Một dự án bất động sản triển khai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Lưu Bang
Thanh khoản chung trên thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi
Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế vừa báo cáo về việc thực hiện công bố thông tin quý 1/2024 về nhà ở và thị trường bất động sản với bức tranh thị trường ảm đạm, lượng giao dịch suy giảm, nhu cầu mua tiếp tục thấp do tâm lý nhà đầu tư yếu và chờ đợi.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua Chính phủ đã có những động thái quyết liệt tháo gỡ pháp lý cho hàng loạt dự án. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, liên tục giảm lãi suất huy động để có thể hạ lãi suất cho vay,…
Tuy nhiên, các chính sách này vẫn chưa thật sự thẩm thấu vào thị trường bất động sản. Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý 1/2024 vẫn yếu so với quý 4/2023. Kênh huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thật sự phục hồi.
Hiện nay, một số dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh vẫn đang tồn tại một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý trong việc xác định nghĩa vụ tài chính mà nhà đầu tư phải nộp, thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Bên cạnh đó còn có những khó khăn về nguồn vốn dẫn đến một số doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án.
Tính đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chấp thuận đầu tư cho 9 dự án nhà ở xã hội.
Cụ thể, có bốn dự án nhà ở xã hội độc lập đã được chấp thuận đầu tư giai đoạn 2010-2014, các dự án đã hoàn thành và bàn giao căn hộ cho khách hàng.
Bên cạnh đó, có hai dự án nhà ở xã hội độc lập được chấp thuận đầu tư giai đoạn 2020-2021, quy mô 2.900 căn. Hai dự án này đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn có ba dự án nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20% tại các dự án thương mại, khu đô thị. Trong đó, có một dự án đã khởi công xây dựng; hai dự án còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án và thủ tục giao đất.
Việc tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức thực hiện những quy hoạch quan trọng vừa được phê duyệt cũng là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Ảnh: Lưu Bang
Kỳ vọng gì trong thời gian tới?
Thời gian tới, khi những vấn đề vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn được tháo gỡ, sẽ tạo động lực cho các chủ đầu tư đẩy mạnh triển khai các dự án, tăng nguồn cung cho thị trường.
Bên cạnh đó, việc tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức thực hiện những quy hoạch quan trọng vừa được phê duyệt cũng là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Ngày 6/4 vừa qua, Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024. Theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong khuôn khổ sự kiện nói trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/văn bản thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 21 dự án.
Trong đó, trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án với tổng vốn đăng ký 9.134 tỷ đồng; trao văn bản thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đăng ký 113.500 tỷ đồng.
Mới đây, HĐND tỉnh Thừa Huế cũng đã thông qua chương trình phát triển đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Theo đó, đến năm 2030, Thừa Thiên Huế có dân số khoảng 1,5 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 70%.
Đến năm 2045, dân số toàn đô thị khoảng 1,85 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 75%. Tầm nhìn đến năm 2065, dân số toàn đô thị khoảng 2,3 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá khoảng 77%.
Để thực hiện chương trình phát triển đô thị vừa được thông qua, Thừa Thiên Huế cần khoảng 73.324 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương khoảng 29.890 tỷ đồng; ngân sách tỉnh khoảng 8.512 tỷ đồng; nguồn vốn khác khoảng 34.922 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư các dự án phát triển hệ thống hạ tầng khung và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật có khả năng khắc phục các tiêu chuẩn còn thiếu, còn yếu của đô thị tương ứng với từng giai đoạn.
Đơn cử như, các khu đô thị mới, dự án tái thiết, dự án tái định cư, khu công nghiệp, khu du lịch,... để tăng mật độ dân số; Công trình thể dục thể thao cấp đô thị; Công trình giao thông để tăng tỷ lệ đất giao thông so với đất đô thị, mật độ đường giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng;…
Trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, Thừa Thiên Huế xác định các dự án lớn, có tính chất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư và thu hút đầu tư.
Trong đó, có 49 dự án ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và 125 dự án ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách.
-
Thừa Thiên Huế: Khởi công nhà máy trong khu công nghiệp nghìn tỷ
Sáng ngày 26/3, tại Khu công nghiệp Gilimex, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy đã khởi công Nhà máy sản xuất Mũ bảo hiểm EON Industry Việt Nam do Công ty TNHH EON Industry Việt Nam - thành viên của Tập đoàn mũ bảo hiểm EON làm chủ đầu tư.
-
Thừa Thiên Huế vừa điều chỉnh nội dung gì trong đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài?
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn I, II, III, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
-
Đề xuất loạt khu đất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án tại Thừa Thiên Huế
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Tờ trình số 12190/TTr-UBND đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết phê duyệt danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế...
-
Có gì đặc biệt trong quy hoạch khu đô thị hơn 185ha, quy mô 20.000 người ở Thừa Thiên Huế?
Khu đô thị phía Bắc, phường Hương An, Hương Sơ, Hương Vinh (TP. Huế) và xã Hương Toàn (Hương Trà) có diện tích hơn 185 ha, quy mô dân số 20.000 người.