Theo phản ánh của người dân, nhiều khu trước đây được xem là “bờ xôi ruộng mật” và các khu đất “vàng” tọa lạc trên vị trí đắc địa được UBND tỉnh Phú Thọ cho doanh nghiệp thuê để thực hiện dự án nhưng bị sử dụng không đúng mục đích, chậm tiến độ, thậm chí là bỏ hoang. Điều lạ lùng là, dù điều này diễn ra trong một thời gian dài, trái với quy định nhưng không được xử lý dứt điểm, gây lãng phí và bức xúc trong nhân dân.
Dù được cho thuê đất từ năm 2012, nhưng đến nay Công ty TNHH Hòa Bình Minh vẫn để hoang hóa.
Cụ thể, tại huyện Lâm Thao có ít nhất 6 dự án với hàng vạn m2 đang bị doanh nghiệp bỏ hoang. Tiêu biểu như hơn 5.000m2 đất tại xã Sơn Vi được UBND tỉnh Phú Thọ cho Công ty TNHH Hòa Bình Minh thuê với thời hạn 49 năm để thực hiện xây dựng Khu làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xã Sơn Vi từ năm 2012. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, cho đến nay doanh nghiệp này mới chỉ thực hiện được việc xây kè, đổ đất san nền rồi bỏ hoang để cho cỏ dại mọc um tùm.
Dự án bỏ hoang, người dân tận dụng để chăn thả trâu bò. Ảnh: Ngô Hùng
Nhìn khu đất hoang hóa, ông Nguyễn Văn T, một người dân tại xã Sơn Vi lắc đầu ngán ngẩm: “Đã 6 năm trôi qua, khu đất “vàng” này bị hoang hóa, doanh nghiệp hầu như không có động thái gì để thực hiện dự án. Nếu theo quy định, đúng ra dự án đã bị thu hồi từ lâu, nhưng chẳng hiểu sao cho đến nay vẫn để hoang hóa như thế khiến người dân không khỏi bức xúc”.
Ngoài Công ty TNHH Hòa Bình Minh được UBND tỉnh Phú Thọ cho thuê đất thực hiện dự án rồi bỏ hoang, tại huyện Lâm Thao còn có Công ty Nhật Quang, Công ty phát hành sách Phú Thọ, Công ty TNHH giống cây trồng Hải An, Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Việt Hà và Công ty TNHH Nam Tuấn cũng trong hoàn cảnh tương tự.
Dự án bỏ hoang trước đây là các khu đất "vàng" và "bờ xôi ruộng mật" khiến người dân không khỏi xót xa. Ảnh: Ngô Hùng
Đặc biệt, Công ty phát hành sách Phú Thọ và Công ty TNHH Nam Tuấn dù được UBND tỉnh Phú Thọ cho thuê đất để thực hiện dự án từ năm 2008, 2009 nhưng đến nay vẫn hoàn toàn chưa thực hiện bất kỳ hạng mục nào.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Nhật Quang, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lâm Thao thừa nhận, đúng là trên địa bàn có 6 doanh nghiệp được thuê đất xong bỏ hoang.
Theo ông Quảng, hiện nay UBND huyện đã có thông báo và làm việc với các doanh nghiệp thuê đất rồi bỏ hoang. "UBND huyện Lâm Thao cũng đã ra văn bản để đề nghị thu hồi đối với những dự án sử dụng đất sai mục đích, chậm tiến độ…”, ông Quảng cho biết thêm.
Tương tự, trên địa bàn huyện Thanh Thủy, theo khảo sát của phóng viên Dân Việt cũng có nhiều doanh nghiệp được cho thuê đất rồi bỏ hoang.
Điển hình như, từ năm 2014, dự án xây dựng cơ sở sản xuất gạch ngói theo công nghệ lò đứng liên hoàn của HTX Dịch vụ và Sản xuất kinh doanh tổng hợp Đồng Thanh được UBND tỉnh Phú Thọ cho thuê trên 5.000 m2 tại xã Đồng Luận huyện Thanh Thủy. Kể từ đó đến nay, sau 4 năm chủ đầu tư đã không thể triển khai thực hiện dự án theo quy định.
Cỏ mọc um tùm do dự án chậm tiến độ, không được triển khai. Ảnh: Ngô Hùng
Khi được hỏi vì sao đã được cho thuê nhưng qua 4 năm nay, dự án vẫn “bất di bất dịch”, không được triển khai, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ và Sản xuất kinh doanh tổng hợp Đồng Thanh phần trần: “Dù đã được được cho thuê đất, tuy nhiên do số vốn cần để đầu tư vào dự án rất lớn nên hợp tác xã không thể thực hiện được dự án như đã cam kết”.
Tại dự án xây dựng nhà máy sản xuất Mica – Caolin – Phenspat của Công ty CP Na Son ở xã Đào Xá huyện Thanh Thủy còn rơi vào hoàn cảnh bi đát hơn. Năm 2010, UBND tỉnh Phú Thọ cũng cho đơn vị này thuê trên 29,6 ha để thực hiện dự án. Thời điểm ấy, đây là dự án được xem là lớn nhất nhì tại huyện Thanh Thủy khi tổng vốn đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 8 năm đi vào triển khai thực hiện, dự án này vẫn còn dang dở.
Ông Lê Duy Hảo, Giám đốc Công ty cổ phần Na Son. Ảnh: Ngô Hùng
Theo ông Lê Duy Hảo, Giám đốc Công ty cổ phần Na Son, việc dự án chậm tiến độ, nguyên nhân chính là do vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng.
Tại huyện Thanh Thủy, ngoài 2 dự án trên, hiện tại còn rất nhiều dự án đang chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích và bỏ hoang khác.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Thủy. Ảnh: Ngô Hùng
“Đến nay, UBND huyện Thanh Thủy đang tiến hành rà soát việc thực hiện các dự án đang được triển khai thực hiện trên địa bàn. Đối với các doanh nghiệp thực hiện chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích, cũng như thực hiện không đúng với cam kết, tùy vào mức độ, huyện sẽ có biện pháp xử lý, thậm chí là kiến nghị thu hồi dự án", ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Thủy khẳng định.
Có thể thấy, việc thực hiện dự án tại tỉnh Phú Thọ nói chung và huyện Lâm Thao và Thanh Thủy nói riêng đang có vấn đề. Điều này cho thấy việc sử dụng đất tại một số dự án chưa phát huy được hiệu quả, gây lãng phí, cũng như ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhân dân. Vấn đề này đang đặt ra câu hỏi các dự án này do chủ đầu tư thiếu năng lực hay sự đánh giá dự án của chính quyền cơ sở chưa được chính xác?
-
Khởi công xây dựng cầu Phong Châu mới
Ngày 21/12, tại xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ triển khai thi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới - Quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ....
-
Thăng Long Invest Group thoái vốn loạt công ty liên kết
Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (Thăng Long Invest Group, mã: TIG, sàn HNX) vừa công bố nghị quyết về phương án chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại 5 công ty liên kết.
-
Hơn 7.000 tỷ đồng đầu tư dự án điện dài 229 km, đi qua 4 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Vĩnh Phúc
Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên dài hơn 229 km đi qua 4 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Vĩnh Phúc với vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.