02/03/2022 2:20 PM
Một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters cho thấy thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ tiếp tục được duy trì ổn định trong nửa đầu năm 2022, trước khi phục hồi vào cuối năm nhờ các chính sách nhằm cải thiện tâm lý người mua.

Từng là trụ cột của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đã rơi vào khủng hoảng trong năm 2021 khi chính quyền Bắc Kinh tiến hành một chiến dịch thắt chặt quy định nhắm vào các tập đoàn lớn, làm gián đoạn việc giao dự án và khiến tâm lý người mua hoang mang.

Bên cạnh việc đối mặt với lĩnh vực bất động sản đang dần nguội lạnh, Trung Quốc còn phải đối mặt với các đợt bùng phát Covid-19 lẻ tẻ. Những điều này có thể giáng một đòn mạnh vào sản lượng và tiêu thụ của các nhà máy trong năm nay.

Giá nhà trung bình trong nửa đầu năm nay ước tính sẽ giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, theo một cuộc khảo sát của Reuters với 17 nhà phân tích và nhà kinh tế tại Trung Quốc. Con số này không có quá nhiều thay đổi so với khảo sát được thực hiện vào tháng 11/2021. Tính trong cả năm, giá nhiều nhiều khả năng tăng 2%.

Li Qilin, chuyên gia kinh tế tại Hongta Securities cho biết: “Giá nhà có thể sẽ tăng nếu các biện pháp hạn chế được nới lỏng”. Bên cạnh đó, ông cũng xác nhận rằng môi trường tín dụng và các chính sách điều tiết đối với bất động sản đã được nới lỏng nhẹ kể từ đầu năm 2022.

"Các giao dịch bất động sản ở các thành phố cấp một và cấp hai sẽ tốt hơn nhiều so với những thành phố cấp ba và cấp bốn”, ông Li Qilin nhấn mạnh.

Các nhà chức trách đã tiết lộ một loạt biện pháp để thúc đẩy doanh số bán hàng và tâm lý người mua nhà, bao gồm việc cho phép các nhà phát triển tiếp cận dễ dàng hơn với các khoản tiền ký quỹ trước khi bán, yêu cầu khoản đặt cọc nhỏ hơn cho những người mua nhà lần đầu và cho phép các ngân hàng thương mại giảm lãi suất thế chấp.

Thực tế, các nhà phân tích lạc quan hơn về cung và cầu ở thị trường nhà ở so với cuộc khảo sát trước của Reuters, mặc dù họ cho biết tâm lý vẫn chưa hồi phục hoàn toàn và các công ty bất động sản vẫn phải đối mặt với áp lực tài chính.

Theo kết quả cuộc khảo sát mới nhất, các chuyên gia dự đoán doanh số bán bất động sản tại Trung Quốc giảm 14% trong nửa đầu năm, thấp hơn mức 16% mà họ từng dự đoán hồi tháng 11/2021. Trong khi đó, doanh số bán hàng dự kiến ​​sẽ giảm 7,5% trong cả năm.

Nhiều người được hỏi cho biết các chính sách điều tiết nhu cầu sẽ được nới lỏng, nhưng hiện tại người bán đang trông chờ nhiều vào chiết khấu.

"Niềm tin của người mua nhà vẫn chưa được khôi phục và chiết khấu vẫn là một công cụ tiếp thị quan trọng. Các thành phố hạng nhất và hạng hai sẽ chứng kiến ​​sự gia tăng về quy mô giao dịch nhà đất, khiến giá nhà trên toàn quốc tăng về cơ cấu", Huang Yu, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu Bất động sản có trụ sở tại Bắc Kinh chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Nhà ở Trung Quốc trong tuần qua đã đưa ra cam kết giữ cho thị trường bất động sản ổn định trong năm nay và đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua nhà thực sự của người dân.

Khối lượng đầu tư của các công ty bất động sản dự kiến ​​sẽ giảm 2% trong nửa đầu năm và tăng 1,5% cho cả năm. Trước đó, Reuters dự báo đầu tư sẽ giảm 3% trong nửa đầu năm 2022.

Khối lượng đầu tư bất động sản năm 2021 tăng 4,4% so với năm 2022, tốc độ chậm nhất trong 17 tháng, trong khi doanh số bán ra của các công ty bất động sản theo khu vực tăng 1,9%.

Lu Wenxi, chuyên gia phân tích của cơ quan bất động sản Centaline cho biết: “Các công ty bất động sản gặp áp lực về vốn sẽ thận trọng hơn trong việc mua đất và đầu tư bất động sản”.

Daniel Yao, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại công ty dịch vụ bất động sản JLL kỳ vọng các nhà chức trách sẽ cấp thêm các khoản vay cho các công ty bất động sản để họ phát triển dự án và cho phép họ phát hành trái phiếu dễ dàng hơn, qua đó giảm áp lực thanh khoản và ổn định triển vọng.

Ngoài ra, trong số 17 người được hỏi, có tới 13 người cho biết Trung Quốc sẽ trì hoãn việc triển khai thí điểm thuế bất động sản do nền kinh tế nước này ở trong tình trạng căng thẳng.

  • Châu Á đối mặt với lạm phát và nhu cầu tiêu dùng yếu

    Châu Á đối mặt với lạm phát và nhu cầu tiêu dùng yếu

    Châu lục tưởng như miễn nhiễm với áp lực giá cả đang bắt đầu cảm nhận rõ hơn tác động từ lạm phát khi giá năng lượng và thực phẩm tăng cao hơn. Dù vậy, người tiêu dùng ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á, phần lớn vẫn không bị ảnh hưởng.

  • Tại sao giá nhà ở lại cao như vậy?

    Tại sao giá nhà ở lại cao như vậy?

    Đó là một câu hỏi mà tất cả mọi người đều thắc mắc và dường như ngày càng khó trả lời hơn. Thực tế là, có nhiều yếu tố tác động khi xác định giá nhà ở tại bất kỳ thành phố hoặc khu vực nhất định.

Anh Nguyễn (The Business Times)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.