22/07/2021 8:20 AM
Phát triển nhà ở công nhân không chỉ là chính sách mang ý nghĩa an sinh dành cho người lao động, mà còn giúp phát triển sản xuất ở những địa phương tập trung các khu công nghiệp lớn, cũng là nơi giúp phòng chống các đợt dịch tương tự Covid-19 trong tương lai.

Điện thoại là phương tiện duy nhất giúp công nhân trong khu tạm trú liên lạc với người thân bên ngoài. Ảnh: Trọng Tín

Từ phương án “3 tại chỗ”…

Tan ca làm, chị Lê Hương Ly (32 tuổi, quê Quảng Nam) chạy ngay đến trường đón con trai 8 tuổi về phòng trọ. Đó là một khu trọ tuềnh toàng, giá thuê 1,4 triệu đồng/tháng, gần Khu công nghiệp Tân Bình nơi chị đang làm việc. Gia đình có ba người, chồng chị đang làm công nhân sửa điện. Thu nhập của hai vợ chồng khoảng 15 triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm mới lo được cuộc sống và tiền ăn học cho con nhỏ.

“Nghĩ đi nghĩ lại, dù mình chẳng bằng ai nhưng cũng đỡ hơn nhiều hoàn cảnh khác. Thế nên tới đâu thì tính tới đó, cứ lạc quan mà sống, mà làm việc thôi”, chị Ly cười nói. Hỏi ước mơ lớn nhất của hai vợ chồng, chị thốt ngay: “Mong sao gom góp được chút đỉnh để có tiền mua cái nhà, thoát khỏi ‘đời ở trọ’. Có cái nhà thì cuộc sống sẽ ổn định hơn”.

Không riêng vợ chồng chị Ly, với những công nhân mưu sinh xa xứ, khao khát lớn nhất chính là “có cái nhà của mình”. Đời công nhân, dẫu phải trải qua 8 tiếng, thậm chí 12 tiếng mỗi ngày trong nhà xưởng cũng đều vui vẻ và chấp nhận. Với họ, nỗ lực kiếm được vài triệu đồng tiền lương để cuối tháng khỏi phải chạy vạy... mới ngủ yên giấc.

Có muôn vàn nỗi lo, nhưng họ sợ nhất là “đổ bệnh”, sợ dương tính với Covid-19, bởi bình thường đã phải tốn kém đủ thứ, huống gì lúc bệnh, lấy đâu ra tiền để điều trị. Khi TP.HCM quyết định áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 9/7/2021 để chống dịch, công ty nơi chị Ly làm việc cũng kích hoạt phương châm “3 tại chỗ” cho công nhân (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ).

Có lẽ, chưa bao giờ chị Ly nghĩ có một ngày sẽ phải ở lại công ty 24/24 giờ, phải xa chồng con như bây giờ. Tan ca, ai nấy đều về lều trại của mình, không tiếp xúc gần với ai. Tối đến, ai nấy đều chăm chú vào màn hình điện thoại, phương tiện duy nhất giúp họ được gặp gỡ, trò chuyện với người thân ở bên ngoài. Chị Ly, sau dăm ba câu trò chuyện với chồng, với con, thi thoảng lại nhìn về khoảng sân phía trước, chưa bao giờ chị thấy lòng mình nặng trĩu như vậy. “Giờ mà không may mắc Covid, phải nghỉ làm thì lấy gì mần ăn?”.

Ngoài doanh nghiệp nơi chị Ly làm việc, tính đến cuối tuần qua, tại TP.HCM có hơn 60 doanh nghiệp đang hoạt động tại khu chế xuất, khu công nghiệp đăng ký thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất. Ông Hoàng Minh Anh Tú, Tổng giám đốc Công ty Alta Group - một doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại bao bì phân hủy sinh học dùng trong siêu thị tại Khu công nghiệp Tân Bình cho biết, khi Thành phố áp dụng Chỉ thị 16, Công ty đã bố trí lại nhà xưởng để công nhân có thể ăn ở và làm việc ngay tại nhà máy, đồng thời dành một khu vực riêng biệt để phòng có trường hợp F0, F1 sẽ được cách ly ngay trước khi lực lượng y tế đến đưa đi cách ly tập trung.

“Phương án cho công nhân lưu trú ngay tại Công ty đã được Ban điều hành chuẩn bị cả tháng nay, đến ngày 9/7/2021 chỉ áp dụng theo kịch bản để yên tâm duy trì sản xuất”, ông Tú nói.

Tại Công ty Nidec Sankyo, nhà máy được tận dụng làm nơi tạm trú cho gần 3.500 công nhân. Ảnh: Trọng Tín

… nhắc chuyện làm nhà ở cho công nhân

Covid-19 xuất hiện đã làm lộ rõ hơn nhiều vấn đề, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm tại các khu nhà trọ công nhân tự phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM…, câu chuyện xây nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp một lần nữa được nhắc tới.

Thử đặt một giả thiết, nếu các khu công nghiệp khép kín có xây dựng nhà trọ, ký túc xá, hay “sang” hơn là nhà ở xã hội cho công nhân với các tiện ích nội khu, thì khi dịch bệnh căng thẳng, họ vẫn đảm bảo được vấn đề “3 tại chỗ” mà không phải đợi khi Thành phố ban lệnh giãn cách xã hội mới loay hoay tìm phương án.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một lỗ hổng lớn cần sớm được khắc phục là xây dựng, phát triển và quản lý nguồn nhân lực trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Ông Phòng cho biết, sự thiếu hụt các dịch vụ cho người lao động như phúc lợi xã hội, nhà ở cho công nhân, dịch vụ đào tạo, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí hay trường mẫu giáo cho con em công nhân… dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa thu hút được lao động.

“Các khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam đang để lộ điểm yếu về quản lý nhân lực - yếu tố tác động trực tiếp đến quy mô, tinh thần và năng suất lao động, điều này có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường khi có vấn đề phát sinh và dịch Covid-19 bùng phát là một minh chứng”, ông Phòng nhấn mạnh.

Thực tế, nhà ở cho công nhân không chỉ mang ý nghĩa an sinh dành cho người lao động, mà còn giúp phát triển sản xuất ở những địa phương tập trung các khu công nghiệp lớn, nhưng bấy lâu nay vẫn luôn khó làm và 2 “điểm nghẽn” cố hữu được chỉ ra đó là thiếu quỹ đất và thủ tục nhiêu khê.

Bà Trương Tú Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại An - chủ đầu tư Khu công nghiệp Đại An (Hải Dương) cho biết, thời gian qua, nhiều quy định liên quan tới phát triển khu công nghiệp đã được đổi mới và luật hoá, nhưng chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp vẫn chưa có tiến triển, thủ tục và quy trình xây dựng còn rất nhiêu khê do bị chi phối bởi pháp luật liên quan về nhà ở.

“Suốt 7 năm qua, chúng tôi vẫn chưa thể giải quyết được thủ tục xây dựng nhà ở cho công nhân trong Khu công nghiệp Đại An, cho dù rất nỗ lực”, bà Phương nói và kiến nghị, Nhà nước cần có tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư khu công nghiệp phù hợp để họ đáp ứng được các vấn đề mang tính kết nối, đặc biệt là công tác đào tạo, chăm lo đời sống cho người lao động trong khu công nghiệp, cần phải xem chủ đầu tư khu công nghiệp là nhà đầu tư đặc biệt và có chính sách ưu đãi phù hợp.

Tổng giám đốc một công ty quản lý vận hành nhiều khu công nghiệp ở Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, các khu công nghiệp hình thành trước năm 2005 theo quy hoạch chưa có khu đảm bảo phúc lợi cho người lao động. Chỉ những khu công nghiệp phát triển gần đây mới có quy hoạch 1/500 được phê duyệt có bố trí khu dịch vụ y tế, nhà trẻ, sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa - thể thao, nhà ở cho công nhân…

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, các khu này phải tách ra dự án riêng, không được để trong tổng thể khu công nghiệp đã được phê duyệt. Việc này đòi hỏi mất nhiều thời gian, chi phí điều chỉnh quy hoạch của doanh nghiệp, làm lỡ cơ hội đầu tư, gây chậm trễ việc đảm bảo an sinh phúc lợi cho người lao động.

Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp chỉ đơn thuần là san lấp mặt bằng và chờ nhà đầu tư tới đầu tư, mà chưa quan tâm đúng mức vấn đề phát triển nhà ở, ổn định an sinh xã hội cho công nhân. Trong khi đó, việc bảo đảm về an sinh xã hội trong khu công nghiệp là yếu tố được quan tâm của những nhà sản xuất lớn khi lựa chọn địa điểm đặt nhà máy, bên cạnh những ưu đãi khác… Do vậy, thúc đẩy hoàn thiện và đồng bộ các chính sách mới về phát triển nhà ở cho người lao động gắn liền với khu công nghiệp cần là yếu tố được đặt lên hàng đầu.

Trọng Tín (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.