27/03/2020 7:43 AM
CafeLand - Những ngày vừa qua, trước thông tin một tập đoàn lớn đề xuất xây dựng hai khu đô thị trên địa bàn huyện Thạch Thất (Hà Nội), hàng trăm nhà đầu tư đã đổ xô về đây “săn đất”, khiến giá đất bất ngờ bị thổi lên.

Theo những thông tin ghi nhận được, những chiêu trò đẩy giá đất được một số môi giới sử dụng tương tự như kịch bản xảy ra tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trước đó.

Nhiều dòng người đổ xô về Đồng Trúc, Thạch Thất "săn đất" sau đề xuất xây khu đô thị của một tập đoàn lớn.

Giá đất tăng gấp 3 lần sau một tuần

Lướt qua mạng xã hội và các trang báo, không khó bắt gặp hình ảnh từng nhóm khách hàng đổ xô về xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất (khu vực gần khu công nghệ cao Hoà Lạc) để xem đất và nhóm môi giới say sưa quảng cáo, giới thiệu thông tin hòng thổi giá.

Theo thông tin phản ánh của báo chí, dù mới chỉ là đề xuất của doanh nghiệp, chính quyền địa phương chưa nhận được bất cứ văn bản hay chỉ đạo nào của thành phố về việc phê duyệt xây dựng khu đô thị nhưng giá đất tại xã Đồng Trúc, nhất là khu đất phân lô giãn dân Quan Giai đã tăng gấp 2-3 lần so với 10 ngày trước.

Được biết, khu đất này được giao cho dân từ hơn chục năm trước với giá 4-8 triệu đồng/m2, nay được thổi lên đến 12-15 triệu đồng, thậm chí 18-21 triệu đồng/m2.

Để bán hàng, thông tin được các cò đất và chủ đất tận dụng triệt để đó là khu đất giáp khu công nghệ cao Hoà Lạc, sát dự án khu đô thị vừa được một tập đoàn lớn đề xuất xây dựng và “nếu không mua ngay hôm nay thì ngày mai giá đất sẽ tăng cao hơn”.

Không chỉ “sốt” tại mặt trận trực tiếp, trên mạng xã hội những ngày gần đây cũng nhan nhản thông tin rao bán đất Hoà Lạc, Thạch Thất tại các nhóm bất động sản.

Những thông tin, hình ảnh được đăng tải dễ khiến nhiều khách hàng tin rằng, đất Hoà Lạc đang vô cùng sôi động và là kênh đầu tư tiềm năng, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hiện nay.

Đất Quan Giai, Đồng Trúc cũng được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội.

Thực tế, dù giá đất được đẩy lên cao nhưng theo tiết lộ của một số môi giới, giao dịch thành công rất ít. Trong số những người có mặt tại “chợ bất động sản” Quan Giai này chỉ có 10% khách đến xem đất, còn lại là đầu nậu, tự truyền tai nhau để đẩy giá đất lên cao, tạo giao dịch ảo.

Câu chuyện sốt đất Quan Giai – Đồng Trúc hiện nay khiến nhiều người nhớ lại kịch bản sốt đất diễn ra cách đây hơn một tháng tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo đó, cũng chỉ sau khi xuất hiện một văn bản của tỉnh này chấp thuận cho một tập đoàn lớn nghiên cứu làm dự án bất động sản hơn 800ha, hàng nghìn người đã đổ xô về đây mua bán đất, đẩy giá đất tăng bất ngờ từ 100 triệu đồng/mét ngang lên 200 – 300 triệu đồng/mét ngang, nhiều khu đất còn được định giá lên 500 triệu đồng/mét ngang.

Tuy nhiên, cơn sốt đất tại Châu Đức đã nhanh chóng “xẹp hơi” chỉ sau 15 ngày trước những biện pháp mạnh tay của chính quyền tại đây.

Tại Quan Giai – Đồng Trúc, sau những phản ánh của báo chí, chính quyền địa phương cũng ngay lập tức vào cuộc cắm biển cảnh báo người dân, nhà đầu tư hết sức tỉnh táo.

