Mặc dù có nhiều dấu hiệu tích cực song công tác giải phóng mặt bằng của tuyến metro số 2 tại TP.HCM vẫn không thể hoàn thành đúng hẹn trong năm nay.

Công tác giải phóng mặt bằng của tuyến metro số 2 tiếp tục chậm. Ảnh: Độc Lập - Đồ hoạ: Đông Xuân

Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa có văn bản khẩn báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (tuyến metro Bến Thành - Tham Lương).

Theo đó, trong năm 2020, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Thành ủy và UBND TP, dự án đã có sự chuyển động tích cực. Dù vậy, dự án vẫn còn nhiều tồn tại cần được giải quyết.

Cụ thể, về cơ chế tài chính, việc phân chia vốn cấp phát, vay lại cho từng nguồn vốn vay (cả cũ và dự kiến vay mới) có thay đổi so với thời điểm trình duyệt, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tự do: Hiệp định vay đã hết hạn, hủy một phần, bổ sung vay mới và quá trình lựa chọn nhà thầu phải tổ chức lại để đảm bảo chặt chẽ về pháp lý. Hiện nay, UBND TP đang xem xét, có công văn giải trình theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Về di dời hạ tầng kỹ thuật, trong thời gian sắp tới, MAUR sẽ trình phê duyệt bổ sung Kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu tư vấn giám sát, giám sát thi công. Tuy nhiên, cơ cấu nguồn vốn thiếu hụt khoảng 4,63 tỉ đồng so với tổng chi phí 16,72 tỉ đồng đã được duyệt. MAUR đã trình UBND TP xem xét và đang chờ ý kiến.

Đặc biệt, MAUR thông tin công tác giải phóng mặt bằng của dự án đến nay mới đạt 74,63% (450/603 trường hợp), không thể hoàn thành trong năm 2020 do gặp một số khó khăn về thủ tục và khiếu nại của một số hộ dân. Nguyên nhân chủ yếu do công tác bố trí vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng cho dự án trong năm nay chưa đảm bảo so với nhu cầu thực tế dẫn đến các quận, huyện có nhu cầu tiếp tục bố trí kế hoạch vốn cho năm tiếp theo để hoàn thành dự án.

Theo chỉ đạo của UBND TP, MAUR đang cùng tư vấn tiến hành rà soát và lập hồ sơ, báo cáo điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư của dự án để tăng chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng.

Để tiếp tục triển khai dự án đáp ứng đúng tiến độ, MAUR kiến nghị UBND TP tiếp tục chỉ đạo và giải quyết các khó khăn vướng mắc về chính sách bồi thường và bố trí vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án.

Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc phân chỉ giá trị cấp phát, vay lại đối với từng nguồn vay của dự án; Có ý kiến với Bộ Tài chính về khoản vay bổ sung của ngân hàng EIB và tiếp tục làm việc với các nhà tài trợ để cam kết bổ sung nguồn vốn thiếu hụt cho dự án.

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 được xúc tiến từ khoảng năm 2010, với số vốn được duyệt ban đầu khoảng 1,3 tỉ USD, dự kiến 2020 hoàn thành. Sau đó, vì nhiều lý do, metro số 2 liên tục xin lùi đích tới năm 2024 và hiện đang "chốt" mốc thời gian hoàn thành vào năm 2026.

Từ đầu năm đến nay, dù dịch bệnh Covid-19 liên tục gây khó khăn nhưng các quận, huyện cùng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM vẫn ráo riết thực hiện công tác vận động giải phóng mặt bằng. Hồi cuối tháng 8, MAUR cho biết các đơn vị đang liên kết cùng nỗ lực phấn đấu cơ bản hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2020, song song với việc chuẩn bị và triển khai việc thiết kế di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi ảnh hưởng của dự án. Công tác đấu thầu các gói thầu thi công và tư vấn giám sát sẽ được tổ chức từ cuối năm nay, ký hợp đồng và khởi công dự án trong năm 2021 theo đúng chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP.

Như vậy, với những khó khăn nêu trên, công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã chậm 4 năm so với kế hoạch ban đầu và sẽ tiếp tục chưa hẹn ngày về đích.

  • Thanh tra kết luận nhiều nội dung tố cáo liên quan dự án đường sắt đô thị

    Thanh tra kết luận nhiều nội dung tố cáo liên quan dự án đường sắt đô thị

    Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra theo đơn tố cáo đối với một số nội dung liên quan dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn – ga Hà Nội, trong đó xác định nhiều nội dung có cơ sở như việc điều chỉnh hợp đồng tư vấn tăng thêm 6,5 triệu Euro; dấu hiệu trù dập, loại bỏ người đấu tranh chổng tham nhũng, lãng phí thông qua công tác cán bộ…

Hà Mai (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.