2020 là một năm đầy biến động của đất nền Hòa Lạc (thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội). Ngay từ đầu năm, bất chấp những tác động xấu của đại dịch Covid-19 và quá trình giãn cách xã hội, giới đầu tư khắp nơi vẫn tìm tới Đồng Trúc (Thạch Thất) để đi "săn" đất.
Chỉ trong vài tuần, giá đất Đồng Trúc đã tăng gấp đôi, thậm chí, có thời điểm tăng tới 300%. Đơn cử, tại một số thôn Quan Giai, Đồng Táng, trong nửa tháng, giá đất mặt ngõ đã tăng từ 3 - 7 triệu đồng/m2 lên 10 - 18 triệu đồng/m2, trong khi giá đất mặt đường tăng từ 7 - 12 triệu đồng/m2 lên trên 17 - 18 triệu đồng/m2. Có chủ đất "hét giá" lên tới trên 20 triệu đồng/m2.
Sau khi UBND xã Đồng Trúc lên tiếng, trên địa bàn xã không có dự án nào được phê duyệt, giá đất tụt "không phanh". Nhiều lô đất trước đây có giá 10 - 18 triệu đồng/m2 lại trở về giá cũ khoảng 3 - 7 triệu đồng/m2.
Sau cơn sốt đất "ảo" tại Đồng Trúc, giá đất tại Hòa Lạc có dấu hiệu chững lại, hoạt động đầu cơ tại đây cũng không còn nhộn nhịp, sôi động như trước.
Đất Hòa Lạc tích cực được "cò" đất chào bán, quảng cáo rầm rộ.
Tuy nhiên, ở thời điểm cuối năm 2020, đất Hòa Lạc bắt đầu có dấu hiệu tăng nhiệt trở lại, nhất là các xã nằm gần khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Trao đổi với PV báo Dân trí, ông T., một nhân viên môi giới bất động sản tại Hòa Lạc khẳng định, nhờ nằm gần các trục đường chính nối với khu công nghệ cao Hòa Lạc, nên xã Bình Yên (Thạch Thất) và Bắc Phù Cát (Quốc Oai) đang trở thành "trái tim" của khu rìa Tây Hà Nội. Một số dự án nằm ở 2 xã này đang "cháy hàng".
"Tuần trước, dự án của chúng tôi cung cấp ra thị trường 27 lô đất, nhưng chỉ sau 1 ngày, 20 lô đã bán hết, 7 lô còn lại cũng đã có khách đặt lịch xem trước", T. trao đổi với PV qua điện thoại.
Hồi đầu năm, nhiều nhà đầu tư đã đổ về "săn" đất Hòa Lạc khiến cho giá đất khu vực này "sốt" nóng.
Theo T., một số lô đất 60 m2 khu vực xã Bình Yên, cách Đại lộ Thăng Long 4 km và cách tỉnh lộ 420 chưa đầy 300 m, giá đất đã tăng từ 10 triệu đồng/m2 hồi đầu năm, lên 13 - 25 triệu đồng/m2 vào thời điểm hiện tại.
Tương tự, tại Bắc Phù Cát, giá trị đất nền cũng tăng từ 10 - 12 triệu đồng/m2, lên ngưỡng 18 - 19 triệu đồng/m2.
Với những khu vực đẹp hơn, nằm sát Đại lộ Thăng Long hoặc gần khu công nghệ cao Hòa Lạc, giá đất nền đã tăng lên 27 - 29 triệu đồng/m2, cá biệt có một vài chủ đất rao bán trên 30 triệu đồng/m2. Nếu so với thời điểm đầu năm, giá trị đã tăng thêm 5 - 9 triệu đồng/m2, tương đương 30%.
"Đất nền Hòa Lạc vẫn còn nhiều tiềm năng và được dự báo tăng mạnh trong năm 2021. Vì vậy, nhiều sản phẩm đất nền có sổ đỏ, đất thổ cư tại đây gần như không còn hàng để bán", T. nói.
Chính quyền địa phương đã phải ra thông báo, giải tán đám đông "thổi" giá đất Hòa Lạc. Ảnh: Nguyễn Mạnh
Trong khi đó, Hoàng - một nhân viên môi giới khác tại xã Bình Yên (Thạch Thất) tiết lộ, hiện nay, các chủ đầu tư tại Hòa Lạc đang tích cực phân lô, bán nền và áp dụng 2 chương trình đầu tư là đầu tư dài hạn và đầu tư lướt sóng.
Với đầu tư dài hạn, các lô đất sẽ nằm ở vị trí đẹp, gần các trục đường chính, giá đất dao động từ 22 - 25 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, các lô đất để đầu tư ngắn hạn có vị trí khuất hơn, nằm cách xa trục đường chính, nhưng giá trị chỉ từ 13 - 15 triệu đồng/m2.
Giải thích cho sự chênh lệch trên, Hoàng tiết lộ: Hầu hết, người có nhu cầu mua nhà thật sự để sử dụng đa phần là cán bộ, công nhân viên tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Họ không nhất thiết cần nhà có vị trí đẹp, miễn giá rẻ, trên dưới 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng là bán chạy. Do đó, các lô đất có vị trí khuất, giá trị thấp để dành cho các nhà đầu tư thích lướt sóng.
Trong khi đó, với các lô đất có vị trí đẹp, giá cao gấp đôi, với mức giá trên 1,5 tỷ đồng gần như chỉ dành cho khách VIP. Do đó, các lô đất này được dành cho đầu tư dài hạn.
Giới chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản Hòa Lạc rất có tiềm năng nhờ các thông tin tích cực từ hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông ngày càng hoàn thiện, ví dụ như hoàn thiện tuyến cao tốc Láng - Hòa Lạc. Hiện nay, UBND TP. Hà Nội đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc (Hà Nội) đến năm 2030,...
Tuy nhiên, để đầu tư tại đây cần có chiến lược đầu tư dài hạn. Ngoài ra, nhà đầu tư cần phải có tiềm lực tài chính mạnh để tham gia lâu dài.
Đặc biệt, trước hậu quả của cơn sốt đất "ảo" tại Đồng Trúc hồi đầu năm, giới chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư phải tìm hiểu thật kỹ thị trường trước khi xuống tiền và phải đáp ứng được 3 yêu cầu: pháp lý đầy đủ, dự án không vướng quy hoạch, kiểm tra biên độ tăng giá trong một năm. Nếu biên độ tăng giá vượt quá 15%, giới đầu tư nên cẩn trọng, bởi đây có thể là chiêu trò của giới cò đất.
-
Chủ mới của dự án King Palace 108 Nguyễn Trãi là ai?
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (Thăng Long Invest Group, mã: TIG) vừa công bố nghị quyết về việc nhận chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Cổ phần Bất động sản Hoa Anh Đào (Bất động sản Hoa Anh Đào)....
-
Bộ Xây dựng chỉ đạo “nóng” sau vụ cháy quán hát ở Hà Nội
Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm soát chặt việc chuyển đổi công năng và an toàn cháy cho nhà riêng lẻ sau vụ cháy làm 11 người tử vong ở Phạm Văn Đồng (Hà Nội).
-
Masan bán công ty sản xuất bột vonfram hàng đầu thế giới, thu nghìn tỷ đồng
Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials (mã cổ phiếu MSR - sàn UPCoM) vừa cho biết, đã hoàn tất việc chuyển nhượng 100% cổ phần tại H.C. Starck Holding (Đức) cho Mitsubishi Materials Corporation Group (Nhật Bản)....