Cùng với cảnh báo mua bán đất không rõ quy hoạch là biển báo yêu cầu người dân không tụ tập nơi đông người để phòng tránh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Kịch bản cũ

Theo các chuyên gia bất động sản, việc lướt sóng đất nền ăn theo quy hoạch dự án tại thời điểm hiện nay là vô cùng rủi ro. Việc lướt sóng này được ví như chuyền tay nhau “cục than hồng”, người sau cùng nhận được sẽ bị bỏng. Nếu không kịp thoát hàng, những người này sẽ phải gánh trên vai nhiều hệ luỵ, từ việc chôn vốn đến còng lưng trả nợ ngân hàng hàng tháng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng sở dĩ ở Thạch Thất và Châu Đức xảy ra hai cơn sốt đất với kịch bản gần giống nhau là do hai khu vực này có thông tin xuất hiện dự án của một trong những tập đoàn bất động sản uy tín nhất Việt Nam nên nhà đầu tư kỳ vọng.

Tuy nhiên, ông Đính cảnh báo rằng, từ chủ trương nghiên cứu đến khi thực hiện được dự án là một quá trình lâu dài, rủi ro chôn vốn là rất cao. Chưa kể, khi dự án chưa được quy hoạch, mảnh đất khách hàng mua hiện tại có thể sẽ nằm vào đất dự án được quy hoạch sau này, như vậy độ rủi ro là rất lớn, đất đã mua có thể sẽ bị thu hồi.

Chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc dán giấy cảnh báo người dân hết sức tỉnh táo, tránh rơi vào bẫy của "cò đất"

Theo ông Đính, về cơ bản mới chỉ có đề xuất nghiên cứu dự án của doanh nghiệp, chưa có gì rõ ràng, nếu được phê duyệt thì thời gian hiện thực còn kéo dài nhiều năm nữa. Nếu tình trạng mua đất, đẩy giá vẫn còn tiếp diễn, không chỉ nhà đầu tư cá nhân khốn đốn vì ôm đất mà việc bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng bị ảnh hưởng, khiến chủ đầu tư chùn bước và có thể bỏ cuộc vì giá đền bù cao.

Ông Đính khuyên các nhà đầu tư nên bình tĩnh, chờ đợi quy hoạch và tiếp cận các thông tin chính thức, không đầu tư theo đám đông. Đầu tư cần sinh lợi lớn, nhưng nếu đất nhanh chóng bị thổi giá gấp 2-3 lần thì rủi ro ở mức báo động, do đó nhà đầu tư nhỏ lẻ không nên tham gia.

Nhà đầu tư cũng cần nhớ lại bài học sốt đất Hoà Lạc cách đây hơn 10 năm khi Hà Nội sáp nhập với Hà Tây, hay giai đoạn 2009 – 2011 trước thông tin xây dựng đô thị vệ tinh Hoà Lạc để có quyết định sáng suốt.

Thời điểm đó, giá đất quanh khu vực này đã tăng rất mạnh, từ 2-3 triệu đồng/m2 lên 10-15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khi thị trường gặp khủng hoảng, các dự án tại khu đô thị vệ tinh bất động, giá đất nhanh chóng lao dốc khiến nhiều nhà đầu tư ngậm trái đắng. Giá đất tại Hoà Lạc cũng rơi vào thời kỳ giảm sâu trong suốt nhiều năm sau đó.

Giới chuyên gia cho rằng, trên thực tế, dù có thông tin quy hoạch dự án thì tại những khu vực xa trung tâm, hệ thống hạ tầng, tiện ích chưa đồng bộ, giá trị bất động sản cũng rất khó hấp dẫn.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội, cho rằng nhà đầu tư nếu muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư ngắn hạn cần hết sức cẩn trọng với các cơn sốt đất và rủi ro thanh khoản của khoản đầu tư của mình. Để an toàn hơn, nhà đầu tư nên có tầm nhìn từ trung đến dài hạn, và cũng cần có một mức lợi nhuận kỳ vọng hợp lý.

  • Sau sốt đất, loạn dự án 'ma': Nở rộ dự án bánh vẽ

    Sau sốt đất, loạn dự án 'ma': Nở rộ dự án bánh vẽ

    Quỹ đất tại TPHCM ngày càng teo tóp khiến nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản tìm đến Bình Dương, Ðồng Nai, Long An, Vũng Tàu để làm ăn. Trong khi một số doanh nghiệp “làm thật” thì không ít nhà đầu tư “gặt lúa non”, thực hiện giao dịch bất động sản khi chưa đủ cơ sở pháp lý.

  • Bỏng tay vì đầu cơ đất

    Bỏng tay vì đầu cơ đất

    CafeLand - Trong mấy ngày qua, chúng ta đã chứng kiến một đợt sốt đất vô cùng ly kỳ tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chỉ trong một thời gian ngắn, giá đất ở đây đã tăng nhiều lần; người mua, kẻ bán đông như trẩy hội xuân.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.