“Tôi tin sau khi tăng tỷ giá các dòng vốn mới đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý 1/2011 sẽ tăng mạnh hơn so với cùng kỳ 2010". - Ông Lê Anh Thi, P.TGĐ Cty Chứng khoán Âu Việt - AVS.

Việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ tác động thế nào tới thị trường chứng khoán là nội dung chính của cuộc trao đổi giữa NDHMoney với ông Lê Anh Thi, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Âu Việt - AVS.

Thưa ông, việc điều chỉnh tỷ giá sáng nay khá cao, nhưng tại sao thị trường chứng khoán lại có phản ứng thận trọng như vậy?

alt
Ông Lê Anh Thi: "Hành động bán tháo đã không xảy ra vì tâm lý nhà đầu tư đã được chuẩn bị từ trước."
Ông Lê Anh Thi: Với diễn biến căng thẳng trên thị trường ngoại tệ trong mấy tháng vừa qua, nhiều phân tích đã đoán trước được động thái sẽ điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà Nước (NHNN). Một số chuyên gia cũng đã đưa ra những bài phân tích sâu về ưu/nhược điểm của việc phá giá tại thời điểm này. Tâm lý nhà đầu tư (NĐT) cũng đã tỏ ra khá dè dặt thể hiện qua những phiên giao dịch cầm chừng với thanh khoản thấp.

Tin điều chỉnh tỷ giá chính thức được đưa ra trong sáng sớm ngày 11/2, hành động bán tháo đã không xảy ra vì tâm lý nhà đầu tư đã được chuẩn bị từ trước, thông tin gần như đã được phản ánh vào giá cổ phiếu trong thời gian trước và sau Tết Âm lịch. Một bộ phận NĐT e ngại về việc CPI sẽ bị ảnh hưởng mạnh dưới tác động của điều chỉnh tỷ giá. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, chắc chắn Chính phủ đã tính kỹ đến việc này và đã có phương án kiềm chế lạm phát trong thời gian tới.

Ngoài ra, xét về tương quan cung - cầu trong những phiên điều chỉnh giảm, ngay cả phiên ngày 11/2 cũng cho thấy khối lượng đặt mua vẫn cao hơn khối lượng đặt bán và trung bình lệnh mua lớn hơn trung bình lệnh bán. Điều này cho thấy khả năng đã diễn ra kịch bản dòng tiền của nhóm nhà đầu tư lớn vẫn bền bỉ mua vào bất chấp xu hướng bán ra của nhóm nhà đầu tư vừa và nhỏ.

Điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ gây bất lợi cho ngành nào và ngành nào sẽ được hưởng lợi, thưa ông?

Ông Lê Anh Thi: Một số ngành được hưởng lợi khi điều chỉnh tỷ giá là những ngành xuất khẩu, có doanh thu bằng USD, ví dụ như những ngành cao su, thủy sản, nông sản, dầu khí... Ngược lại, những ngành sản xuất phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hoặc vay nợ bằng ngoại tệ nhiều sẽ bị thu hẹp lợi nhuận do phải trích lập dự phòng rủi ro tăng tỷ giá nhiều hơn.

Tuy nhiên, thông tin lợi nhuận bị ảnh hưởng cũng phải đến khi có kết quả lợi nhuận quý 1/2011, trong khi trước mắt tỷ giá sẽ có tác động tâm lý về chính sách tiền tệ với nhà đầu tư nhiều hơn.

Như chúng ta được biết, khi điều chỉnh giảm giá trị đồng nội tệ thì tài sản của nhà đầu tư nước ngoài mất đi tương ứng với % giảm đó, nhưng trong bối cảnh hiện nay, hành động bán tháo cổ phiếu của khối ngoại liệu có xảy ra?

Ông Lê Anh Thi: Đúng là việc điều chỉnh tỷ giá làm cho NAV các quỹ đầu tư nước ngoài bị giảm tương ứng, nhưng nếu theo dõi động thái mua-bán của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) thì thấy rằng, họ vẫn theo đuổi chiến lược mua ròng, tức là còn nhiều lượng tiền chờ giải ngân (dường như chủ yếu của ETFs).

