Thời gian gần đây, Báo Hànộimới nhận được phản ánh của nhiều bạn đọc liên quan đến việc xây dựng chung cư mi ni trong các khu dân cư với nỗi bức xúc chung là tình trạng quá tải của hệ thống cấp nước sinh hoạt, thoát nước, đường đi lối lại… khi dân số tăng đột biến.
Việc gia tăng nhanh chóng của loại hình nhà ở này trên địa bàn thành phố thời gian qua khiến các nhà chuyên môn lo ngại...

Phát triển chung cư mi ni: Lợi trước mắt, hại lâu dài

Phát triển chung cư mi ni cần có quy hoạch đồng bộ.

Một khu chung cư tại ngõ 44 phố Nhân Hòa (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) bị khiếu kiện khi đã xây dựng đến tầng 8, trong khi giấy phép chỉ có 6 tầng, một tum. Đơn khiếu kiện còn có nhiều nội dung bức xúc khác như trong quá trình xây dựng để rơi vãi đất cát xuống nhà dân gây lún nứt, hệ thống cống thoát nước chung, dẫn đến úng ngập, đường sá lầy lội, bẩn thỉu... Mặc dù chính quyền địa phương khẳng định là đã đình chỉ xây dựng, chờ chủ đầu tư xin giấy phép bổ sung nhưng đến nay công trình đã hoàn thiện, đa số căn hộ đã có người ở.

Vào cuối năm 2010, một chung cư 7 tầng trong ngách 61, ngõ 12 phố Chính Kinh (cũng thuộc quận Thanh Xuân) khi hoàn thành cũng khiến người dân trong khu vực vô cùng lo lắng vì đường ngõ nhỏ hẹp, hệ thống cấp nước, cấp điện và thoát nước trước đây chỉ thiết kế cho 7 hộ nay phải "cõng" thêm 33 hộ nữa thì gánh sao nổi? Đơn thư kiến nghị được gửi đi nhiều nơi. Chủ đầu tư sau đó đã phải tự bỏ kinh phí để cơ quan chức năng cho thi công đường cấp điện, thoát nước khác song song với hệ thống cũ. Tuy tình trạng quá tải bước đầu đã được khắc phục nhưng dây cáp lại chồng lên dây cáp, khiến mạng lưới "rác trên trời" ở khu vực này càng chằng chịt hơn.
Người dân ngõ Hoàng An A (phường Trung Phụng, quận Đống Đa) thì "lo xa" hơn, kịp thời gửi đơn kiến nghị khi vừa phát hiện chủ số nhà 43 trong ngõ rao bán căn hộ trên nhiều trang web, cho dù chủ khu đất này vẫn chưa tiến hành xây dựng. Ngôi nhà có thiết kế 6 tầng, mỗi tầng 3 căn hộ, tổng cộng là thêm 18 gia đình nữa chen chúc nhau trong con ngõ hẹp, có chỗ rộng chưa đầy 3m, lại chỉ cách điểm giao nhau với đường tàu có vài chục mét. Người dân lo lắng, khi số người qua lại tăng đột biến, ngõ hẹp, nếu xảy ra ùn tắc khi qua đường sắt thì không biết hậu quả sẽ ra sao.

Một số người dân trên địa bàn quận Cầu Giấy lại bức xúc về tình trạng không bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu chung cư mini. Điển hình như các hộ sống trong một khu nhà tại ngõ 199 đường Hồ Tùng Mậu. Khu nhà có đến 20 hộ dân nhưng chỉ có 4 hộ tầng 1 để được xe trong nhà, các hộ khác phải mang xe ra ngoài gửi vì thiết kế khu nhà không có chỗ để xe. Một số khu nhà khác thì tìm mỏi mắt mới thấy đường vào do ngõ quá hẹp, hệ thống báo cháy không đầy đủ, nhà nào có thang máy thì cầu thang thoát hiểm lại rất hẹp, hai người tránh nhau còn khó. Nhiều khu không có nhân viên bảo vệ, lao công; việc trông nom, cai quản trông cả vào gia đình chủ nhà sống ngay tầng 1, không khác nhà trọ sinh viên là mấy…

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ lo ngại về tình trạng chung cư mi ni phát triển nhanh trong thời gian qua. Sự phát triển tự phát này rõ ràng có tác động tiêu cực đến sự phát triển của Thủ đô, hậu quả nhãn tiền là hạ tầng quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng sống của chính cư dân chung cư mi ni và người dân khu vực. Bên cạnh đó, các căn hộ chủ yếu do tư nhân xây dựng nên chất lượng xây dựng "rất có vấn đề" về an toàn, nhanh xuống cấp. Những công trình này lại đang phá vỡ quy hoạch đô thị vì xây dựng tùy tiện, kiến trúc lộn xộn, thiếu tính chuyên nghiệp do tiết kiệm tối đa diện tích sử dụng... Giải pháp cho các vấn đề này là phải kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy phép xây dựng, tăng cường quản lý, giám sát trong quá trình xây dựng, khoanh vùng những khu vực được phép xây chung cư mi ni, những vùng phải hạn chế…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chung cư mi ni xuất hiện thời gian qua tại các quận nội thành như Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy ban đầu chủ yếu do cá nhân đứng ra xin phép xây nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, rồi "nở rộ như nấm sau mưa" sau khi có Nghị định số 71/NĐ-CP ngày 23-6-2010 của Chính phủ. Nếu cơ quan chức năng không đưa ra những tiêu chí cụ thể về diện tích tối thiểu, điều kiện vệ sinh an toàn cháy nổ cũng như các vấn đề pháp lý liên quan đến sở hữu, chuyển nhượng... thì không lâu nữa, loại nhà ở này sẽ lại trở thành "vấn nạn" trong quản lý đô thị.
Theo Văn Ngọc Thủy (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0