Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi chính sách lãi suất từ ổn định và khuyến khích giảm sang thả nổi. Với chính sách này, lãi suất huy động liên tục được các ngân hàng điều chỉnh tăng, kéo theo lãi suất cho vay cũng tăng lên. Tuy nhiên, trước tình hình đó nhiều doanh nghiệp phải quay về thế “án binh bất động”.

Lãi suất tăng “hội đồng”

Mặc dù các Ngân hàng cam kết đồng thuận lãi suất huy động 12%/năm song trên thực tế, lãi suất huy động đã lập đỉnh 13,5%/năm vào chiều 19-11, chưa kể khuyến mãi. Đỉnh này được thiết lập bởi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội khi quyết định điều chỉnh lãi suất tiết kiệm bậc thang tăng lên 13,5%/năm cho các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 13 tháng. Trong khi đó, thông tin chính thức từ Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết, lãi suất cho vay sản xuất hiện nay đã lên 15-17%, còn phi sản xuất có thể 17-20%.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tuần vừa qua (từ 13/11-18/11) lãi suất huy động ít biến động so với tuần trước đó, hầu hết các NHTM niêm yết lãi suất huy động phổ biến ở mức 12%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng.

Tới thời điểm của tuần này, lãi suất huy động đã được một số ngân hàng công khai đẩy lên mức gần 14%/năm.

Tuy nhiên, theo NHNN, thực tế cho thấy vẫn còn một số NHTM thỏa thuận về trả thêm tiền mặt và lãi suất đối với những khoản tiền gửi giá trị lớn làm cho lãi suất huy động thực tế cao hơn lãi suất niêm yết. Mức lãi suất huy động thực tế này đã lên tới 14% - 15%/năm.

Lãi suất cho vay hiện cũng có mức rất cao tới 20%/năm. Cụ thể, lãi suất cho vay đối với nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, chi phí sản xuất doanh nghiệp nhỏ và vừa phổ biến ở mức 12 - 12,75%/năm; đối với các đối tượng sản xuất kinh doanh khác 13 - 17%/năm; đối với phi sản xuất 18 - 20%/năm.

Doanh nghiệp gặp khó khăn khi lãi suất vay liên tục tăng. Nguồn: internet

Doanh nghiệp “thập thò” lo lãi suất

Việc thả nổi lãi suất của NHNN đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Theo một số doanh nghiệp, mức lãi suất 15-16%/năm đã là quá sức chịu của doanh nghiệp, nhưng đến nay mức lãi suất cho vay đã lên tới 20%/năm thì khó có thể vay để tiếp tục đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Quyết định thả nổi lãi suất nhằm mục đích tăng giá trị tiền đồng và kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, giá trị tiền đồng sẽ khó ổn định khi USD vẫn tiếp tục tăng giá. Vì thế, giải pháp thả nổi lãi suất (từng được Chính phủ áp dụng trong năm 2002), hay trả lãi suất về cho thị trường, không đặt ra yêu cầu giảm lãi suất mà để cho ngân hàng tự quyết định mức lãi suất huy động và cho vay, được thực thi.

Xét về mặt điều hành kinh tế vĩ mô, thả nổi lãi suất là biện pháp khả dụng để ổn định tỉ giá và lạm phát, cũng như tạo cho ngân hàng chủ động trong huy động và cho vay. Thế nhưng, đối với doanh nghiệp, lực lượng đóng góp chủ lực vào tổng sản phẩm nội địa (GDP), điều này lại mang đến nỗi lo mặt bằng lãi suất sẽ tăng cao.

Điều lo ngại này rõ ràng là có cơ sở. Doanh nghiệp cho rằng, lãi vay vốn đã cao trong nhiều năm qua, bây giờ chỉ cần tăng thêm một chút cũng đủ khiến họ lao đao. Đó là chưa kể việc các ngân hàng sẽ càng siết chặt tín dụng do lo ngại khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Theo nghiên cứu của CIEM cho biết, có đến 75% tổng số doanh nghiệp vừa và nhỏ của VN phải đi vay vốn từ nguồn phi chính thức với lãi suất có thể lên tới 5%-6%/tháng để tồn tại và phát triển. Từ hạn chế vốn, doanh nghiệp càng khó tìm được mặt bằng sản xuất và rơi vào vòng luẩn quẩn. Thiếu vốn không thể thuê, mua đất làm mặt bằng sản xuất và không có đất tức là không có tài sản thế chấp để vay vốn.

Trước những sức ép này, lãi suất cho vay cũng đồng loạt đẩy lên 16%-19%/năm vào thời điểm gần Tết Nguyên đán khiến nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc lại việc đi vay và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, đầu tư năm 2011. Không ít ông chủ doanh nghiệp chọn giải pháp bảo vệ lợi nhuận thay vì mở rộng quy mô.

Theo phòng phân tích Cafeland, lãi suất tăng cao không chỉ tác động trực tiếp đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến nhiều thị trường quan trọng khác. Lãi suất thường biến động ngược chiều với thị trường chứng khoán, lãi suất tăng khiến cho giao dịch chứng khoán ảm đạm, lợi nhuận từ môi giới giảm mạnh.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng có nguy cơ tiếp tục chìm sâu khi nguồn vốn quan trọng nhất là tín dụng từ các ngân hàng bị giảm và thắt chặt. Mặc khác, với mức lãi suất quá cao nhiều doanh nghiệp không thể chịu được phải “co cụm” sản suất lại dẫn đến giá hàng hóa bị đẩy lên cao, kéo theo lạm phát tăng lên.

Việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát là biện phát thiết thực trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, việc thả nổi này vô tình làm lãi suất tăng cao khó kiểm soát. Đồng thời đã đẩy lạm phát đi ngược hướng khi mong muốn kiềm chế nó.

Thảo Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland