31/05/2022 8:54 AM
Động thái siết van tín dụng vào bất động sản đang khiến cho nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lẫn người mua với nhu cầu thực cảm thẩy khó khăn. Nhiều lo ngại cho rằng, nếu tình trạng này kéo dài không chỉ thị trường nhà đất sẽ có “vấn đề” mà còn tạo hiệu ứng domino tiêu cực đến nhiều lĩnh vực khác.

Ai cũng than

Kế hoạch mua nhà của anh Hùng (Gò Vấp, TP.HCM) đành phải gác lại sau khi nhiều ngân hàng tạm thời từ chối cho vay.

Anh Hùng cho biết, để đảm bảo an toàn, anh đã chuẩn bị được 50% giá trị căn hộ, chỉ vay khoảng 50%. Với tỉ lệ “đẹp” như vậy, anh Hùng nghĩ chắc chắn sẽ được ngân hàng gật đầu. Tuy nhiên, khi đi hỏi nhiều ngân hàng, họ bảo anh phải chờ vì hết “room”.

“Không biết chờ đến khi nào, trong khi giá căn hộ thì ngày mỗi tăng”, anh Hùng lo lắng.

Thuỳ Linh, một môi giới bất động sản tại TP. Thủ Đức than thở, kể từ khi ngân hàng có động thái “siết” van tín dụng công việc của cô bị ảnh hưởng rất nhiều. Khách hàng của Linh có cả những người mua đầu tư và mua ở thực đều phải dựa vào vốn vay của ngân hàng.

“Người mua nhà ở thực dù đủ điều kiện vẫn không vay được. Còn nhà đầu tư cũng thấp thỏm ngóng chờ động thái tiếp theo của nhà băng”, Linh nói.

Theo anh Tuấn, một nhà đầu tư bất động sản lâu năm, thị trường bất động sản đang đứng lại trong khoảng thời gian gần đây.

Anh Tuấn cho biết, gần như 100% nhà đầu tư bất động sản đều sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư. Để tối ưu lợi nhuận thông thường tỉ lệ vốn bỏ ra khoảng 30%, còn lại sẽ vay ngân hàng. Thậm chí, nhiều người đầu tư gần như chỉ bằng nguồn vốn vay. Do đó, khi không còn được vay ngân hàng nữa thì nhà đầu tư cũng “bó tay”.

Theo anh Tuấn, hiện nay nguồn cung trên thị trường đang rất ít, giá bán bất động sản tăng cao. Việc siết van tín dụng càng khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khi thiếu nguồn vốn triển khai dự án hoặc mua quỹ đất cho các dự án mới.

Trong khi, người mua ở thật không thể với tới mức giá nhà hiện nay, nhà đầu tư rút vì không còn đòn bẩy. Kịch bản giá bất động sản tăng cao nhưng không có thanh khoản đang diễn ra.

Tránh gây đổ vỡ thị trường

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holding cho rằng, dòng vốn ngân hàng như mạch máu của thị trường bất động sản. Ngay sau khi có thông tin siết van tín dụng thị trường ngay lập tức bị ảnh hưởng. Cụ thể, hiện nay là nhiều khu vực thị trường đứng yên, không có giao dịch.

Theo ông Hậu, bất động sản là lĩnh vực có đóng góp nhiều cho nền kinh tế và kéo theo sự liên quan của nhiều ngành nghề. Do đó, nếu không có sự điều chỉnh hợp lý thì nguy cơ xảy ra hiệu ứng domino tiêu cực cho nền kinh tế.

Tổng giám đốc Asian Holding cho rằng, không nên “siết” mà thay vào đó là “nắn” cho dòng tiền chảy vào bất động sản một cách có chọn lọc và theo từng bước chứ không nên đột ngột.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, việc ngân hàng siết cho vay bất động sản là một trong những giải pháp để kiểm soát thị trường bất động sản theo hướng lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, nếu siết tín dụng không chọn lọc sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.

Theo ông Võ, với những dự án không đảm bảo an toàn thì siết tín dụng. Ngược lại những chủ đầu tư uy tín, những dự án có khả năng hoàn thành trong thời gian ngắn và đảm bảo 100% khả năng cung cấp cho nguồn cung mới cho thị trường thì cho vay để tăng cung.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, kiến nghị thay vì siết tín dụng vào bất động sản, nên có chính sách kiểm soát tốt với những dự án "có vấn đề", ví dụ dự án đầu cơ, tích trữ, mua gom đất, thổi giá... Còn những dự án tốt nên được thúc đẩy, khuyến khích để vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn và vừa giúp thị trường có thêm nguồn cung tốt.

  • Ngân hàng siết van tín dụng vào bất động sản

    Ngân hàng siết van tín dụng vào bất động sản

    Một số ngân hàng đã tạm dừng giải ngân các khoản vay bất động sản, kể cả những người vay mua nhà để ở. Các chuyên gia đánh giá việc siết tín dụng có thể làm giảm nhiệt thị trường và các nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính lớn sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.