07/12/2022 3:57 PM
Từ khóa “cắt lỗ” và “hàng ngộp” xuất hiện nhiều trên các sàn giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào rao bán cắt lỗ cũng giảm giá đúng nghĩa. Giới chuyên gia chỉ cách quan sát thị trường để xác định đâu là “hàng ngộp”, đâu là sản phẩm “cắt lãi”.

Hình minh họa

Rao “cắt lỗ”, bán giá “cắt lãi”

Sau thời gian dài săn hàng “cắt lỗ” không đạt kỳ vọng, anh D. (TP.HCM) nhận ra công cuộc “bắt đáy” thị trường bất động sản ở thời điểm này khó hơn anh tưởng tượng.

“Bốn tháng đi xem đất chỉ mất công chứ không có kết quả”, anh D. chia sẻ “Giờ rao xả hàng thì nhan nhản nhưng tìm được hàng tốt thì rất khó. Hàng thực sự tốt thì chủ đất rất khó thương lượng, nhiều người rao khảo giá, khảo nhu cầu chứ không có ý định bán. Đi xem bàn bạc mỏi miệng rồi cuối cùng tay không đi về”.

Nhà đầu tư cảm thấy khó tin các quảng cáo “cắt lỗ”, “hàng ngộp” đăng tải trên các trang rao bán trực tuyến vì thực tế nhiều chủ đất chưa chấp nhận thương lượng.

“Giờ mình đầu tư bằng tiền thịt (tiền mặt – PV) chứ không phải vay mượn như trước nên cần có mức giá tốt. Bản thân mình cũng nhiều hàng chưa bán được nên đã quyết định giao dịch là sản phẩm phải tương xứng. Mức giá mình đưa ra đã tham khảo thị trường nhưng chủ đất cứ bảo mình “ép giá” quá đà. Không chốt được giao dịch đã đành lại còn mất tình cảm, sau này làm việc lại cũng khó”, anh D. chia sẻ câu chuyện khi săn nhầm “hàng ngộp”.

Trường hợp khác, chị Kim Dung (Đồng Nai) cũng không đồng tình với cách các môi giới/chủ đất tùy tiện sử dụng từ “cắt lỗ” để rao bán bất động sản ở thời điểm hiện tại.

“Tôi có quan sát khu vực Nhơn Trạch từ đầu năm nhưng thấy giá cao quá nên không mua, giờ thấy nhiều nơi bảo “cắt lỗ” nên sắp xếp thời gian xuống xem đất. Nhưng có đúng là cắt lỗ đâu, giảm khoảng 10-15% thì đâu đã tính là cắt lỗ. Lời cả tỉ đồng xong giảm 300-500 triệu đồng thì chỉ gọi là cắt lãi thôi” chị Dung chia sẻ.

Chị Dung cho rằng tìm người rao “cắt lỗ” thì dễ nhưng người thực sự “cắt lỗ” thì khó. Mức giá sau khi “cắt lỗ” cũng vẫn rất cao, đặc biệt thời điểm này khó vay ngân hàng nên chỉ sản phẩm nào thực sự có giá tốt thì mới nên xuống tiền.

“Chủ chưa “ngộp” mà đã rao lỗ sẽ gây hiểu nhầm, quá trình thương lượng sẽ gặp khó khăn. Mà mỗi lần xem đất rất mất thời gian, phải khảo giá thị trường, xem xét vị trí, hạ tầng khu vực,… nên nếu giao dịch không thành công thì rất tốn thời gian”, chị Dung chia sẻ.

Hình minh họa

Không chỉ khách mua, người bán cũng rơi vào trường hợp “dở khóc dở cười” khi rao bán bất động sản thời điểm này. Chị K.O. (TP.HCM) cũng trải qua những tình huống “khó xử” khi khách nghĩ mình “ngộp hàng”, cố tình ép giá.

“Tôi có căn nhà 3 tầng trong ngõ ở Tân Phú, trước cho thuê giờ không muốn quản lý nữa nên tính bán để lấy tiền cho con làm vốn kinh doanh. Tôi nhờ môi giới đăng bán trên mạng, niêm yết giá rõ ràng không hiểu sao khách đến cứ đòi giảm mấy trăm triệu. Giờ giảm mấy chục mình còn xem xét chứ làm gì có chuyện giảm cả nửa tỉ đồng như thế”, chị O. bức xúc vì phải tiếp nhiều vị khách “ảo giá”.

Sau khi làm việc lại với môi giới, chị vô cùng bất bình khi biết người này đăng bán căn nhà của chị với các từ “cắt lỗ”, “cần tiền gấp” để nhanh tìm kiếm khách hàng.

“Đúng là tôi cần tiền gấp, nhưng không đến mức cắt lỗ, ngộp hàng như môi giới nói. Trước đấy bạn nói thị trường khó nên bảo tôi tăng phí môi giới để bán nhanh tôi cũng chấp nhận. Nhưng nếu biết bạn ấy dùng chiêu trò thế này thì tôi đã không đồng ý”, chị O. cho biết.

Mẹo xác định chủ đất “ngộp”

Có nhiều năm kinh nghiệm đầu tư bất động sản, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty đầu tư Bất Động Sản Việt An Hòa, chỉ ra một cách nắm bắt tâm lý của chủ đất, tiết kiệm thời gian tìm sản phẩm đầu tư.

“Khi đã xác định được sản phẩm muốn mua hãy dành 2 tuần để quan sát. Bên cạnh việc khảo sát mặt bằng giá ở khu vực, hay chú ý đến mức giảm giá của sảm phẩm. Nếu thấy mức điều chỉnh giá từ 3-7% trong thời gian này thì khả năng cao chủ đang đang “ngộp” có nhu cầu thoát hàng nhanh”, ông Quang cho biết.

Nhà đầu tư nên quan sát sản phẩm tiềm năng trong 2 tuần để xác định xu hướng giảm giá (hình minh họa)

Ngoài ra, chuyên gia cũng khuyến cáo nhà đầu tư không nên tìm kiếm dàn trải mà tập trung vào các loại bất động sản sát trung tâm nhằm hạn chế rủi ro. Pháp lý của sản phẩm cũng là một yếu tố nhà đầu tư nên tìm hiểu trước khi đưa ra quyết định.

Về phân khúc nên đầu tư, ông Quang cho rằng đất nền và nhà liền thổ nếu đáp ứng các điều kiện trên mà có giá tốt thì vẫn nên lựa chọn. Nhà đầu tư nên chọn sản phẩm mà mình có kinh nghiệm đầu tư để dễ dàng thương lượng, mua vào giá tốt.

Chuyên gia bất động sản cũng cho biết, thời gian qua ông cũng dùng 20-30% tiền mặt để mua những bất động sản giá rẻ, vị trí tốt. Ông gọi chung là ‘bất động sản dinh dưỡng’ với các tiêu chí ngon - bổ - rẻ.

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.