Nhà đầu tư nên thận trọng trước tình trạng đất nền vùng ven, đất nông nghiệp nhảy giá.
Bài toán giữ hay thoát hàng?
Anh Thái Bá Danh, trú tại Phố Xốm, Phú Lãm, Hà Đông cho biết, bốn tháng trước anh có mua một mảnh đất có diện tích 200m2 tại Yên Trung, Thạch Thất với giá 1,7 triệu đồng/m2. Hiện mảnh đất này đã có người hỏi mua lại với giá 2,8 triệu đồng/m2. Anh Danh chưa bán vì cho rằng từ nay đến đầu năm sau, thị trường sẽ sôi động hơn, lúc đó có nhiều người tìm mua đất, giá có thể tăng thêm vài triệu đồng/m2.
Ở một trường hợp khác, anh Nguyễn Đức Minh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại không được suôn sẻ như anh Danh khi chưa bán được lô đất hơn 100m2 mua từ đầu năm. Anh Minh cho biết, lúc mới mua, lô đất có giá 1,5 triệu đồng/m2, sau đó hai tháng có người trả 2,5 triệu đồng/m2 nhưng do muốn lãi cao hơn nên anh chưa bán. Cho đến thời điểm này chưa ai hỏi lại dù anh đã rao bán với giá 2 triệu đồng/m2.
Chị Thanh Ngân (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng lo lắng khi hai mảnh đất nền vùng ven được đầu tư từ đầu năm 2019 đến nay vẫn chưa thoát được hàng. Chị Ngân lo ngại không biết bao giờ dịch bệnh mới được kiểm soát, thị trường bất động sản xuống dốc nên muốn nhanh chóng “rút chân” ra khỏi thị trường.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính, cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh đã được khống chế ổn định, đây sẽ là cơ hội để đầu tư. Mặc dù thị trường vẫn chưa quay trở lại như trước khi có dịch, nhưng rõ ràng sẽ phục hồi và phát triển bền vững hơn.
Ông Thịnh nhận định bất động sản vẫn là kênh đáng để đầu tư vào thời điểm này và trong trung hạn. Tuy nhiên, theo ông, nếu đầu tư vào lúc này hoặc năm sau, nên chú trọng vào các dự án đồng bộ, có tiềm năng tăng giá trong trung dài hạn, không nên lướt sóng.
Không dành cho người ít vốn
Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, trong khi lượng cung mới từ các dự án trở nên hiếm hoi, thì nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đang có xu hướng chuyển dịch sang tìm và khai phá những thị trường mới ở vùng nông thôn như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất.
Lý giải về điều này, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, đây là những địa phương có chủ trương phát triển thành quận, nhận được sự quan tâm nghiên cứu đầu tư của nhiều nhà phát triển BĐS lớn của Việt Nam và đã thực hiện công bố quy hoạch phát triển đô thị.
Việc nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng này đã làm cho đất đai “làng trên xóm dưới” sôi động, giá được đẩy lên cao. Có nơi trước đây ngưỡng giá đất trong làng chỉ vài trăm nghìn đồng nay đã lên đến vài triệu, vài chục triệu đồng một mét vuông. Thậm chí đất vườn, đất ruộng cũng được đẩy lên vài triệu đồng một mét vuông.
Từ đó xuất hiện nghịch lý là giá đất trong một số dự án được đầu tư cơ sở hạ tầng hàng chục năm vẫn loanh quanh ngưỡng 30-40 triệu đồng/m2 nhưng đất trong làng xóm không được đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng đô thị đã chào bán từ 20-30 triệu đồng/m2.
Theo ông Đính, giá đất đai bị đẩy lên cao đã làm chùn bước sự quan tâm của các nhà phát triển. Bởi lẽ, giá quá cao khiến việc đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Đã có hiện tượng doanh nghiệp lớn rút lui sau khi vừa mới đăng ký tham gia nghiên cứu đầu tư.
“Nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng với những rủi ro có thể xảy ra, bởi giá đã được đẩy lên cao hơn so với mặt bằng, khi đầu tư sẽ khó thanh khoản và bị chôn vốn”, ông Đính lưu ý.
Bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc thị trường Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) đánh giá đất nền đang là sản phẩm được ưa chuộng tại các huyện vùng ven. Sắp tới đây khi nhiều dự án hạ tầng được tiếp tục triển khai, giá đất ở những khu vực này dự báo sẽ còn tăng lên.
“Nhưng thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa nhìn thấy cơ hội rõ rệt cho nhà đầu tư trước những thông tin như vậy. Việc xây dựng hạ tầng phải có từng giai đoạn và thực hiện trong thời gian dài, vì vậy nhà đầu tư cần phải cân nhắc nguồn lực tài chính của mình khi tham gia đầu tư, đây không phải “cuộc chơi” dành cho người ít vốn”, bà Vân cho biết.
Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam, cũng cùng quan điểm, cho rằng phân khúc đất nền vẫn có sức hấp dẫn nhất trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, để đầu tư an toàn, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ các thông tin pháp lý, quy hoạch, tính thanh khoản cũng như cân đối khả năng tài chính. Đất nền thường không dành cho những nhà đầu tư có số vốn hạn hẹp, hoặc phải đi vay để đầu tư.
-
Thị trường bất động sản Hà Nội cuối năm: Nhà đầu tư cẩn trọng tránh “bẫy”
Khi thị trường đất nền có dấu hiệu tăng giá bất thường, nhà đầu tư cần so sánh, định giá và đánh giá đúng giá trị của bất động sản, tránh trường hợp mua rơi vào bẫy “thổi giá”.
-
Hé lộ phân khúc đất nền đang có mức tăng giá tới 40%
Trong quý đầu năm, phân khúc thấp đất, đất nền có tổng lượng giao dịch lên tới 2.500 giao dịch, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2023. Giá đất nền được cho là đã đi vào ổn định, không còn dấu hiệu giảm. Có phân khúc ghi nhận mức tăng giá lên tới 40%....
-
Quốc hội đề nghị Chính phủ can thiệp khi thị trường bất động sản “sốt ảo”
Khi Luật Đất đai và Nhà ở có hiệu lực từ 2025, Chính phủ cần giải pháp điều tiết giá bất động sản do chi phí làm dự án tăng.
-
Cái kết đắng của kẻ mộng mơ lướt sóng bất động sản
Trong cơn sốt nóng của thị trường nhà đất, chỉ một vài giao dịch lướt sóng là nhiều người đã có thể kiếm hàng trăm triệu, thậm chí là cả tỉ đồng. Có người không muốn bỏ lỡ cơ hội đã dồn toàn bộ gia sản, thậm chí vay mượn để đầu tư đất đai. Thế rồi, c...