08/04/2023 8:12 AM
Theo báo cáo do CBRE công bố vào ngày 24/03, nhu cầu và giá thuê bất động sản khoa học đời sống tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC) vẫn ổn định bất chấp doanh thu và vốn đầu tư mạo hiểm giảm sút.

https://static1.businesstimes.com.sg/s3fs-public/styles/card_image_large_3x2/public/articles/2023/03/24/bt20211201ghlife4823886_4.jpg?itok=YpIEVEda

Sự gia tăng của các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và các ngành phụ trợ đã đẩy tỷ lệ lấp đầy tại các cụm R&D ở Trung Quốc, Singapore và Ấn Độ lên cao, với giá thuê tăng từ 5% đến 30%.

Nhưng mặc dù tổng hoạt động cho thuê tăng lên, khối lượng cho thuê mới lại đang giảm. Điều này là do sự tăng trưởng của các công ty khoa học đời sống đã trở nên chậm lại sau đại dịch cùng với các chính sách của họ để tiết kiệm chi phí.

Vào năm 2022, tổng nguồn cung cho thuê của các bất động sản phục vụ ngành khoa học đời sống ở APAC đã tăng lên hơn 100 triệu feet vuông. Động lực tăng trưởng đến từ sự mở rộng đáng kể của các cụm bất động sản khoa học đời sống trong những năm gần đây để hỗ trợ hoạt động R&D của các công ty địa phương và đa quốc gia.

Riêng Singapore có diện tích cho thuê khoảng 3,7 triệu feet vuông nằm tại trung tâm khoa học đời sống Biopolis, với giá thuê dao động từ 43 USD đến 45 USD mỗi foot vuông vào quý 3 năm 2022. Một khu đất rộng 58,8 triệu feet vuông phục vụ khoa học đời sống sẽ được đưa vào hoạt động tại đẩo quốc này vào năm 2025.

Các cụm khoa học đời sống lớn nhất APAC là ở Thượng Hải, với khoảng 36 triệu feet vuông, bao gồm không gian được sử dụng bởi các ngành khác ngoài khoa học đời sống, được cho thuê với giá từ 17 USD đến 34 USD mỗi foot vuông.

Sydney có khoảng 10 triệu feet vuông được cho thuê với giá từ 23 đến 27 USD mỗi foot vuông, trong khi Seoul có khoảng 7 triệu feet vuông được cho thuê với giá từ 13 đến 15 USD mỗi foot vuông vào quý 3 năm ngoái.

Sự tăng trưởng giá thuê diễn ra ngay cả khi doanh thu và vốn đầu tư trong ngành đang giảm. Trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, nhu cầu phát triển và kinh doanh vắc xin Covid-19 tăng cao cùng dòng vốn đầu tư mạo hiểm đã hỗ trợ cho sự phát triển của ngành. Ở thời điểm hiện tại, việc huy động vốn tại Mỹ và Trung Quốc đã suy yếu so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt ở mức 36% và 53%.

CBRE cho biết, thị trường bất động sản khoa học đời sống được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 1% đến 2% mỗi năm trong năm 2023, so với mức ước tính 7% vào năm 2022.

Công ty này cho biết thêm: “Với tình hình kinh tế hiện tại, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho ngành này có thể sẽ vẫn không có chuyển biến trong năm 2023”.

Tuy nhiên, tăng trưởng dài hạn của toàn ngành dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi dân số đang già đi, nhận thức về sức khỏe cao hơn của người dân, và sự hỗ trợ chính sách của chính phủ.

CBRE cho biết chi tiêu cho R&D cũng được dự báo sẽ “duy trì ổn định”, với mức tăng trưởng dự kiến vào khoảng 4% trong 3 năm tới. Báo cáo của CBRE cũng lưu ý rằng các công ty đang tiếp tục tìm kiếm các hợp đồng thuê dài hạn hơn cho các không gian R&D chuyên biệt và chất lượng cao.

R&D là một trong những khoản chi lớn nhất đối với các công ty khoa học đời sống, chiếm trung bình từ 15% đến 20% doanh thu toàn ngành vào năm 2022. Việc tập trung vào R&D đã dẫn đến nhu cầu về không gian phòng thí nghiệm trong khu vực tăng theo. Đặc biệt, Singapore đã nổi lên như một điểm nóng cho các nhà máy sản xuất mới.

“Các công ty khoa học đời sống ở APAC rất muốn có không gian phòng thí nghiệm để hỗ trợ hoạt động R&D”, Ada Choi, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Khách thuê tại APAC của CBRE, cho biết.

“Khi nhu cầu R&D mở rộng, chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng của các nhà máy sản xuất mới với năng suất và hiệu quả hoạt động được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất các loại thuốc bom tấn mới”.

Lam Vy (BTS)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.