Từ trước tới nay phía Tây luôn được định hướng là khu vực phát triển của Hà Nội. Điều này một lần nữa lại được khẳng định trong Quy hoạch tổng thể phát triển vùng Thủ đô Hà Nội sau khi sáp nhập Hà Tây, huyện Mê Linh và 4 xã huyện Lương Sơn.
Định hướng phát triển Thủ đô với trọng tâm là phía Tây đã nhận được sự đồng thuận cao của dư luận. Có thể nói, một ý tưởng xuyên suốt từ xưa đến nay về hướng phát triển này không có sự thay đổi, xê dịch nào.

Theo đồ án quy hoạch, phía Tây sẽ “ôm” trọn: khu vực nội đô mở rộng; phần mở rộng đô thị trung tâm hạt nhân, là khu vực phát triển cao tầng, gắn kết với các dịch vụ hiện đại theo mô hình đa chức năng và sinh thái bền vững; nơi để di chuyển nhà máy, bệnh viện, trường đại học ra khỏi nội thành nhằm giảm từ 1,2 triệu dân nội thành xuống còn 0,8 triệu dân. Đây cũng là khu vực đặt Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Trung tâm Thể thao Quốc gia, trụ sở mới của một số bộ.

Đây còn tập trung các đô thị công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao. Phía Tây còn bao bọc cả một không gian văn hóa, lich sử, kiến trúc, làng nghề cổ truyền với bề dày nhiều thế kỷ. Như vậy, ngoài cái “lõi lịch sử” phố cổ, phố cũ Hà Nội, Thủ đô sẽ hình thành nên một cái “lõi đô thị” mới ở phía Tây. Dáng vóc, diện mạo ngày mai như thế nào, rõ ràng cần một tầm nhìn xa với những nghiên cứu khoa học, xã hội, văn hóa, nhân văn và môi trường hết sức nghiêm túc và kỹ lưỡng.

Trong thực tế, quy hoạch là một việc rất quan trọng, nhưng đôi khi việc thực hiện lại rất khác. Một giáo sư có uy tín, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường nhận xét rằng, lập ra quy hoạch có thể rất hay nhưng khi áp dụng vào thực tế lại bị vướng mắc vì nhiều nguyên nhân. Lịch sử Hà Nội đã chứng kiến rất nhiều bản quy hoạch tổng thể kể từ quy hoạch đầu tiên do chuyên gia Liên Xô trước đây thực hiện.

Song, chưa có quy hoạch nào được thực thi nghiêm túc. Những “cơn sốt” đất mang tính cục bộ ở phía Tây thời gian qua, sự “nóng lạnh” bất thường tại một số dự án mới ở An Khánh, Dương Nội hoặc hiện tượng “động đất” nông nghiệp ở Ba Vì khiến nhiều người hốt bạc, nhiều người “bạc mặt”, là lời cảnh báo về sự kém minh bạch và thiếu chuyên nghiệp của thị trường bất động sản. Không nên quên rằng, bản quy hoạch đồ sộ này ước tính cần tới gần 70 tỷ USD để thực hiện, trong bối cảnh hiện nay các nguồn vốn từ ODA đến đầu tư trực tiếp nước ngoài khó có thể huy động cho công việc to lớn này, ngân sách Nhà nước cũng chẳng dư dả gì.

Lẽ đương nhiên, năng lực để thực hiện quy hoạch đó có lẽ chỉ có thể trông chờ vào chính nguồn lực từ đất đai. Bằng cách nào để chuyển hóa nguồn lực dồi dào này thành năng lực tài chính? Tại một hội nghị về cơ hội đầu tư từ các dự án phía Tây Hà Nội, nhiều chuyên gia, nhà đầu tư kỳ vọng Nghị định 71/CP sẽ góp phần sàng lọc những nhà đầu tư (đầu cơ) theo kiểu lướt sóng, lợi dụng thông tin mập mờ và khoảng tối của thị trường để trục lợi. Nghị định cũng sẽ hạn chế đáng kể tình trạng mua bán nhà, đất trên giấy khi chủ đầu tư huy động vốn trái luật từ người mua, thậm chí cả khi dự án chưa động thổ mà đất đai đã rung động.

Chuyển từ nguồn vốn tĩnh (đất đai) sang nguồn vốn động (tài chính) là nội dung cơ bản của Nghị định 71/CP, xuất phát từ yêu cầu thực tế. Đây là mệnh lệnh của thị trường có tác động mạnh làm cho thị trường bất động sản minh bạch hơn, cụ thể là phía Tây sẽ giảm độ “nóng” không đáng có nhưng vẫn sôi động đúng nghĩa là “mảnh đất hứa” của các nhà đầu tư nghiêm túc, hợp pháp.
Cafeland.vn - Theo ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland