05/08/2023 8:39 AM
Dù chưa “chốt deal” nhưng số lượng các thương vụ đang tìm hiểu để tiến hành mua bán sáp nhập (M&A) dự án bất động sản đang tăng lên.

Trao đổi gần đây, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho biết số lượng các thương vụ đang trong quá trình giao dịch nhiều hơn. Tổng số giao dịch và giá trị của các giao dịch nhiều hơn so với các năm trước. Điều này có nghĩa sức hút trên thị trường bất động sản Việt Nam vẫn tốt.

Nhà đầu tư tăng tốc tìm kiếm

Theo ông Khương, hiện nền kinh tế lớn đang có nhiều bất ổn trong việc đầu tư thì các thị trường mới nổi như Việt Nam được xem là một điểm đến ổn định, có biên lợi nhuận tốt. Đó là lý do tại sao lại Việt Nam thu hút được lượng FDI rất lớn.

Cũng theo ông Khương, danh mục đầu tư công ty ông đang thực hiện có số lượng gấp đôi so với các năm trước, giá trị giao dịch tương ứng khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên ông lưu ý, đây là các thương vụ đang thực hiện, giao dịch thành công hay không còn phụ thuộc vào quá trình sắp xếp, thương lượng.

“Các thương vụ M&A thông thường mất từ 1-2 năm mới hoàn tất. Vì vậy vẫn phải cần thêm thời gian để xem có đóng được thương vụ hay không”, ông nói.

Số lượng các thương vụ đang tìm hiểu để tiến hành mua bán sáp nhập (M&A) dự án bất động sản đang tăng lên.

Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng cho biết thêm, các phân khúc mà các nhà đầu tư quan tâm bao gồm dự án phát triển nhà ở, khách sạn và cao ốc văn phòng. Bên cạnh đó khu công nghiệp cũng là một phân khúc nhận được nhiều sự quan tâm.

Trong đó, các dự án bất động sản nhà ở không nhiều so với văn phòng, khách sạn vì phân khúc này vướng pháp lý, thủ tục nên các nhà đầu tư rất khó để giao dịch M&A thành công, trong khi các dự án đã xong pháp lý thì các doanh nghiệp nội sẽ có xu hướng tự phát triển.

Báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng cùng chung nhận định, M&A bắt đầu trở lên sôi động hơn với nhiều thông tin “săn dự án” của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong đó, các dự án đã hoàn thiện thủ tục pháp lý là mục tiêu săn lùng của nhiều nhà đầu tư. Khách hàng phần lớn là nhà đầu tư đến từ các nước như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan. Chỉ có một số ít doanh nghiệp Việt Nam, có đủ tiềm lực để tham gia cuộc chơi với các thương vụ quy mô vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, tính đến hết quý 2/2023 hầu hết các thương vụ M&A mới đang chỉ diễn ra trong giai đoạn đầu (giai đoạn tìm kiếm và khảo sát), chưa đi đến bước đàm phán và chốt giao dịch.

Những dự án về tay chủ mới

Giữa tháng 6, Tập đoàn Jones Lang Lasalle (JLL) vừa cho biết đã tư vấn thành công một danh mục đầu tư gồm ba khách sạn ở Đông Nam Á, trong đó có 2 khách sạn tại TPHCM gồm ibis Saigon South và Capri by Fraser (cùng ở quận 7).

Giao dịch trị giá 106,1 triệu USD, đánh dấu thương vụ bán danh mục đầu tư khách sạn đầu tiên trong khu vực của năm 2023. JLL Hotels & Hospitality Group đóng vai trò là cố vấn độc quyền cho bên bán – Strategic Hospitality Holdings Limited trong suốt quá trình giao dịch.

Capri by Fraser TPHCM và ibis Saigon South là những khách sạn mang thương hiệu quốc tế nằm trong khoảng cách đi bộ đến các văn phòng do các công ty đa quốc gia thuê và Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC) ở quận 7. Được biết, bên mua 2 khách sạn này là nhà đầu tư đến từ Hồng Kông.

Trong khi đó, Keppel Land - công ty bất động sản thuộc Tập đoàn Keppel gần đây thông báo chi khoảng 1.230 tỷ đồng để thâu tóm 65% cổ phần của doanh nghiệp sở hữu một trung tâm thương mại tại Hà Nội. 35% vốn còn lại sẽ do chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Phát triển Bình Minh nắm giữ.

Trước đó doanh nghiệp đến từ Singapore này cũng là nhà đầu tư chính trong thương vụ chi khoảng 3.180 tỷ đồng để mua cổ phần tại 2 dự án Emeria (6 ha) và Clarita (5,8 ha) ở TP. Thủ Đức (TP.HCM) của Khang Điền.

Hay mới đây, Gamuda Bhd thông qua công ty con Bất động sản là Gamuda Land đã ký thỏa thuận mua lại cổ phần của Công ty Cổ phần Bất động sản Tâm Lực, công ty sở hữu một dự án rộng 3,68 ha tại Thành phố Thủ Đức, TP.HCM, với giá 315,8 triệu USD.

Gamuda dự định phát triển khu đất này thành một dự án cao tầng bao gồm 1.968 căn hộ độc quyền, 12 căn hộ áp mái, 51 cửa hàng khối đế và 21 căn shophouse trên 6 tòa tháp cao tới 40 tầng.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến ngày 20/7, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,24 tỷ USD.

Trong đó có 1.627 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 10,6% so với cùng kỳ. Tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,14 tỷ USD, tăng 60,7% so với cùng kỳ.

Phân theo lĩnh vực, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong thu hút vốn ngoại với tổng vốn đầu tư hơn 1,61 tỷ USD, chiếm hơn 9,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.