11/04/2024 11:14 AM
Từ nay trở đi, Hòa Phát sẽ chuyển mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, đầu tư chiều sâu để sản xuất thép chế tạo, thép cho sản xuất ốc vít, tanh lốp ô tô, cáp, dự ứng lực... phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thông điệp trên vừa được ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) gửi đến cổ đông trong báo cáo thường niên năm 2023 của doanh nghiệp này.

Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long gửi thông điệp tới cổ đông

Chủ tịch Hòa Phát đánh giá năm 2023 là một năm trầm lắng với ngành thép Việt Nam. Giá nguyên liệu tăng cao dẫn đến chi phí sản xuất tăng, trong khi nhu cầu thép sụt giảm mạnh.

Theo đó, tổng sản lượng sản xuất thép thành phẩm toàn ngành đạt 27,8 triệu tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng bán hàng đạt 26,4 triệu tấn, giảm 3,5%.

Năm vừa qua, các doanh nghiệp ngành thép suy giảm cả về doanh thu và lợi nhuận do gặp nhiều khó khăn khi giá thép thế giới lao dốc, tạo sức ép lên giá thép trong nước. Thị trường bất động sản ảm đạm từ nửa cuối năm 2022 đến nay khiến nhu cầu thép vẫn yếu, chưa được cải thiện.

Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, thời gian qua, tập đoàn ưu tiên quản trị tốt dòng tiền, hàng tồn kho, sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thị trường, bám sát tiến độ đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2.

Năm 2023, Hòa Phát ghi nhận 120.355 tỷ đồng doanh thu và 6.800 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 16% và 19% so với năm 2022. Lợi nhuận năm 2023 đạt 85% kế hoạch và giảm so với cùng kỳ 2022, chủ yếu do lĩnh vực kinh doanh thép giảm 22% lợi nhuận so với cùng kỳ.

Hiện tại, doanh nghiệp này cho rằng thời điểm khó khăn nhất đã qua và bắt đầu bước vào chu kỳ khôi phục khi lợi nhuận năm 2023 được ghi nhận cải thiện qua từng quý.

Doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát. Nguồn: Báo cáo thường niên 2023

Tính đến thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Hòa Phát đạt 187.783 tỷ đồng (tương đương 7,7 tỷ USD), tăng thêm khoảng 17.700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Trong đó, tài sản cố định chiếm tỷ trọng hơn 38%, tương ứng với giá trị 72.000 tỷ đồng và là khoản mục lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Hòa Phát. Hàng tồn kho và tài sản dở dang dài hạn là những khoản mục chiếm tỉ trọng lớn thứ 2 và thứ 3 trong cơ cấu tài sản của nhà sản xuất thép này.

So với ngày đầu năm 2023, hàng tồn kho tăng nhẹ lên 34.500 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí xây dựng dở dang tăng mạnh thêm khoảng 13.000 tỷ đồng lên hơn 26.000 tỷ đồng, chủ yếu do tập đoàn đầu tư mở rộng dự án Dung Quất giai đoạn 2.

Sẽ tập trung mạnh vào thép chất lượng cao

Ông Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát xác định cơ cấu sản phẩm của dự án Dung Quất 2 và các dự án trong tương lai sẽ hướng mạnh vào sản xuất thép cán nóng (HRC) chất lượng cao phục vụ nhu cầu các ngành cơ khí chế tạo.

Thời gian tới, tập đoàn sẽ điều tiết sản xuất theo tình hình thị trường, tập trung phát triển các loại thép chất lượng cao, nhường sân chơi cho những doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng cơ bản.

Hiện tại, doanh nghiệp này đang dẫn đầu thị phần thép xây dựng và ống thép. Tuy nhiên, ông Long khẳng định từ nay trở đi, Hòa Phát sẽ chuyển rất mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, đầu tư chiều sâu để sản xuất thép chế tạo, thép cho sản xuất ốc vít, dự ứng lực... tăng cường đầu tư và xuất khẩu các mặt hàng thép chất lượng cao.

Các sản phẩm thép chất lượng cao mà ông Long nói đến bao gồm thép HRC dùng cho sản xuất tôn mạ, vỏ container, ống thép. Ngoài ra, trong dòng sản phẩm chất lượng cao còn bao gồm các mác thép đòi hỏi kỹ thuật sản xuất khó hơn, dùng làm nguyên liệu cho sản xuất ốc vít, tanh lốp ô tô, cáp, thép dự ứng lực…

Lý giải cho việc chuyển hướng sang sản xuất thép chất lượng cao, ông Long cho biết định hướng tương lai của Hoà Phát là sẽ tập trung vào chiều sâu hơn với những loại thép khó sản xuất, đòi hỏi kỹ thuật cao với giá trị gia tăng cao hơn như ốc vít, thép đóng tàu, thép chế tạo…

“Tất nhiên, chúng tôi vẫn làm những sản phẩm cơ bản như thép xây dựng tuy nhiên sẽ không quá chú trọng đầu tư nữa”, ông Long cho biết.

Theo báo cáo đề xuất “Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Bộ Công Thương, các chủng loại thép hợp kim sử dụng trong đóng tàu, cơ khí chế tạo có nhu cầu lớn, song năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên dẫn đến tiếp tục phải nhập khẩu với số lượng lớn.

Cụ thể, tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có thể đạt tới 310 tỷ USD. Trong đó, ngành công nghiệp ô tô và cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là 2 ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Ông Long cho biết, những dòng thép kỹ thuật khó như thép cuộn làm tanh lốp ô tô, đinh vít, thép thanh vằn đóng cuộn sẽ đóng vai trò như cánh tay nối dài thêm chuỗi sản phẩm đa dạng của Hòa Phát, góp phần thay thế hàng nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Do đó, định hướng của doanh nghiệp này trong thời gian tới là dồn toàn bộ nguồn lực hiện tại vào dự án Dung Quất 2.

Theo dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành vào quý 1/2025 với công suất 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1. Tổng công suất thiết kế của dự án này là 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC và 1 triệu tấn thép đặc biệt.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.