Thời gian gần đây, tại huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi rộ lên tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp. Một số cá nhân tìm mua đất nông nghiệp với giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng/m2, cao gấp vài chục lần so với giá đất nông nghiệp giao cho nông dân sản xuất. Nhiều người dân thấy lợi trước mắt đã bán đất sản xuất.
Đầu tháng 8 vừa rồi, bà Trần Thị Hòa ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã chuyển nhượng thửa đất nông nghiệp 700m2 cho một người dân điạ phương với giá hơn 1,4 tỷ đồng.
Một số diện tích đất trồng hành tỏi cũng được người dân tự thỏa thuận mua bán.
Bà Hòa cũng không rõ người mua đất sử dụng vào mục đích gì. Theo bà Hòa cho biết: "Đất này tôi dùng để trồng hành, trồng tỏi nhưng không được giá lắm, cho họ thuê thì không được bao nhiêu. Tôi thấy người ta mua giá cao thì bán".
Việc tăng giá đất nông nghiệp bất thường tại Lý Sơn do nhu cầu phát triển các loại hình dịch vụ như: kinh doanh homestay, nhà hàng, khách sạn ở Lý Sơn ngày càng lớn. Gần đây, rộ lên thông tin sẽ có nhiều dự án lớn đầu tư vào Lý Sơn. Theo đó, nhiều tổ chức, cá nhân đổ về đây để gom mua đất nông nghiệp.
Ông Trần Hòe ở xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho biết, thấy giá đất nông nghiệp tăng cao, nhiều gia đình bán hết đất sản xuất, gia đình ông vừa rồi bán 900 m được vài tỷ đồng, còn lại 1 sào để dành làm ăn.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hầu hết các trường hợp chuyển nhượng đất nông nghiệp của người dân đều không qua chính quyền mà tự thỏa thuận giao dịch qua các Văn phòng công chứng khiến công tác quản lý đất đai của huyện gặp khó khăn.
Hiện nay, giá đất nông nghiệp ở Lý Sơn rao bán ở mức cao nên khi áp giá đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án cũng gặp nhiều trở ngại. Theo qui định, giá mỗi m2 đất nông nghiệp Nhà nước bồi thường khoảng 60.000 đồng nhưng người dân yêu cầu phải bồi thường 1 triệu đồng. UBND huyện đã có văn bản yêu cầu chính quyền các xã quản lý chặt chẽ quỹ đất nông nghiệp.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, việc người dân ồ ạt bán đất nông nghiệp dẫn đến không còn đất sản xuất, cuộc sống sẽ khó khăn hơn, người mua cũng gặp nhiều rủi ro.
"Trong việc chuyển nhượng đất nông nghiệp là phải giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không để tổ chức, cá nhân lợi dụng việc chuyển đổi đất nông nghiệp. Sau này, chuyển mục đích khác không đúng với qui định, không đúng với qui hoạch của huyện" - bà Hương chia sẻ./.