CafeLand - "Huy động các nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nói chung, hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội nói riêng là cần thiết".

Đây là ý kiến chỉ đạo đóng dấu hỏa tốc của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trước đề nghị của UBND Hà Nội và ý kiến của các Bộ/ngành về chủ trương đầu tư 3 dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội.

Theo ý kiến của Phó Thủ tướng, việc đầu tư các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội cần nguồn kinh phí lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, do đó, việc huy động các nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nói chung, hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội nói riêng là cần thiết.

Trên cơ sở quy hoạch hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội sớm nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đầu tư đồng bộ với hệ thống hạ tầng đường sắt. Trước mắt, lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư; chú ý huy động các nguồn lực (kể cả bằng hình thức hợp đồng BOT) để xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - sân bay Nội Bài và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức thực hiện việc kết nối các tuyến đường sắt đô thị, đảm bảo kết nối thống nhất toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị ở Hà Nội (kết nối giữa các nhà ga, các đoàn tàu và trung tâm quản lý điều hành); khi kết nối các tuyến đường sắt phải bảo đảm về kỹ thuật và an toàn.

Quá trình thực hiện các dự án đầu tư phải đảm bảo giảm thiểu tác động, ảnh hưởng đến các công trình xây dựng hiện có, đặc biệt là các công trình di sản, công trình quan trọng và đảm bảo an toàn trong quá trình đầu tư xây dựng.

Phó Thủ tướng giao các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội thực hiện các quy trình, thủ tục đối với các dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật.

Sớm trình Quốc hội để thông qua chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp cuối năm nay. Hiện nay, các hạng mục công việc của dự án cần được tiếp tục thực hiện (như thiết kế kỹ thuật) để khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự án có thể được triển khai thực hiện nhanh hơn, bởi vì, đã chủ động được về vốn ngân sách, vốn của nhà đầu tư theo hình thức BT và chủ động về quỹ đất.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án hạ tầng đô thị đang được thực hiện, trong đó có 2 tuyến đường sắt, gồm tuyến Nhổn-ga Hà Nội và tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Hồi tháng 2/2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao UBND TP Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, trên cơ sở đó, lập phương án đầu tư đối với các dự án xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội. Cụ thể gồm: tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc, tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và tuyến số 4 đoạn Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà) phù hợp với quy định của pháp luật.

10 tuyến đường sắt đô thị dài là 417,8 km

Theo quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài là 417,8 km, trong đó 342,2 km sử dụng cầu cạn và cầu cạn kết hợp đi bằng, 75,5 km đi ngầm.

10 tuyến đường sắt đô thị được Hà Nội quy hoạch gồm: tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh), tuyến số 2 (Nội Bài - Thượng Đình - Bưởi), tuyến số 2A (Cát Linh - Hà Đông - kéo dài đến Xuân Mai), tuyến số 3 (Trôi - Nhổn - Yên Sở), tuyến số 4 (Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà), tuyến số 5 (Văn Cao - Hoà Lạc), tuyến số 6 (Nội Bài - Ngọc Hồi), tuyến số 7 (Mê Linh - Hà Đông), tuyến số 8 (Sơn Đồng - Mai Dịch - Dương Xá), tuyến Sơn Tây - Hoà Lạc - Xuân Mai.

N.Đăng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.