Được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 240 tỷ đồng từ vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), cầu Cẩm Kim đã hoàn thành, nhưng đến nay vẫn chưa thể lưu thông.

Chưa thể thông xe vì chưa có đường dẫn

“Chờ mãi cầu mới xây xong, nhưng lại không thể đi qua”, ông Võ Đăng Sự (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) bày tỏ thất vọng khi nói về cầu Cẩm Kim vừa được xây dựng xong.

Nhịp cầu nối đôi bờ là niềm mơ ước bao đời nay của người dân hạ lưu sông Thu Bồn. Năm 2016, niềm mơ ước này được khỏa lấp phần nào khi tỉnh Quảng Nam đầu tư xây dựng cầu Cẩm Kim (cầu sắt). Nhưng, chiếc cầu nhỏ này chỉ phục vụ xe thô sơ, người đi bộ, sau mấy năm sử dụng đã xuống cấp.

Vì vậy, khi cầu Cẩm Kim mới được khởi công xây dựng vào tháng 10/2019, nối TP. Hội An với thị xã Điện Bàn, người dân ở khu vực này vô cùng phấn khởi. Cây cầu sẽ rút ngắn khoảng cách, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực đôi bờ sông Thu Bồn.

Dự án cầu Cẩm Kim do Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 240 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của JICA (Nhật Bản) và nguồn vốn đối ứng của tỉnh Quảng Nam

Giữa năm 2020, cầu Cẩm Kim đã hoàn thành. Nghịch lý ở chỗ, cầu đã xây xong mà không thể thông xe, vì phần đường dẫn ở phía thị xã Điện Bàn vẫn chưa được thi công, do vướng giải phóng mặt bằng.

“Cứ tưởng Tết này chúng tôi được đi cầu mới, nhưng vẫn chưa được đi. Nhiều người vẫn liều lên đường dẫn đắp tạm bằng đất để qua cầu, nên thỉnh thoảng xảy ra tai nạn, có trường hợp xe ô tô vì không biết chưa có đường dẫn, nên suýt lao xuống vực”, ông Sự nói, không giấu nổi vẻ hụt hẫng.

Đường dẫn cầu Cẩm Kim vẫn chưa được xây dựng

Giải quyết vướng mắc giải phóng mặt bằng

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, điểm nghẽn khiến cầu Cẩm Kim không thể lưu thông là 6 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng để thi công đường dẫn tại khu vực xã Điện Phương. Chính quyền thị xã Điện Bàn đã tổ chức nhiều cuộc họp và vận động, nhưng các hộ dân này vẫn không chấp nhận phương án đền bù.

Gia đình bà Huỳnh Thị Tình (thôn Triêm Tây, xã Điện Phương) có diện tích đất nằm trong khu vực giải tỏa để xây dựng đường dẫn cầu Cẩm Kim cũng mong cây cầu sớm đi vào hoạt động, nhưng vì giá đền bù quá thấp, nên chưa chấp nhận di dời.

Theo UBND thị xã Điện Bàn, địa phương đã họp với người dân để thông qua việc bồi thường đất ở với mức 2,5 triệu đồng/m2, nhưng các hộ không đồng tình vì cho rằng, mức giá này quá thấp so với giá thị trường. Thị xã Điện Bàn đã đề xuất và được tỉnh Quảng Nam đồng ý chính sách bán lại đất ở trong khu tái định cư cho các hộ dân. Tỉnh cũng đã phê duyệt giá bán đất trong khu tái định cư là 2,55 triệu đồng/m2. Tuy vậy, đến nay, đường dẫn cầu Cẩm Kim vẫn chưa hoàn thành, đồng nghĩa cầu Cẩm Kim không thể hoạt động, gây lãng phí và mất an toàn.

Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Quảng Nam cho biết: “Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp để giải quyết những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, để sớm đưa cầu Cẩm Kim vào hoạt động. Thời gian hoàn thành đường dẫn cầu Cẩm Kim phụ thuộc vào việc giải phóng mặt bằng của thị xã Điện Bàn. Khi có mặt bằng sạch, trong vòng 2 tháng, Sở GT-VT và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn thành đường dẫn”.

Được biết, cuối tháng 11/2020, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc đầu tư hoàn thiện cầu Bình Đào và đoạn tuyến nối cầu Cẩm Kim trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, đối với đoạn tuyến nối với đường dẫn cầu Duy Phước - Cẩm Kim, Phó thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam khẩn trương chỉ đạo triển khai tổ chức thi công để hoàn thành đồng bộ với Dự án Cầu Cẩm Kim theo đề nghị của Bộ GT-VT.

Hoàng Anh (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.