Ảnh minh hoạ.
Hôm 28/6, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đồng chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XXIII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2025-2030.
Tại đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định thành phố sẽ định hướng phát triển về hướng đông tây, đẩy mạnh đầu tư để phát triển các địa phương như Thăng Bình, Duy Xuyên, Núi Thành. Đồng thời, thúc đẩy vùng kinh tế mở Chu Lai, gắn với sân bay và cảng biển Chu Lai.
“Chúng tôi thống nhất chủ trương rút ngắn khoảng cách giao thông giữa 2 sân bay Chu Lai và sân bay Đà Nẵng. Sẽ triển khai ngay dự án rất đặc thù, đó là dự án đường sắt đô thị, kết nối từ sân bay Đà Nẵng đến sân bay Chu Lai bằng nguồn lực tự thân của Đà Nẵng”, ông Quảng nhấn mạnh.
Theo Nghị quyết đã được Quốc hội thông quan, từ ngày 1/7/2025, Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ sáp nhập, lấy tên là TP Đà Nẵng. Như vậy, sân bay Chu Lai và sân bay Đà Nẵng sau thời điểm này sẽ "về chung một nhà".
Với dự án này, Đà Nẵng sẽ xin Quốc hội, Chính phủ để xây dựng đường sắt đô thị tốc độ 160km/h. Giai đoạn 1 của dự án quyết tâm hoàn thành trong nhiệm kỳ này, từ sân bay Đà Nẵng vào Hội An.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng định hướng phát triển một trục đô thị mới bám theo sông Trường Giang.
“Đà Nẵng trước đây phát triển đô thị bám theo sông Hàn, sắp tới chúng tôi sẽ định hướng quy hoạch phát triển dọc theo sông Trường Giang. Chủ trương này cũng đã được thuê các tư vấn quốc tế khảo sát, đánh giá”, ông Quảng chia sẻ.
Hồi đầu năm nay, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho hay tỉnh này đã làm việc với các bộ, ngành Trung ương về dự án sân bay Chu Lai. Theo đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Xây dựng rất ủng hộ tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện dự án này. Hiện, các bên liên quan đã làm việc và đã phân định rõ phần diện tích đất quốc phòng quản lý và phần diện tích giao cho tỉnh Quảng Nam quản lý.
Cụ thể, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nêu nhiều nhà đầu tư muốn nghiên cứu đầu tư sân bay Chu Lai, như Tập đoàn SOVICO liên kết với Tập đoàn ADANI (Ấn Độ) đang nghiên cứu đầu tư. Sân bay Chu Lai được quy hoạch là 1 trong 3 sân bay lớn của cả nước theo tiêu chuẩn 4F, sau sân Long Thành và sân bay Nội Bài.
-
Tỉnh, thành nào có hai sân bay sau sáp nhập?
Sau khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh theo kế hoạch được Chính phủ và Bộ Nội vụ đề xuất, Việt Nam sẽ có 5 tỉnh, thành phố sở hữu hai sân bay đang hoạt động trên cùng địa bàn. Đây là những địa phương có vị trí chiến lược, được quy hoạch trở thành trung tâm giao thương, du lịch, hoặc cửa ngõ quốc tế quan trọng.
-
Sắp khởi công dự án nâng cấp sân bay Phù Cát 3.246 tỷ đồng
Mới đây, UBND tỉnh Bình Định (nay là tỉnh Gia Lai) có báo cáo tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu 6 tháng cuối năm 2025.
-
Rót gần 6.400 tỷ đồng nâng cấp sân bay chiến lược giữa Tây Bắc, hướng tới đón 3 triệu khách mỗi năm
Sau thời gian dài ấp ủ, dự án sân bay Sa Pa – điểm kết nối chiến lược giữa vùng Tây Bắc với cả nước chính thức được điều chỉnh quy mô, bổ sung các hạng mục giai đoạn 2 để nâng công suất lên 3 triệu lượt hành khách/năm.







