25/04/2017 4:53 PM
Theo một số chuyên gia, việc mua đất nền thời điểm này có thể kiếm được lợi nhuận cao nhưng không ít người sẽ bị thiệt hại nặng do cơn sốt ảo. Nếu đua nhau đầu cơ như hiện nay, không sớm thì muộn, người mua sẽ dễ bị “vỡ trận”.
Cần cẩn trọng với cơn sốt đất nền vùng ven TP.HCM ở thời điểm hiện tại - Ảnh minh họa
Điểm nóng thị trường bất động sản tại TP.HCM trong những tháng đầu năm 2017 là phân khúc đất nền khi giá đất vùng ven đã tăng lên chóng mặt và xảy ra hiện tượng sốt ảo ở một số quận huyện.
Cung nhiều quá mà không có cầu sẽ vỡ trận
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nói rằng bao giờ cũng vậy, nguyên tắc đầu tư là càng rủi ro thì lợi nhuận càng cao, cái nào ăn chắc mặc bền thì lợi nhuận lại thấp. Chuyện giới đầu tư đi tắt đón đầu hoặc tính trước để đầu tư bao giờ cũng rủi ro nhưng bên cạnh rủi ro thì lợi nhuận rất lớn, gấp 2-3 lần.
“Chuyện giá đất ăn theo hạ tầng gây ra hiện tượng sốt ảo đã xảy ra rất nhiều lần. Ví dụ như ăn theo sân bay Long Thành, nhiều người đã mua trước 10 năm để chờ hạ tầng. Nếu sân bay này hình thành thì người ta thu lợi rất lớn, còn không hình thành thì ôm nợ. Ở TP.HCM, giá đất cũng đang ăn theo nhiều hạ tầng như tuyến metro, đại lộ Võ Văn Kiệt, đại lộ Nguyễn Văn Linh, ăn theo đường cao tốc…”, ông Nguyễn Văn Đực nói.
Theo ông Đực, khi có chủ trương xây dựng một cơ sở hạ tầng, người dân vùng đó thường tăng giá đất, đó là đầu cơ. Nhu cầu phải có mức độ, còn đầu cơ là vô tận, đến một lúc nào đó thì cung nhiều quá mà cầu không có thì sẽ vỡ trận.
“Quy luật cung cầu bao giờ cũng đúng. Tất cả bất động sản thế giới hay Việt Nam cũng đều phải tuân theo quy luật cung cầu. Bong bóng thổi lên mà không đúng nhu cầu thì sẽ vỡ bong bóng thôi. Một kết quả có khi dài ba năm sau, có thể bây giờ đang sốt nhưng 2-3 năm nữa phân khúc đất nền có thể đóng băng rồi lại vỡ trận.
Thị trường bất động sản TP.HCM đã có những chu kỳ nóng sốt rồi lại lạnh. Có những đợt lên cao rồi vỡ ra mà hậu quả là nhiều người sẽ bị thất bại, thua lỗ. Cũng có những lúc giá lên cao, nhiều người sẽ thành công, thu lợi lớn.
Với thực trạng này, không chuyên gia hay nhà tiên tri nào biết được bong bóng đất nền khi nào vỡ hay sẽ nguội dần. Nếu đua nhau đầu cơ như hiện nay, không sớm thì muộn cũng vỡ thôi vì bây giờ ai cũng đầu cơ hết.
Vấn đề đặt ra là việc bơm giá vào phân khúc đất nền đã bắt đầu căng rồi, nhà nhà đều bơm mà căng đến lúc nào vỡ thì khó ai trả lời chính xác. Tôi rất lo ngại đất nền sẽ vỡ như bong bóng 2008. Tôi nghĩ cơn sốt đất nền này nếu hạ nhiệt thì hậu quả sẽ quyết định vào năm 2019 – 2020, còn năm 2017-2018 vẫn chưa thể biết được”, ông Đực nhận định.
Nhiều người sẽ thiệt hại nặng
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định việc mua đất nền thời điểm này có người có thể kiếm được lợi nhuận cao nhưng không ít người sẽ bị thiệt hại nặng do cơn sốt ảo này.
“Hiện nay cái đáng lo là nhà đầu tư bị cuốn theo tâm lý bị môi giới dẫn dắt, thổi giá lên nên họ rơi vào vòng xoáy đó. Tôi cho rằng cơn sốt đất nền ở khu vực vùng ven sẽ dần dần hạ nhiệt từ nay đến cuối năm vì phân khúc nhà ở vừa túi tiền vẫn là nhu cầu cơ bản. Phân khúc đất nền chỉ có người có thu nhập khá mới mua được.
Tôi cũng có niềm tin cơn sốt giá đất sẽ hạ nhiệt dần vì đầu cơ, cò đất không thể phù phép để thổi giá ảo mãi, bởi ngưỡng chịu đựng của thị trường có giới hạn, vượt qua cái ngưỡng này sẽ thất bại nên phải quay đầu giảm giá. Giống như năm 2007, đất nền bị đẩy giá lên cao, sau đó sụt giá rất lớn khiến nhiều nhà đầu tư thất bại. Do đó, tôi cho rằng năm nay cơn sốt bong bóng cục bộ ở phân khúc đất nền sẽ giảm dần đến cuối năm”, ông Châu chia sẻ với báo điện tử Một Thế Giới.
Ông Châu nói rằng nếu người dân mua đất nền thời điểm hiện tại thì nên thận trọng trước khi mua và sau khi đi thực địa và kiểm tra yếu tố pháp lý của nền đó. Nếu không vội, người mua có thể cân nhắc lại thời điểm mua nền, chẳng hạn như chờ đến khoảng tháng 7 âm lịch vì tháng này giá sẽ sụt xuống do yếu tố tâm lý hoặc chờ đợi đến cuối năm thì hãy xem xét quyết định.
Phan Diệu (Một thế giới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.