Mở đầu buổi họp, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết đến ngày chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên 2024, Hòa Phát có 166.000 cổ đông, thuộc diện đông nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Ban lãnh đạo Hòa Phát cho rằng năm 2024 chưa thể tăng trưởng đột biến dù giai đoạn 2022-2023 là đáy do nền kinh tế vĩ mô vẫn đang gặp khó khăn. Lĩnh vực bất động sản đặc biệt là tại Trung Quốc vẫn chưa ấm lên. Ở Mỹ và châu Âu vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ cứng rắn do lạm phát vẫn ở mức cao.
Hòa Phát tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024
Về hoạt động kinh doanh đầu năm nay, Chủ tịch Hòa Phát cho biết sản lượng bán hàng cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, tập đoàn đã đẩy đi lượng lớn nguyên vật liệu giá cao và đưa tồn kho xuống mức thấp kỷ lục.
Quý 1/2024, Hòa Phát ước tính tổng doanh thu đạt 31.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, và lãi sau thuế 2.800 tỷ đồng, tăng hơn 7 lần.
Năm nay, doanh nghiệp của ông Trần Đình Long đặt mục tiêu doanh thu đạt 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 47% so với năm 2023.
Làm thép cho đường sắt tốc độ cao
Xung quanh câu hỏi của các cổ đông về việc vận hành dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, Chủ tịch Trần Đình Long ước tính dự án sẽ hoàn tất vào tháng 9/2026.
“Nhanh nhất vào cuối năm nay, nhà máy Dung Quất 2 đã có thể bắt đầu sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) khi hoàn thành lò cao đầu tiên, muộn nhất có thể là quý 1/2025”, ông Long thông tin.
Ước tính trong năm 2025, dự án Dung Quất 2 có thể đóng góp sản lượng hơn 2 triệu tấn HRC, cộng thêm 3 triệu tấn ở Dung Quất 1 để nâng công suất HRC lên hơn 5 triệu tấn. Chỉ tính riêng mảng thép, doanh thu của doanh nghiệp này có thể đạt khoảng 200.000 tỷ đồng.
Hiện nay, lĩnh vực thép của Hòa Phát có 2 sản phẩm chính là thép xây dựng và HRC. Trước bối cảnh nhà máy Dung Quất 2 sắp đi vào hoạt động, tập đoàn đang cố gắng mở rộng thị trường với mục tiêu có thể tiêu thụ hết lượng HRC sản xuất ở giai đoạn 1.
Đặc biệt, ông Long tiết lộ, Hòa Phát đang nghiên cứu xây dựng dây chuyền sản xuất tôn silic từ gốc, một sản phẩm khó mà chưa doanh nghiệp nào tại Việt Nam làm được.
Ngoài ra, giai đoạn 2 ở dự án Dung Quất 2 sẽ làm đường ray xe lửa nhưng không phải loại đường ray thông thường mà là đường ray cho tàu tốc độ cao. Đồng thời, bày tỏ mong muốn tham gia đấu thầu các hạng mục trong dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam nếu được.
Chủ tịch Trần Đình Long cho biết Hòa Phát sẽ làm đường ray xe lửa tốc độ cao
Đối với mảng sản phẩm truyền thống như thép xây dựng, ông thép, tôn mạ, ông Long cho biết Hòa Phát không có kế hoạch mở rộng để tập trung vào mảng thép chất lượng cao.
Hiện Hoà Phát chiếm thị phần lớn nhất với 35%. Ông Long nhận định việc kinh doanh sản phẩm này hiện vẫn đang duy trì ổn định dù vừa trải qua giai đoạn khó khăn do cuộc khủng hoảng đầu tư công.
“Chúng tôi tự tin vào quá trình mở rộng đầu tư công, đặc biệt là dự án sân bay Long Thành, cầu đường sẽ thúc đẩy việc tiêu thụ thép xây dựng”, ông Long nói.
Tạm buông dự án bô xít ở Đắk Nông
Trong chiến lược dài hạn, Hòa Phát sẽ tăng cường sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao. Sau khi xong Dung Quất 2, sản lượng thép chất lượng cao có thể đạt được công suất 11 triệu tấn/năm.
Về đề xuất nghiên cứu dự án bô xít ở Đắk Nông, Chủ tịch Hòa Phát cho biết đã có quyết định nhưng “không biết nên vui hay buồn”.
“Chúng tôi đã nghiên cứu sản xuất bô xít và nhôm tại Đắk Nông nhưng hiện nay tập đoàn phải dồn lực cho thép. Dù Hòa Phát chưa tuyên bố bỏ nghiên cứu dự án này nhưng nếu có doanh nghiệp khác ngỏ lời, sẽ nhường cơ hội cho họ”, ông Long nói.
Bởi trong khoảng 5-10 năm tới, Hòa Phát vẫn muốn dành toàn lực cho sản xuất thép trong bối cảnh thị trường này cạnh tranh vô cùng gay gắt, khó để mở rộng sản xuất cả bô xít.
Chủ tịch Trần Đình Long cũng thừa nhận, ngành thép hiện tại khốc liệt hơn ông nghĩ rất nhiều.
Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn dự kiến đầu tư 5 tỷ USD vào dự án thép tại Phú Yên - tương đương quy mô dự án Dung Quất 2.
-
Từ nay trở đi, Hòa Phát sẽ chuyển mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, đầu tư chiều sâu để sản xuất thép chế tạo, thép cho sản xuất ốc vít, tanh lốp ô tô, cáp, dự ứng lực... phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
-
Những vỏ container loại 20 feet đầu tiên được Hòa Phát tung ra thị trường sau 2 năm đầu tư sản xuất tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
-
Về tay người Thái, công ty nhựa lớn nhất miền Nam sẽ có lần thứ 2 cán mốc lợi nhuận nghìn tỷ?
Năm 2024, DSC dự phóng doanh thu của Nhựa Bình Minh đạt 5.113 tỷ đồng, lãi sau thuế ở mức 1.040 tỷ đồng, qua đó có năm thứ 2 liên tiếp đạt lợi nhuận nghìn tỷ từ khi trở thành công ty con của Nawaplastic Industries....
-
Đề án tái cơ cấu EVN đến năm 2025: Đặt mục tiêu có lãi, doanh thu tăng 7-10%
Đề án tái cơ cấu đặt mục tiêu đưa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thành tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi, với tăng trưởng doanh thu bình quân 7-10%.
-
Công ty sản xuất nhựa lớn nhất miền Nam với 4 nhà máy và hơn 1.300 lao động báo lãi tăng mạnh, có hơn 2.200 tỷ gửi ngân hàng
Trong quý 3/2024, Nhựa Bình Minh ghi nhận 1.407 tỷ đồng doanh và 290 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 52% và 39% so với cùng kỳ năm ngoái.