12/12/2016 10:58 AM
Những thương vụ nhà đầu tư nước ngoài mua lại ngân hàng yếu kém trong nước sẽ mở màn cho làn sóng tái cơ cấu ngân hàng quyết liệt hơn trong giai đoạn hai.
Ngân hàng nào trong tầm ngắm của ADB?
Tại Diễn đàn phát triển Việt Nam năm 2016 (VDF 2016) vừa diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam đang có kế hoạch xử lý mua lại một ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam (bị mua lại với giá 0 đồng) và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém.
Lâu nay, ADB thường hỗ trợ các quốc gia trong xử lý nợ xấu, ít khi tham gia mua lại một ngân hàng thương mại để điều hành trực tiếp. Nhiều khả năng, lần này, ADB cũng chỉ tham gia thu xếp vốn và kết nối cho một hoặc một số nhà đầu tư mua lại cổ phần ngân hàng yếu kém của Việt Nam - một hình thức hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Vậy trong số các ngân hàng yếu kém, được mua lại với giá 0 đồng, đâu là ngân hàng đang được ADB và “nhà đầu tư khác” quan tâm? Danh tính của ngân hàng này chưa được tiết lộ, song theo một chuyên gia kinh tế, trong số 3 ngân hàng 0 đồng, Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OCeanBank) là hấp dẫn nhất.
“Theo tôi biết, thời điểm bị mua lại 0 đồng, OceanBank lỗ hơn 11.000 tỷ đồng, nay đã khắc phục được khoảng 6.000 tỷ đồng, còn lại vẫn lỗ hơn 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tôi, sẽ có rất nhiều nhà đầu tư muốn mua lại OceanBank, bởi đây là ngân hàng có mạng lưới, tài sản và nhân sự khá ổn. Dĩ nhiên, chúng ta không thể kỳ vọng nhà đầu tư sẽ bỏ ra hơn 5.000 tỷ đồng bù đắp tổn thất còn lại để “rước” OceanBank mà phải chấp nhận bán lỗ”, chuyên gia này nhận định.
Cho đến nay, đã có 3 ngân hàng bị NHNN mua lại với giá 0 đồng, bao gồm: VNCB, GP.Bank và OceanBank. Thời điểm bị mua lại 0 đồng, các ngân hàng này lỗ nặng, âm vốn chủ sở hữu từ gần chục ngàn tỷ đồng (GP.Bank) đến 24.000 tỷ đồng (VNCB). Sau khi được NHNN mua lại 0 đồng và hỗ trợ tái cơ cấu, các ngân hàng này đã khắc phục được một phần tổn thất, song vẫn còn rất nhiều khó khăn, yếu kém.
Mong giá hời, đợi nới room
Việc mời các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là một trong những giải pháp được Chính phủ và NHNN đề ra từ lâu. Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng lần nữa nhấn mạnh: “Tôi mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các ngân hàng trong nước”.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, dù các ngân hàng nước ngoài đã có thể thâm nhập thị trường Việt dễ dàng hơn, song để có một mạng lưới sâu rộng như ngân hàng trong nước là rất khó. Vì vậy, nếu phải bỏ ra 3.000 - 5.000 tỷ đồng để mua lại một ngân hàng trong nước, họ vẫn sẵn sàng. Sở dĩ chưa thương vụ nào thành công là giá quá cao và cổ phần hạn chế.
Phát biểu tại VBF 2016, Nhóm công tác ngân hàng lại vừa tiếp tục kiến nghị Việt Nam tăng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 35% với ngân hàng cổ phần trong nước, riêng ngân hàng 0 đồng là 100%. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặc biệt quan tâm tới ngân hàng trong nước, với điều kiện nới room.
Một rào cản nữa khiến nhà đầu tư ngoại e ngại mua ngân hàng yếu của Việt Nam là các khoản nợ xấu không minh bạch, tài sản đảm bảo khó xử lý, nhiều khoản nợ xấu bị mắc kẹt trong các vụ án điều tra. Giới chuyên gia cho rằng, nếu tách riêng tài sản tốt, tài sản xấu ra khỏi ngân hàng yếu, chắc chắn sẽ có rất nhiều nhà đầu tư muốn mua lại ngân hàng trong nước. Đây cũng là giải pháp nhiều nước đã thực thi.
“Trong quá trình tái cơ cấu, các nước thường tách riêng tài sản xấu, tài sản chưa tốt của các ngân hàng để dễ quản lý và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tôi tin rằng, đây cũng là xu hướng của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong tương lai”, ông Daniel Wu, Chủ tịch ABA, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành CTBC Financial Holding Co., (Đài Loan) chia sẻ với Báo Đầu tư.
Cũng theo ông Wu, nếu Việt Nam cho phép tách những tài sản xấu ra khỏi ngân hàng, việc vời vốn ngoại để tái cơ cấu không phải là chuyện khó khăn.
Thùy Liên (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.