29/02/2012 2:48 AM
Mặc dù, bất động sản (BĐS) phía Tây Hà Nội đang được các nhà đầu tư bán tháo để "cắt lỗ", giảm giá từ 10 - 35%, song vẫn không có người mua. Theo các chuyên gia, thị trường BĐS lâm vào tình cảnh "ngủ đông" kéo dài chủ yếu do "đói" vốn.

Thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội: Bán tháo vẫn không có người mua
Căn hộ chung cư giảm giá từ 20 - 30% vẫn “ế”. Ảnh: Thu Văn

Đồng loạt giảm giá


Trái ngược với thời điểm 2 năm trước, thị trường BĐS khu vực phía Tây "sốt" nóng và bị "thổi" giá, thời điểm này, tất cả các dự án đều không bán được hàng kể cả khi giá giảm sâu. Hầu hết các nhà đầu tư đều tỏ vẻ ngán ngẩm và cho rằng, thị trường ảm đạm và không có giao dịch.


Ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Maxland cho biết, tất cả các phân khúc đều giảm giá trung bình từ 10 - 35%, trong đó giảm giá sâu nhất là phân khúc đất nền, giảm tới 35%. “Như tại dự án khu đô thị Vân Canh, giá bán hiện nay chỉ còn 23 triệu đồng/m2 so với 34 triệu đồng/m2 hồi năm ngoái” - ông Diễn nói.


Theo khảo sát của phóng viên, tại một số dự án ở phía Tây Hà Nội, giá bán đã đồng loạt giảm. Cụ thể, giá bán dự án Dream Town Đại Mỗ từ 17,5 triệu đồng trở lên, chung cư Sail Tower Hà Đông từ 16,8 triệu đồng trở lên. Dự án Hesco Văn Quán từ 18 - 20 triệu đồng/m2. Chung cư Dương Nội chào bán từ 18 - 23 triệu đồng/m2. Chung cư FLC Landmark Lê Đức Thọ từ 23 - 25 triệu đồng/m2... Ngoài ra, một số dự án chung cư sắp bàn giao nhà đang được nhiều người có nhu cầu quan tâm như: dự án Chung cư Đài phát thanh Mễ Trì (VOV) có giá giao dịch từ 24 - 26 triệu đồng/m2… Tại khu vực Mỹ Đình và Mễ Trì vẫn giữ giá bán từ 33 - 39 triệu đồng/m2 tùy vị trí căn hộ. Dù vậy, giao dịch thành công trên thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay.


Tự cứu lấy mình


Theo ông Diễn, hàng tháng mỗi doanh nghiệp (DN) phải bỏ ra hàng tỷ đồng để trả lãi ngân hàng trong khi thị trường BĐS lại đóng băng như hiện nay, làm cho nhiều DN khốn đốn.


Để khắc phục khó khăn hiện nay, ông Nguyễn Quốc Khánh, Tổng Giám đốc Công ty CP và phân phối DTJ chia sẻ, DN của ông đang lên kế hoạch hoạt động chiến lược và chờ thời. "Nếu lãi suất ngân hàng áp dụng cho vay đối với lĩnh vực BĐS vẫn giữ ở mức hơn 20%, thì mọi hoạt động sản xuất như vật liệu xây dựng, nhà cửa, đồ dùng trong nhà… đều tắc nghẽn, vì chi phí lao động, nhân công cao trượt giá lên tới hơn 50%"- ông Khánh giải thích.


Nhiều DN kinh doanh BĐS cho biết, trong hoàn cảnh này phải "tự cứu lấy mình" và vạch ra những hoạt động kinh doanh chiến lược, lấy ngắn nuôi dài để vượt qua khó khăn. "Có nhiều cách để tự cứu lấy mình, nhưng theo tôi, DN nào có hướng đi đúng đắn, phát triển kinh doanh dài hạn, đồng thời "tung" ra thị trường cơ cấu sản phẩm phù hợp, DN đó vẫn… sống khỏe" - anh Nguyễn Tiến, nhà đầu tư BĐS phân tích.


Ngoài ra, một số DN chia sẻ, trong khi thị trường đang trầm lắng, họ đang lên kế hoạch PR, quảng cáo trên các phương tiện truyền thông cũng như tìm kiếm khách hàng tiềm năng để chờ thời điểm thích hợp "bung" hàng. Khi nói về xu hướng thị trường BĐS năm 2012, các chuyên gia cho rằng, phân khúc có giá dưới 2 tỷ đồng/căn có đủ tính pháp lý sẽ sôi động.

Theo KTĐT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.