Các quốc gia trong khu vực đang dành sự quan tâm lớn cho các công nghệ phát triển nhà ở bền vững với chi phí thấp trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp hiện nay.

Thiếu trầm trọng nhà ở giá rẻ

Theo Liên Hợp Quốc, hơn một tỷ người sống trong các khu ổ chuột đô thị vào năm 2020. Sự hình thành khu ổ chuột ở các khu vực đang phát triển bắt nguồn từ việc thiếu nhà ở giá rẻ cho những hộ gia đình có thu nhập thấp, thiếu nguồn tài chính cho thị trường nhà ở, tốc độ đô thị hóa nhanh, tình trạng nghèo đói, cùng nhiều lý do khác. Đến năm 2030, Liên Hợp Quốc ước tính cần nhà ở giá cả phải chăng cho 3 tỷ người trên thế giới.

“Tình trạng thâm hụt nhà ở đang gia tăng trên toàn thế giới cũng như trong khu vực của chúng ta”, ông Luis Noda, Phó chủ tịch phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APAC) của tổ chức Habitat for Humanity, cho biết trong một hội nghị tổ chức vào tháng 01/2023.

Theo ông Noda, người dân sống tại APAC có nguy cơ chịu tác động từ thảm họa thiên nhiên cao gấp đôi so với các khu vực khác. Đặc biệt, những gia đình sống trong các căn nhà ở điều kiện dưới mức trung bình sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ông Noda cũng lưu ý rằng ở một số quốc gia, đối tượng dễ bị tổn thương về nhà ở hoặc trở thành vô gia cư là phụ nữ từ 50 tuổi trở lên.

“Các gia đình yếu thế không đủ điều kiện về tài chính để vay thế chấp mua nhà. Họ cũng không có đủ tiền để mua vật liệu xây dựng bền vững và chất lượng cao”, ông nói thêm.

Mason Tan, đại diện tổ chức Providentia Wealth, cũng chỉ ra rằng các nhà phát triển tại Đông Nam Á chủ yếu xây nhà cho tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở các thành phố đô thị chứ không phải nhà cho người nghèo. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm tính cấp thiết của vấn đề nhà ở xã hội tại châu Á.

“Việc thiếu một nơi gọi là nhà đúng nghĩa sẽ ảnh hưởng đến mọi thành viên trong gia đình, không chỉ về thể chất mà còn về tình cảm và tinh thần”, ông Tan nói.

Hàng loạt giải pháp đến từ công nghệ

Một số công ty khởi nghiệp tại Đông Nam Á đã phát triển các sáng kiến khác nhau để giải quyết nhu cầu về nhà ở giá rẻ cho người dân. Những công nghệ này được gọi là Sheltertech.

“Sheltertech giúp mở rộng quy mô, hợp lý hóa, số hóa hoặc phá vỡ các dịch vụ nhà ở truyền thống và tạo ra tác động về mặt xã hội. Tại trung tâm của hệ sinh thái này, các công ty khởi nghiệp tận dụng các giải pháp về nhà ở để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bình đẳng”, ông Noda cho biết.

Tại Malaysia, startup mang tên Affordable Abodes đã sản xuất các tấm tường đúc sẵn bằng cây đay có sẵn ở địa phương để tạo ra một loại vật liệu nhẹ hơn, giúp quá trình xây dựng nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn.

Với tầm nhìn tạo ra những ngôi nhà có thể giải quyết biến đổi khí hậu, công ty khởi nghiệp BillionBricks có trụ sở tại Singapore đã xây dựng những ngôi nhà có mức phát thải ròng bằng 0 tại Philippines và Ấn Độ. Các ngôi nhà này sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trên mái mà không cần lắp đặt mái phụ.

“Chúng tôi giúp người dân mua nhà rẻ hơn 20% bằng cách hoàn tiền khi bán lại nguồn năng lượng không dùng đến. Họ cũng được sử dụng điện miễn phí. Đối với các nhà phát triển, họ dễ dàng đạt tiêu chuẩn ESG cho dự án. Với các đối tác năng lượng, họ được tiếp cận gần hơn với những nơi cần sử dụng điện”, Denis Lucindo, CEO của BillionBricks cho biết.

Một startup khác ở Philippines là CUBO Modular đang tìm cách giải quyết việc xây dựng nhiều ngôi nhà cùng lúc và nhanh chóng mà không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Họ phát triển các ngôi nhà mô-đun sử dụng tre kỹ thuật (một loại vật liệu tổng hợp, sử dụng các dải sợi tre dán lại với nhau để tạo thành một tấm ván). Những ngôi nhà này có thể được lắp ráp chỉ trong vài ngày.

Ngoài việc xây dựng, một số công ty về sheltertech cũng phát triển các dịch vụ mà mọi người cần để sử dụng trong nhà. Tại Campuchia, TapEffect đang giải quyết tình trạng thiếu nước sạch ở nông thôn bằng công nghệ giúp cung cấp nước máy sạch và an toàn ngay tại nhà.

Trong khi đó, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Philippines là Social Light đang giúp tăng khả năng kết nối cho các cộng đồng có thu nhập thấp bằng cách cung cấp Wi-Fi để đổi lấy rác thải nhựa.

Tại Indonesia, công ty Gradana cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng fintech tập trung vào tài chính liên quan đến bất động sản sản. Angela Oetama, đồng sáng lập của Gradana cho biết: “Chúng tôi giúp mọi người có được một nơi ở tử tế hơn, dù là mua, cải tạo hay thuê với giá cả phải chăng hơn”.

Một công ty khởi nghiệp khác cũng đang nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu nhà ở trong khu vực là My Dream Home có trụ sở tại Campuchia. Công ty này sản xuất các viên gạch lồng vào nhau từ vật liệu phế thải và đất bỏ hoang mua của người nông dân. Bằng cách này, My Dream Home giúp giảm lượng xi măng và nhân công trong quá trình xây dựng.

Tại Myanmar, công ty Pounamu đang theo đuổi các thiết kế và xây dựng bằng tre, cũng như cung cấp các dịch vụ liên quan đến trồng tre bền vững và xử lý vật liệu bằng tre.

Đồng sáng lập kiêm Giám đốc sản phẩm Hana Purnawarman của Sampangan, một công ty khởi nghiệp ở Indonesia, đang tìm cách giải quyết hai vấn đề liên quan đến nhà ở: thiếu vật liệu xây dựng giá cả phải chăng và người dân thiếu kiến thức xây dựng, dẫn đến cấu trúc nhà ở không an toàn.

Là một công ty xử lý chất thải, Sampangan tạo ra các nguyên liệu thô có thể được sử dụng để xây dựng công trình, tập trung vào than hoạt tính và chất tạo bọt bê tông nhẹ. Những sản phẩm này kết hợp với nhau có thể tạo ra vật liệu xây dựng bê tông carbon.

Lam Vy (BW)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.