng), cho biết chợ Sắt là cả thời niên thiếu khi mới 13 tuổi bà đã ra đây phụ bố mẹ bán hàng.
Ngồi lặng đi một lúc, bà Nguyệt nói với CafeLand: “Nếu sang chân cầu Niệm, thứ nhất là xa, không ai sang đấy mua bán cả. Thứ hai là vấn đề lịch sử, chợ Sắt cũng nổi tiếng giống như chợ Bến Thành ở Sài Gòn, chợ Đồng Xuân ở Hà Nội vậy. Các tỉnh thành đó cũng có chuyển các chợ đấy đi đâu”.
Đến nay, hai anh con trai bà Nguyệt cũng ra chợ Sắt thuê kiot bán hàng giống như mẹ. “Sau này mình còn định cho cả con mình ra đây bán hàng”, con trai cả của bà Nguyệt nói.
Tầng 1 chợ Sắt là nơi diễn ra hoạt động kinh doanh của 425 tiểu thương
Còn ông Hựu (74 tuổi, bán linh kiện nghề điện) đã ngồi đây từ khi chợ còn là những túp lều bạt lụp xụp, đến năm 1992 chợ mới xây thành tòa nhà 6 tầng như bây giờ.
Ông Hựu không thể nhớ chính xác thời gian ra chợ Sắt bán hàng, chỉ nhẩm tính đã khoảng hơn 30 năm – thời mà tiền mua một cái quầy hàng ở chợ Sắt bằng một cái nhà ở mặt đường.
Khi nhắc đến việc thành phố sắp xây mới chợ Sắt bên kia cầu Niệm, ông Hựu trầm ngâm: “Chợ Sắt đã bao nhiêu lần thay đổi, nhưng cái chuyển đi của lần này là mất đi thương hiệu của chợ Sắt vì quan trọng nhất là cái địa điểm”.
Ông Hựu cũng thừa nhận thương mại bây giờ đa dạng hơn xưa khi mặt đường hay trên mạng cũng buôn bán quá nhiều. Tuy vậy, quầy bán linh kiện nghề điện của ông vẫn đảm bảo cuộc sống cho gia đình và ông vẫn có khả năng đóng các loại thuế phí đầy đủ, đúng hẹn.
“Mong mỏi thành phố này vẫn còn chợ Sắt và nó được sửa chữa để người đi người về còn biết đến cái biểu tượng của Hải Phòng”, mắt ông chùng xuống khi nói với Cafeland.
Không biết đi đâu, nếu đóng cửa chợ Sắt
Từ cuối năm 2019, các tiểu thương trong chợ đã nghe thông tin thành phố Hải Phòng đề xuất phương án lấy lại đất chợ Sắt để xây dựng trung tâm thương mại và khách sạn 5 sao,... Đến nay, đồ án quy hoạch chi tiết trung tâm thương mại chợ Sắt cũng đã được UBND quận Kiến An công bố.
Tất cả những thông tin này giống như “sét đánh ngang tai” với 425 tiểu thương ở đây vì không rõ sắp tới họ sẽ phải đi đâu.
Anh Tạ Văn Thành (45 tuổi, sửa chữa amply) đã chuyển về chợ Sắt được gần 20 năm khi mặt bằng kinh doanh của anh gần Trung tâm triển lãm thành phố bị giải tỏa làm dải công viên trung tâm.
Giống như đa số tiểu thương ở đây, anh không muốn đi đâu nữa vì “nói đến Hải Phòng là phải nói đến chợ Sắt”.
“An cư mới lập nghiệp được, chúng tôi cũng phải có công ăn việc làm, giờ Công ty Hải Thành thông báo hết ngày 31/12 không ký hợp đồng với chúng tôi nữa, chúng tôi biết đi đâu?” anh Thành nói.
Không chỉ tiểu thương lo lắng, khách quen của chợ Sắt cũng không khỏi bùi ngùi khi nghĩ đến ngày chợ Sắt được xây mới bên Kiến An.
“Nếu chợ chuyển sang Kiến An thật, chắc là tôi cũng thôi (không đi chợ nữa – PV)”, một khách ở Hàng Kênh đi mua loa cho biết.
Chợ Sắt có từ thời Pháp thuộc, nổi tiếng khắp miền Bắc, nằm ngay ngã ba sông Cấm và bờ sông lấp (hồ Tam Bạc ngày nay).
Chợ làm giàu cho người Hải Phòng khi các tiểu thương có chỗ ngồi ở chợ được coi là tầng lớp giàu có thời bấy giờ.
Đến tháng 5/1992, chợ Sắt được đầu tư 5 triệu USD để xây dựng lại thành trung tâm thương mại, dịch vụ 5 tầng trên diện tích 6.000m2 như hiện nay.
Lúc đó, công trình này bự kiến sẽ là điểm kinh doanh của hơn 5.000 tiểu thương. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 425 tiểu thương kinh doanh ở tầng 1, còn tầng 2, 3, 4, 5 bỏ trống, đã xuống cấp dù trước đó có cho thuê mở nhà hàng, quán game, vũ trường,...
Phần lớn các tiểu thương còn lại của chợ Sắt bỏ ra các phố xung quanh kinh doanh, tạo thành khu phố buôn bán sầm uất dọc các đường nối chợ Sắt – chợ Tam Bạc.
Đây cũng là công trình liên doanh đầu tiên của Hải Phòng với nước ngoài (Quảng Tây, Trung Quốc) nhưng sau khi hoàn thành giai đoạn 1 năm 1994, giai đoạn 2 cũng không tiến hành xây dựng và trở thành bãi gửi xe.
Theo Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng đăng tải ngày 18/11/2019, thành phố muốn thu hút các nhà đầu tư thực hiện Dự án xây dựng Tổ hợp Trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao tại vị trí chợ Sắt. Ngày 16/7 vừa qua, UBND quận Kiến An công bố quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại Chợ Sắt tại số 20 đường Trường Chinh, P. Lãm Hà, Q. Kiến An trên diện tích 19.929,68m2. Theo các tiểu thương chợ Sắt, công ty Liên doanh hữu hạn Hải Thành – đơn vị đầu tư và quản lý chợ Sắt thông báo không ký tiếp hợp đồng thuê mặt bằng sau ngày 31/12/2020 làm nhiều tiểu thương lo ngại. |
-
Chợ Sắt – Biểu tượng của Hải Phòng sẽ xây mới ở quận Kiến An
CafeLand - Theo quy hoạch chi tiết của dự án xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại chợ Sắt mới có tỷ lệ 1/500, khu chợ biểu tượng của thành phố Cảng sẽ được xây mới hoàn toàn trên diện tích 19.929,68m2, thuộc phường Lãm Hà, quận Kiến An.
-
Hé lộ thời điểm vận hành hai nhà máy hơn 17.800 tỷ đồng tại Hải Phòng
Ngày 23/12, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (QLKKT) đã kiểm tra tiến độ một số dự án phát triển công nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
-
Sắp mở bán dự án nhà phố thương mại gần 1.200 tỷ đồng tại Hải Phòng
Ngày 21/12 tới đây, Công ty TNHH tư vấn và đầu tư Tadugo sẽ mở bán dự án nhà phố thương mại Hồng Bàng Midtown, tại Khách sạn Sheraton, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng.
-
VinFast muốn làm khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng 316 ha ở đảo Cái Tráp, dự kiến đón 7.000 khách vãng lai mỗi ngày
VinFast muốn làm khu vui chơi giải trí, công viên, nghỉ dưỡng tại đảo Cái Tráp, huyện Cát Hải quy mô 316 ha, vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng.