11/03/2024 5:59 PM
Với việc Hòa Phát mới chỉ giải ngân 1/3 vốn đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 và phải mất thêm thời gian để xử lý các vấn đề pháp lý sẽ khiến tiến độ dự án này chậm so với kế hoạch khoảng 1 năm, dự kiến đi vào sản xuất từ cuối 2026.

Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 được chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 18/6/2021 với tổng diện tích 279 ha tại Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Được biết, dự án này do Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) làm chủ đầu tư với tổng vốn khoảng 85.000 tỷ đồng, được thực hiện bằng vốn tự có kết hợp với vay ngân hàng.

Hiện tại, khoản tiền mà Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đổ vào dự án Dung Quất 2 tại tỉnh Quảng Ngãi không hề nhỏ.

Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán Tiên Phong (TPS), đơn vị này cho biết tại thời điểm cuối quý 4/2023, Hòa Phát ghi nhận ghi nhận mức tăng xây dựng cơ bản dở dang lên hơn 16.400 tỷ đồng cho dự án Dung Quất 2.

Theo kế hoạch, dự án Dung Quất 2 sẽ hoàn thành vào quý 1/2025 với công suất 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1. Tổng công suất thiết kế của dự án này là 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC và 1 triệu tấn thép đặc biệt.

Dự án Hòa Phát Dung Quất 2 có thể bị chậm tiến độ so với kế hoạch khoảng 1 năm, dự kiến vận hành vào cuối năm 2026

TPS cho biết, với các dự án trước của Hòa Phát như Khu liên hợp gang thép Hải Dương hay Khu liên hợp gang thép Dung Quất 1, nhà sản xuất này thường phải xử lý các vấn đề về pháp lý khiến việc hoàn thành các dự án trễ từ 1 đến 1,5 năm. Ngoài ra, Hoà Phát chỉ mới giải ngân khoảng 1/3 vốn đầu tư dự án là 55.000 tỷ đồng.

Dựa trên tiến độ giải ngân đến cuối quý 4/2023, TPS cho rằng dự án Dung Quất 2 sẽ chậm tiến độ so với kế hoạch khoảng 1 năm và đến cuối năm 2026 mới đưa vào vận hành.

Cũng theo TPS, nhà sản xuất thép này vẫn giữ mức tiền mặt tương đối lớn và ổn định từ hoạt động kinh doanh buôn bán thép và nông nghiệp, ghi nhận vào cuối quý 4/2023 là 15.283 tỷ đồng, chiếm 7,4% tổng tài sản của doanh nghiệp.

“Dựa vào các dự báo, nợ vay dài hạn và ngắn hạn của Hòa Phát từ năm 2024 trở đi được dự kiến sẽ tăng lên. Mục tiêu chính của việc tăng vay nợ này là để đầu tư cho dự án Dung Quất 2. Cụ thể hơn, nợ vay dài hạn được dự báo sẽ tăng từ 10.399 tỷ đồng lên hơn 20.000 tỷ đồng”, TPS cho biết.

Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo Hòa Phát, khi dự án Dung Quất 2 hoàn thành, quy mô doanh thu của tập đoàn sẽ tăng thêm 80.000-100.000 tỷ đồng mỗi năm so với hiện nay. Bên cạnh đó, dự án sẽ tạo thêm việc làm cho trên 8.000 lao động, thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp cơ khí, phụ trợ của Việt Nam.

Hiện tại, doanh nghiệp này đang có tổng cộng 7 lò cao luyện thép, gồm 4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương với công suất sản xuất thép thô đạt 8,5 triệu tấn/năm.

Ngành thép chờ cú hích từ đầu tư công

Năm 2023 vừa qua, Hòa Phát ghi nhận tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 120.000 tỷ đồng và 6.800 tỷ đồng, giảm tương ứng 16% và 19% so với năm trước. Trong đó, thép vẫn tiếp tục là trụ cột chính khi đóng góp lần lượt 94% và 92% cho tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế.

Ngành thép chờ cú hích từ đầu tư công

Đánh giá về triển vọng của Hòa Phát trong năm 2024, TPS cho rằng, thị trường thép trong năm nay có thể phục hồi nhờ đầu tư công và giá nguyên liệu đầu vào giảm.

Theo đó, năm 2024, dự kiến vốn đầu tư khu vực nhà nước đạt 657.000 tỷ đồng với mục tiêu giải ngân 95%. “Đây là cơ hội lớn để Hòa Phát đẩy mạnh tiêu thụ thép và giúp tăng công suất hồi phục về mức 88-92%”, TPS đánh giá.

Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng của thép trong các dự án cao tốc tương đối thấp, do đó ngành này vẫn phải trông cậy vào nhu cầu từ thị trường bất động sản và xây dựng dân dụng, công nghiệp.

Bên cạnh đầu tư công, việc giá nguyên liệu đầu vào được dự báo tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới cũng là yếu tố giúp các doanh nghiệp ngành thép tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận.

Cụ thể, giá quặng sắt dự kiến giảm từ hơn 90 USD/tấn hiện tại xuống 84 USD/tấn vào năm 2026 (theo Goldman Sachs); giá than luyện kim cũng giảm từ 230 USD/tấn vào cuối 2023 xuống 200 USD/tấn vào năm 2024.

Theo Hiệp hội Thép thế giới, năm nay, nhu cầu thép thế giới dự kiến sẽ tăng 1,9% so với 1,8% năm 2023. Trong đó, nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ tăng 2,8% trong năm 2024, sau khi đã giảm 1,8% trong năm 2023. Cụ thể, nhu cầu tại thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt tăng 5,8% và 1,6%.

Dựa trên kỳ vọng GDP của Việt Nam năm nay tăng trưởng 6-6,5% và nhiều điểm sáng tích cực của nền kinh tế, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo tiêu thụ thép năm nay sẽ tăng 6,4% lên gần 21,6 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm sẽ đạt 13 triệu tấn, tăng 12% so với năm 2023.

VSA cũng dự báo ngành sản xuất thép trong năm nay có thể tăng trưởng 10% giúp các doanh nghiệp phục hồi lợi nhuận.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.