Theo dự báo của chuyên gia, sự phục hồi rõ nét của thị trường sẽ được thể hiện từ cuối quý 3.2024.
Tại Diễn đàn thị trường bất động sản Việt Nam 2024, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), cho hay thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đến hệ sinh thái kinh tế và có liên quan trực tiếp đến nhiều ngành nghề.
Tuy nhiên từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do bối cảnh chung của tình hình kinh tế, bất động sản thế giới; cũng như nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi phát triển.
Theo đó, trong năm qua, sức mua và thanh khoản giảm; nguồn cung thiếu, dư thừa sản phẩm cao cấp trong khi thiếu các phân khúc phù hợp với túi tiền của người dân. Cùng với đó, doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng. Số lượng các dự án nhà ở thương mại được hoàn thành và chấp thuận mới đều giảm.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các Bộ, ngành đã làm việc với quyết tâm cao nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, chính sách đối với các hoạt động kiểm soát, điều chỉnh, hỗ trợ thị trường bất động sản để đảm bảo tính đồng bộ, liên thông của hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tín dụng và giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Các chính sách được ban hành như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bắt động sản đã được thông qua. Hiện nay chính phủ đang trình Quốc hội xem xét để thông qua tại kỳ họp Quốc hội thời gian tới dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Theo đại diện Bộ Xây dựng, 5 Luật này khi có hiệu lực sẽ thực sự là bước thay đổi lớn tác động mạnh làm tăng nguồn cung cũng như điều tiết giá thị trường bất động sản phù hợp với người dân hơn.
Nói về điểm thuận lợi cho thị trường bất động sản năm 2024, TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế cho rằng, sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng với mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm dần sẽ giúp các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn dễ hơn, người dân sẽ chuyển dần chú ý sang kênh đầu tư bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, năm 2024 khả năng cao sẽ là năm cuối cùng “vượt chướng ngại vật” của thị trường bất động sản Việt Nam. Thị trường sẽ dần đi vào “ổn định” và bức tranh toàn cảnh có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Theo ông Đính, về bản chất, thay đổi này không phải sự phát triển mà là nỗ lực trở lại vạch xuất phát, thay vì tồn tại trong trạng thái “âm” như thời kỳ vừa qua. Tuy nhiên, đây sẽ là căn cứ và nền tảng để thị trường chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mới mang tính ổn định, bền vững và hiệu quả hơn.
Ông Đính cho rằng, trải qua quá trình thanh lọc, sức khỏe nội tại, cùng khả năng ứng biến với các khó khăn, thử thách của các chủ thể tồn tại trên thị trường sẽ được nâng lên.
Các thay đổi trong luật mới tuy chưa được áp dụng nhưng sẽ là tín hiệu tích cực để các chủ thể gửi gắm niềm tin và sốc lại tinh thần cho công đoạn chuẩn bị trong thời kỳ sắp tới. Với điều kiện Luật đất đai phải “ăn nhập” và thống nhất với 2 bộ luật đã được thông qua trước đó.
Song song với các giải pháp tháo gỡ các khó khăn về mặt pháp lý, nguồn vốn cho thị trường bất động sản, thì “niềm tin” của khách hàng và nhà đầu tư vẫn sẽ là yếu tố tiếp tục được quan tâm và tập trung các biện pháp nhằm giải tỏa trong năm 2024.
Lãnh đạo VARS dự báo, quý 1 và quý 2.2024 thị trường sẽ tiếp tục duy trì tín hiệu tốt từ thời điểm cuối năm 2023. Nhưng phải từ cuối quý 3 trở đi sự phục hồi mới được thể hiện rõ rệt.
Cũng theo ông Đính, thị trường ngày càng được khôi phục, nhưng lực lượng môi giới bất động sản đang cho thấy sự thiếu hụt. Tuy nhiên, trong năm 2024, ngành bất động sản sẽ đón nhận sự quay trở lại của khoảng 30%-40% môi giới bất động sản. Càng về thời điểm cuối năm, số lượng này càng có xu hướng tăng lên.
Trong phiên thảo luận tại diễn đàn, các chuyên gia thống nhất rằng, để thị trường bất động sản có cơ hội phục hồi trở lại, rất cần thêm các cơ chế, chính sách cụ thể,“mở thực sự”, được áp dụng ngay nhằm xử lý nhanh từng nhóm vướng mắc. Đồng thời cần có sự chung tay, nhất quán của tất cả các bên liên quan, để đảm bảo việc thực thi chính sách đạt hiệu quả.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo các chủ đầu tư/doanh nghiệp phát triển dự án, các sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản, khách hàng, nhà đầu tư phải chủ động nâng cấp chất lượng, giảm tải số lượng để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thị trường, hoạt động theo hướng “chậm nhưng chắc”, xác định rõ tinh thần, 2024 vẫn là một năm đầy thách thức cần vượt qua...
-
Trong báo cáo mới phát hành, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo thanh khoản một số khu vực có thể hồi phục sớm hơn thị trường chung. Cụ thể, các khu vực này bao gồm: vùng lõi đô thị tại Hà Nội, TP.HCM, phục vụ nhu cầu ở thực của người dân và khu vực thành phố tại các tỉnh thành sở hữu tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa cao; tiềm năng phát triển công nghiệp và thu hút lao động; kế hoạch phát triển trung tâm hành chính mới và mở rộng quy mô hành chính.
-
Làn sóng FDI dự báo bùng nổ trở lại vào năm 2025
Thực tế thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam 2024 đang có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên trong bối cảnh chính trị mới, giới chuyên gia đầu ngành dự báo, làn sóng đầu tư sẽ bùng nổ trở lại trong năm 2025, khi các doanh nghiệp FDI đã và đang mở ...
-
Bao giờ bất động sản nghỉ dưỡng mới “tan băng”?
Mặc dù nguồn cung ghi nhận có tăng nhẹ nhưng thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp. Lượng giao dịch tập trung ở những sản phẩm có giá bán dưới 10 tỷ đồng/căn.
-
Điểm tên loạt khu vực có nhiều tiềm năng phát triển bất động sản tại miền Trung - Tây Nguyên
Theo quy hoạch, nhiều đô thị tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ được nâng cấp trở thành đô thị loại 1, loại 2,… Đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản các địa phương trong thời gian tới....