'Ngừng quan tâm' do 'bế tắc'
Thông tin từ trang mạng Ấn Độ Businessworld.in về việc: "do sự chậm trễ trong phê duyệt và môi trường kinh doanh còn nhiều thách thức, nên Tata Steel đã quyết định rút khỏi hoàn toàn dự án thép trị giá 5 tỉ đô la Mỹ tại Việt Nam sau năm năm chờ đợi. Đây là một thông tin không thực sự mới những đã gây chấn động giới đầu tư Việt Nam trong mất ngày qua.
Trao đổi về việc này, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban quản lý các Dự án Hà Tĩnh cho biết, việc Tata Steel đã chính thức thông báo với Chính phủ rằng sẽ ngừng sự quan tâm tới dự án và xin rút đơn xin cấp phép đầu tư đã diễn ra từ tháng 5/2013
Tata steel đã chính thức thông báo "dừng quan tâm" và rút đơn từ tháng 5/2013.
Trước đó, năm 2007, Tata Steel và Tổng Cty thép Việt Nam đã ký bản ghi nhớ để nghiên cứu, thiết kế và phát triển một dự án thép liên hợp công suất 4,5 triệu tấn/năm tại Hà Tĩnh. Dự án dựa trên nguyên liệu là quặng từ mỏ sắt Thạch Khê.
Văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng, đề nghị Tata steel bỏ tiền để GPMB.
Trong thông báo với Chính phủ Việt Nam, TaTa đề cập: "Tuy nhiên đến nay chúng tôi chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư và cổ phần trong mỏ sắt Thạch Khê. Các vấn đề như nguồn vốn cho việc GPMB đang gây ra thách thức đáng kể cho Chính phủ VN. Là nhà đầu tư, chúng tôi đã cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề bằng cam kết một khoản toán ứng trước. Tuy nhiên, mặc dù có sự cố gắng từ 2 phía nhưng dự án vẫn bế tắc trong vài năm gần đây".
Theo ông Tuấn, bản chất của sự kiện này chỉ là việc Tata steel rút lại tờ đơn đã nộp, còn Tata chưa đầu tư một đồng nào, chưa cấp chứng nhận đầu tư nên không thể nói "rút khỏi DA 5 tỷ đô".
Thông báo của Tata steel gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 23/5/2013.
Để cấp giấy chứng nhận đầu tư phải có sự tham gia góp ý kiến, thẩm định của 13 bộ ngành. Sau đó Hà Tĩnh mới tập hợp để trình Thủ tướng, đồng ý thì mới cấp chứng nhận đầu tư. Ở DA này, mới chỉ dừng lại ở tờ đơn xin đầu tư, ngoài ra chưa triển khai đầu tư.
"Trong quá trình làm việc, phía Tata đề nghị Chính phủ VN GPMB trên diện tích trên 700ha. Tuy nhiên số tiền GPMB quá lớn (5000 tỷ), VN đã thông báo đề nghị Tata ứng tiền để GPMB, tuy nhiên phía Tata chỉ cam kết ứng 600 tỷ. Và sau đó chính phủ ta đã trả lời là không đủ nguồn lực để GPMB sạch 700ha được", ông Tuấn thông tin.
Vị trưởng ban nói thêm, phía Tata còn yêu cầu Chính phủ VN làm đê chắn sóng biển cho DA của họ. Tuy nhiên để đầu tư tuyến đê này mất cả tỷ USD và Việt Nam cũng đã trả lời là không thể.
"Có hai vấn đề thiết yếu của DA này là nguồn điện cho DA hoạt động và hệ thống cảng biển, nhưng quá trình bàn bạc, không thấy Tata quan tâm tới", ông Tuấn nói.
"Nguồn nguyên liệu không khả thi, tiến độ quá chậm"
Tại văn bản số 141 ngày 25/5/2010 thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án Tata steel có nêu: Tập đoàn Tata steel phải chịu kinh phí bồi thường tái định cư, GPMB cho diện tích dự án. Đồng thời phải có phương án giao thông và cảng chuyên dùng cho DA nhà máy thép liên hợp Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, việc đầu tư đã không được thực hiện.
Đáng chú ý, theo hồ sơ của Tata steel, DA này sẽ thực hiện trên cơ sở nguồn quặng từ mỏ sắt Thạch Khê, tuy nhiên, phương án nguồn nguyên liệu "trông chờ" này đã bị đánh giá là "không khả thi".
Tại bản báo cáo của UBND Hà Tĩnh ngày 13/9/2011 có đề cập đến vấn đề nguồn nguyên liệu: Theo đánh giá của các bộ, trữ lượng quặng mỏ sắt Thạch Khê chỉ đủ cung cấp cho 01 dự án có công suất 4,5 - 5 triệu tấn/năm. Trong khi ngoài Tata (4,6 triệu tấn) thì DA của Tập đoàn than khoáng sản (4 triệu tấn) cũng sử dụng 100% nguyên liệu từ đây. Việc này là không khả thi.
"Nguồn nguyên liệu của Tata steel là chưa rõ ràng. Trong khi đó tại văn bản số 1708 ngày 19/3/2009 của Văn phòng Chính phủ đã nêu rõ, chỉ xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án sản xuất thép đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu quặng sắt", bản báo cáo có nêu.
Về tiến độ, bản báo cáo năm 2011 của Hà Tĩnh có nêu, theo hồ sơ DA, trong vòng 3 năm sẽ đầu tư dây chuyền cán nguội 200.000 tấn/năm; sau 4,5 năm sẽ đầu tư xong giai đoạn 1 (2,4 triệu tấn/năm); sau 8,5 năm sẽ đầu tư xong giai đoạn 2 (3,6 triệu tấn/năm); sau 10,5 năm mới hoàn thành nhà máy công suất 4,6 triệu tấn/năm.
"Như vậy, tiến độ DA là quá chậm, gây lãng phí diện tích đất của DA và không phù hợp với tiến độ khai thác mỏ sắt Thạch Khê (nếu sử dụng)", bản báo cáo nêu.