Lượng tiền giải ngân này sẽ được lợi khi điều chỉnh tỷ giá, vì chuyển đổi sẽ thu được nhiều VNĐ hơn. NĐTNN là những người có cái nhìn dài hạn, họ chắc chắn cũng biết được xu hướng điều chỉnh tỷ giá của Việt Nam. Điều này sẽ gây thiệt hại trong ngắn hạn khoảng 6%-8% cho danh mục đã đầu tư của họ. Nhưng bù lại, họ đã có một khoảng thời gian khá thoải mái mua gom các cổ phiếu blue-chip thương hiệu tốt với giá rẻ.

So với các nước trong khu vực, P/E của thị trường Việt Nam vẫn đang ở mức khá hấp dẫn. Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước có nền kinh tế - chính trị khá ổn định. Những bất cập của chính sách vĩ mô như lạm phát, lãi suất... hiện nay đối với họ có thể chỉ trong ngắn hạn, còn trong dài hạn, họ tin tưởng vào những biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ Việt Nam.

Với việc điều chỉnh tỷ giá lần này, tôi cho rằng đây sẽ là thông tin tích cực cho khối ngoại. Việc điều chỉnh tỷ giá sẽ chấm dứt hiện tượng đầu cơ, găm giữ USD, đồng thời giúp thu hẹp chênh lệch giữa thị trường tự do và niêm yết chính thức tại các ngân hàng. Dự báo dòng tiền của khối NĐTNN sẽ tiếp tục giải ngân vào thị trường mạnh hơn.


Nhiều nhà đầu tư đã đoán biết trước việc tăng tỷ giá. Ảnh: VTC

Với mặt bằng tỷ giá mới, nếu nhà đầu tư nước ngoài rút vốn sẽ gây thiệt hại nặng, nhưng với nhà đầu tư mới, vẫn nắm giữ ngoại tệ thì lại có lợi. Ông có bình luận gì về những dòng vốn mới đổ vào thị trường Việt Nam sau lần điều chỉnh tỷ giá này?


Ông Lê Anh Thi: Theo tôi, việc điều chỉnh tỷ giá lần này đối với nhà đầu tư nước ngoài là không quá bất ngờ và gần như đã được dự báo trước, do đó việc bán ra để rút vốn là khó xảy ra.

Trong thời gian gần đây, tỷ giá chính thức vẫn chênh lệch với thị trường tự do từ 7%-9% nên một số nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa vội chuyển từ USD sang VND nên họ vẫn đang chờ đợi thông tin chính thức từ việc tăng tỷ giá.

Do đó với việc điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND lên sát với tỷ giá đang giao dịch trên thị trường tự do có thể sẽ giúp dòng vốn đầu tư gián tiếp đổ mạnh hơn vào thị trường Việt Nam. Trước hết là nhà đầu tư nước ngoài chuyển đổi theo tỷ giá mới sẽ không bị lỗ do tỉ giá chính thức của NHNN đã gần bằng tỷ giá của thị trường tự do.

Vì vậy, tôi tin tưởng với việc tăng tỷ giá lần này thì các dòng vốn mới đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý I năm 2011 sẽ tăng mạnh hơn so với cùng kỳ năm 2010.

Thống kê từ đầu năm 2011 đến ngày 8/2, nhà đầu tư nước ngoài bơm ròng hơn 60 triệu USD vào Việt Nam, trong khi nhiều thị trường mới nổi trong khu vực như Thái Lan, Philippines..., dòng tiền bị rút mạnh. Theo ông, điều gì khiến nhà đầu tư nước ngoài vẫn rót tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam?

Ông Lê Anh Thi: Trong khi năm 2010 các thị trường trong khu vực đều tăng trưởng khá ấn tượng Indonesia (tăng 45%), Thái Lan (40%), Philippines (38%). Thì thị trường chứng khoán Việt Nam hầu như đi ngang trong cả năm 2010, mặc dù về tốc độ tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị Việt Nam vẫn đang được đánh giá dẫn đầu so với các nước trong khu vực.

Do đó, việc các dòng tiền nóng từ các thị trường đã tăng mạnh trong năm 2010 để chuyển sang thị trường chưa tăng cũng là đều không khó hiểu. Hơn nữa, ngoại trừ một số cổ phiếu như BVH, MSN, VIC thì phần lớn các cổ phiếu còn lại trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang được định giá ở mức hấp dẫn với mức P/E dao động trung bình từ 7-8 lần.

Ngoài ra, mức lãi suất huy động USD tại thị trường Việt Nam lên đến 6% cao hơn rất nhiều tại các nước đang phát triển, là một yếu tố hấp dẫn FII đầu tư trái phiếu, cho vay.
Cafeland.vn - Theo NDH Money
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland