Cuối tháng 4-2020 vừa qua, có dự báo cho rằng, kịch bản xấu nhất cho ngành dịch vụ lưu trú là sẽ có 'làn sóng' bán tháo khách sạn của các nhà đầu tư tư nhân nhằm cắt lỗ. Hiện tại, trong giai đoạn bùng phát dịch lần thứ 2, lời dự báo nêu trên đang dần trở thành hiện thực.

Đại dịch kéo dài khiến nhiều chủ khách sạn không những cho phần lớn nhân viên nghỉ việc mà còn phải rao bán tài sản. Nếu như hồi đầu dịch, phần lớn các khách sạn được rao bán có quy mô nhỏ và vừa thì nay đã có nhiều khách sạn từ 4-5 sao được chào giá.

Dãy khách sạn lớn dọc biển Nha Trang. Ảnh: Đào Loan

Khách sạn 4, 5 sao cũng rao bán

Sau khi kết thúc giãn cách xã hội hồi cuối tháng 4, giới kinh doanh truyền tai nhau thông tin về một vài khách sạn 5 sao tại TPHCM và một số nơi khác sắp được chào bán nhưng nhiều người bán tín bán nghi, cho rằng những doanh nghiệp lớn thường có dự trữ vốn để vượt qua khủng hoảng, không lẽ lại phải sớm "đầu hàng".

Thế nhưng, mức độ ảnh hưởng của đại dịch đã vượt qua mọi dự báo. Nhiều lời đồn đoán đã trở thành sự thật.

Một doanh nhân thạo mảng này cho TBKTSG Online xem danh sách các khách sạn đang chào bán tại nhiều địa phương. Trong đó, một khách sạn 5 sao ở TPHCM giá 160 triệu đô la Mỹ, khách sạn khác cũng cùng tiêu chuẩn nằm ở gần sông Sài Gòn được chào giá 425 triệu đô la; một khách sạn 4 sao đã đấu giá hai lần vẫn chưa có người mua...

Hay như ở Nha Trang, một khách sạn 5 sao sát biển do một tập đoàn quản lý khách sạn nổi tiếng thế giới quản lý đang được chào giá 1.500 tỉ đồng; ở Phú Quốc có khách sạn 4 sao ở khu trung tâm rao giá 700 tỉ đồng; có một số khách sạn chỉ hoạt động vài ba năm cũng đã phải rao bán...

“Chỉ có vài chủ đầu tư rao bán tài sản từ trước đó còn lại đều rao từ khi dịch diễn biến xấu hơn", doanh nhân này nói và cho rằng, danh sách này có thể sẽ dài hơn trong vài tháng tới vì thị trường đã suy giảm trong một thời gian quá dài và dự báo là khó khởi sắc, ít nhất là trong vòng một năm tới.

Theo đó, có những doanh nghiệp không chỉ đầu tư một mà cả chuỗi khách sạn cho nên cần phải bán nhanh một hoặc tài sản để giải quyết gánh nặng nợ nần trong giai đoạn khủng hoảng; có chủ đầu tư vừa bỏ vốn lớn vào mảng này nhưng thấy thị trường khách sạn trong trung hạn rất u ám trong khi những mảng đầu tư khác cũng cần vốn để đương đầu với khó khăn chung của nên kinh tế nên phải cơ cấu khoản đầu tư ngay.

Bên ngoài một resort cao cấp vẫn còn đóng cửa tại Phan Thiết. Ảnh: Đào Loan

Giá chào bán rẻ hơn giai đoạn trước dịch bệnh nhưng...

Nhiều doanh nghiệp cho biết, những khách sạn được ngân hàng đem ra bán đấu giá đang rẻ hơn rất nhiều so với hồi trước dịch. Chẳng hạn, khách sạn 4 sao có 80 phòng ở TPHCM vừa kể trên là khách sạn được giới kinh doanh định giá hơn 600 tỉ đồng hồi trước dịch nhưng nay đã thấp hơn rất nhiều.

“Theo tôi biết, giá trong lần đấu giá đầu tiên là 470 tỉ đồng, hồi giữa tháng rồi còn cỡ 430 - 450 tỉ đồng. Hiện tại, người mua có thể mua với giá cỡ 400 tỉ đồng hoặc thấp hơn nếu đàm phán trực tiếp với phía ngân hàng”, một doanh nhân nói sau khi đi xem khách sạn và "bật mí" ngân hàng này có trụ sở chính ở ngoài TPHCM nên nhà đầu tư muốn mua thì phải bỏ công đi xa một chuyến.

Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý Khách sạn Chez Mimosa, có nhiều yếu tố tác động đến giá bán như vị trí, diện tích, chất lượng cơ sở vật chất, tên tuổi khách sạn, tình hình kinh doanh hiện tại, kỳ vọng cho tương lai. Trong đó, chủng loại phòng cũng tác động đến giá, chẳng hạn mỗi phòng Suite (phòng cao cấp) thường có vốn đầu tư cao hơn từ 1,5 cho đến 2 lần so với phòng loại thường nên khách sạn có nhiều phòng loại này sẽ chào giá cao hơn.

Hiện tại, tuy một số khách sạn 4-5 sao được chào bán với giá thấp hơn nhiều so với hồi trước dịch nhưng nếu so sánh với những thị trường khác như châu Âu thì giá ở Việt Nam không giảm quá sâu trong giai đoạn khủng hoảng.

“Ở châu Âu, giá cho mỗi phòng loại thường cỡ khoảng 5,3 tỉ đồng nhưng trong thời điểm kinh tế khó khăn, như đợt suy giảm kinh tế thế giới trong hai năm 2008 - 2009, giá chỉ còn khoảng 2 tỉ đồng. Thị trường trong nước chưa giảm giá sâu đến mức này”, bà nói.

Trả lời TBKTSG Online về tình trạng giao dịch của các tài sản lớn này, một số doanh nhân khác cho rằng chưa có nhiều dữ liệu để đánh giá giao dịch trên thị trường có tốt hay không.

Theo đó, vì đây là những tài sản lớn nên nhà đầu tư, phần lớn là doanh nghiệp sẽ chọn lựa rất cẩn thận, cần thời gian để các nhà tư vấn chuyên nghiệp thẩm định, định giá và đánh giá rủi ro dài hạn. Chẳng hạn, có khách sạn ở TPHCM hiện có giá rẻ hơn trước khá nhiều nhưng nhà đầu tư vẫn chưa muốn tham gia, không chỉ vì phải đánh giá lại thị trường mà còn vì khách sạn có quá nhiều cổ đông, có thể ảnh hưởng đến thời gian ra quyết định.

Ngay cả khi quá trình đó hoàn tất, giao dịch cũng có thể sẽ chậm do những hoạt động như bảo lãnh đầu tư cần nhiều thời gian hơn để tiến hành trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng, tạo nên những rủi ro mới.

  • Khách sạn châu Á sẽ sớm phục hồi khi chính sách hạn chế đi lại kết thúc

    Khách sạn châu Á sẽ sớm phục hồi khi chính sách hạn chế đi lại kết thúc

    CafeLand - Theo dữ liệu từ Công ty Jones Lang LaSalle (JLL), 2019 là một năm bội thu đối với thị trường đầu tư khách sạn của châu Á. Khối lượng giao dịch tăng 61% so với cùng kỳ năm 2018, vươn lên mức cao nhất mọi thời đại là gần 14 tỉ USD, so với mức giảm hơn 20% ở Bắc Mỹ và thị trường không biến động ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Đào Loan (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.