07/04/2023 9:02 PM
Để đón đầu triển vọng thị trường vào nửa cuối năm 2023, nhà đầu tư bất động sản châu Á được khuyên nên dồn vốn vào các mảng văn phòng, bán lẻ và khách sạn.

https://img.i-scmp.com/cdn-cgi/image/fit=contain,width=1098,format=auto/sites/default/files/styles/1200x800/public/d8/images/2023/03/07/SCMP-CBRE_APAC-Market-Outlook_Hero-Image-1200x800.jpg?itok=vWKwtjPs

Theo Báo cáo Triển vọng Thị trường Bất động sản Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) năm 2023 vừa phát hành, CBRE dự đoán triển vọng tương đối tích cực đối với bất động sản thương mại khu vực, với hai điểm sáng nhất là Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.

Trong đó, các ngành bị ảnh hưởng bởi đại dịch như văn phòng, khách sạn và bán lẻ sẽ phục hồi khá tốt, trong khi tăng trưởng ở thị trường bất động sản công nghiệp và hậu cần dự kiến sẽ chậm lại. Giá thuê sẽ vẫn ổn định và nhu cầu của khách thuê đang trên đà phục hồi.

Mặt khác, thị trường vốn sẽ tiếp tục bị tác động tiêu cực do lãi suất tăng. Tuy nhiên, sau một quý đầu tiên của năm yên ắng, các thương vụ dự kiến sẽ được khởi động khi lạm phát và lãi suất trong khu vực ổn định, với tổng khối lượng đầu tư dự kiến sẽ duy trì ở mức tương đương năm 2022.

Dựa trên những phát hiện trong báo cáo, CBRE khuyến nghị nhà đầu tư nên mua các bất động sản văn phòng, khách sạn và bán lẻ, đồng thời chuyển nhượng các bất động sản hậu cần.

Theo CBRE, nhà đầu tư nên thực hiện chiến lược có phần trái ngược này ngay trong quý 2/2023, được coi là thời điểm quan trọng trước khi thị trường chuyển biến tích cực vào nửa cuối năm nay. Cơ hội cho chiến lược đầu tư này có thể chỉ diễn ra trong vòng 3 tháng khi các đợt điều chỉnh giá diễn ra với các bất động sản có chất lượng tốt nhất nằm tại khu vực trung tâm hoặc các thành phố cửa ngõ quan trọng.

Lý giải cho việc đầu tư vào văn phòng, CBRE cho biết xu hướng quay lại văn phòng của người lao động tại APAC đang diễ ra mạnh mẽ. Do đó, nhu cầu đối với các văn phòng chất lượng cao, đặc biệt là đáp ứng được tiêu chuẩn ESG và tọa lạc tại các khu vực quận tài chính trung tâm, sẽ ngày càng tăng lên. Xu hướng này kéo theo tỷ lệ lấp đầy và giá thuê cao hơn, mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Đối với mảng bán lẻ, khảo sát của CBRE cho thấy hơn 79% các nhà bán lẻ có kế hoạch mở thêm cửa hàng tại các thị trường hiện tại, đặc biệt là khi khách du lịch và người lao động quay trở lại văn phòng. Nhu cầu này khiến triển vọng tăng trưởng giá thuê và tỷ lệ lấp đầy trở nên tích cực hơn. Các trung tâm thương mại nằm tại các khu vực sầm uất ở thành phố sẽ là một khoản đầu tư tốt cho những người quan tâm tới lĩnh vực bán lẻ tại APAC, đặc biệt là ở Hồng Kông, Trung Quốc đại lục và Singapore.

Trong khi đó, sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc và xu hướng du lịch trả thù sẽ là động lực thúc đẩy ngành khách sạn trên toàn khu vực, với mức tăng trưởng khiêm tốn được dự báo cho năm 2023 và trở lại mức trước đại dịch vào đầu năm 2024. Sự phục hồi của thị trường khách sạn tại APAC thậm chí có thể vượt xa các khu vực còn lại trên thế giới, dẫn đầu bởi Trung Quốc Đại lục, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Sự tăng trưởng trong lĩnh vực hậu cần, từng được hưởng lợi từ sự gia tăng của thương mại điện tử trong thời kỳ Covid-19, hiện đang trở lại bình thường. Một số công ty thương mại điện tử cho biết họ vẫn đang phát triển nhưng sẽ không thuê nhiều không gian như trước, một phần vì muốn tập trung vào cải thiện hiệu quả hoạt động trước khi mở rộng. Do đó, CBRE cho rằng đây là thời điểm tốt để nhà đầu tư thoái dần vốn khỏi lĩnh vực này, trước khi mức định giá hạ xuống thấp hơn và lãi suất tăng gây thêm ảnh hưởng lên lợi nhuận đầu tư.

LAm Vy (SCMP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.